Nợ vay tăng vọt 50% chỉ trong 3 tháng, Coteccons (CTD) vẫn chi cổ tức tiền mặt lần đầu sau 3 năm 'im ắng'
Để thực hiện các dự án mới, Coteccons (Mã: CTD) đã phải tăng cường vay nợ ngắn hạn thêm 50,8% chỉ trong 3 tháng đầu năm tài chính 2025. Thế nhưng, CTD vẫn chi tiền mặt để trả cổ tức cho cổ đông sau 3 năm gặp khó khăn.
Coteccons (CTD) trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10% sau 3 năm "im ắng"
CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) vừa thông qua kế hoạch chi trả cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt. Đây là lần đầu tiên CTD trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông trong 3 năm qua do quá trình tái cơ cấu. Tỷ lệ chia cổ tức là 10%, tương đương 1.000 đồng mỗi cổ phiếu, với tổng số tiền dự kiến chi trả gần 100 tỷ đồng. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 24/12/2024, cổ đông sẽ nhận thanh toán cổ tức vào ngày 14/01/2025.
Về lịch sử chia cổ tức, lần cuối cùng CTD chia cổ tức là từ năm 2020, với tỷ lệ tương tự. Từ năm 2021 đến 2023, công ty không chia cổ tức do phải đối mặt với áp lực lớn từ thị trường xây dựng và tập trung vào các chiến lược tái cơ cấu.
Lịch sử chia cổ tức của Coteccons từng là một điểm sáng khi công ty thường xuyên duy trì tỷ lệ chia cổ tức cao trong giai đoạn 2010-2020. Đặc biệt, năm 2015, Coteccons chia cổ tức với tỷ lệ cao nhất là 55%. Hai năm sau đó, công ty tiếp tục duy trì tỷ lệ 50%, và đến năm 2018, tỷ lệ này là 30%. Đây cũng là thời kỳ đỉnh cao của Coteccons, với doanh thu đạt kỷ lục 28.560 tỷ đồng vào năm 2018.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2020, sau khi vị chủ tịch sáng lập và Chủ tịch Coteccons - Ông Nguyễn Bá Dương rời khỏi vị trí lãnh đạo, công ty bước vào một giai đoạn chuyển giao lớn. Giai đoạn này, cùng với các khó khăn của ngành xây dựng, khiến Coteccons phải tạm dừng chính sách chia cổ tức để tập trung vào việc củng cố nội lực và hoạch định chiến lược phát triển dài hạn.
Lợi nhuận tăng trưởng 40%
Về hoạt động kinh doanh, Coteccons đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất Quý 1 năm tài chính 2025 (kỳ kết thúc ngày 30/9/2024). Trong kỳ, doanh thu thuần đạt 4.758,9 tỷ đồng, tăng 15,4% so với Quý 1/2024. Doanh thu tăng trưởng do công ty nhận được một số dự án mới. Tuy nhiên điều này cũng đặt ra thách thức về việc đảm bảo nguồn vốn thực hiệnc ác dự án.
Giá vốn hàng bán chiếm 4.553,5 tỷ đồng, Lợi nhuận gộp của Coteccons đạt 205,4 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 4,32%, cải thiện hơn so với mức 2,43% cùng kỳ.
Doanh thu hoạt động tài chính giảm 40 tỷ, xuống chỉ còn 70,9 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng nhẹ lên 39 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay chiếm 31,9 tỷ đồng, cho thấy công ty tăng cường vay vốn để tài trợ cho các dự án lớn.
Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp ghi nhận sự gia tăng mạnh, chiếm tổng cộng 330,4 tỷ đồng, tăng từ 195,1 tỷ đồng cùng kỳ. Sự gia tăng này chủ yếu đến từ việc đẩy mạnh triển khai các dự án lớn và tái cấu trúc vận hành.
Sau khi trừ thuế và các chi phí khác, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 92,9 tỷ đồng, tăng 40,5% so với Quý 1/2024.
Nợ vay ngắn hạn tăng vọt 50,8%
Tại ngày 30/9/2024 tổng tài sản của Coteccons đạt 23.723,8 tỷ đồng, tăng 3,7% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn tăng 4,1%, chiếm tỷ trọng lớn. Đáng chú ý, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tới 56,9% tổng tài sản. Điều này cho thấy rủi ro về công nợ rất lớn của đơn vị, đặc biệt là đối với mảng xây dựng.
Trong khi đó, thước đo về thanh khoản của doanh nghiệp là chỉ tiêu về tiền và các khoản tương đương tiền lại giảm 22,9% xuống còn 1.705,4 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả trong kỳ đã tăng 5,4% lên 15.043,2 tỷ đồng, với nợ ngắn hạn chiếm phần lớn. Đặc biệt, nợ vay tài chính ngắn hạn đã tăng vọt 50,8%, từ 1.519,1 tỷ đồng lên 2.292,6 tỷ đồng. Đây là dấu hiệu cho thấy cho thấy Coteccons đang tích cực huy động vốn để phục vụ các dự án lớn, đồng thời đẩy rủi ro nguồn vốn của đơn vị gia tăng. Nợ dài hạn giảm 5,6%, xuống 51,1 tỷ đồng, cho thấy công ty đã giảm áp lực tài chính bằng cách thanh toán các khoản nợ dài hạn.
Vốn chủ sở hữu tăng nhẹ 1,0% lên 8.680,6 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng 13,3%, đạt 790,8 tỷ đồng.
Bích Diễm