Hoàn tất sát nhập hệ thống phân phối ô tô lớn nhất nước, vốn hóa của Tasco vượt mốc 1 tỷ USD, ngang ngửa REE, lớn hơn Gelex, Sunshine Homes
Trước đó, Tasco đã phát hành riêng lẻ 543,8 triệu cổ phiếu để hoán đổi cổ phần với các cổ đông của CTCP SVC Holdings.
CTCP Tasco (mã chứng khoán: HUT) thông báo thay đổi số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành. Theo đó Tasco cho biết số cổ phiếu mới tăng thêm là 543,8 triệu đơn vị, giúp vốn điều lệ của doanh nghiệp đạt 8.925 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/9, cổ phiếu HUT đã tăng 8,4% lên có mức giá 28.500 đồng. So với đầu năm, thị giá mã này cũng đã tăng gấp đôi. Với mức giá hiện tại, vốn hóa của Tasco đã chính thức vượt mốc 1 tỷ USD với 25.436 tỷ đồng.
Con số này cũng giúp vốn hóa của Tasco tiệm cận với một số tên tuổi như Đô thị Kinh Bắc, Khang Điền hay REE. Thậm chí, còn vượt FPT Telecom, Viglacera, VIMC, Gelex...
Ước tính theo mức giá hiện tại của cổ phiếu HUT, các cổ đông của SVC Holdings nhận về lượng cổ phiếu có trị giá tới 15.000 tỷ đồng.
Về lý do đầu tư vào SVC Holdings, năm 2022 cựu Chủ tịch Tasco Hồ Việt Hà đã chia sẻ rằng theo định hướng mới, mảng phân phối ô tô là trụ cột lớn nhất của Tasco trong tương lai và sẽ kết hợp, hỗ trợ thêm về mảng bất động sản. SVC Holdings hiện đang sở hữu Savico - đại lý nắm giữ 11,2% thị phần xe ô tô mới với chuỗi phân phối trải dài từ Bắc vào Nam cùng nhiều bất động sản tại các vị trí đắc địa ở TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng,...
Ngoài ra, Tasco cũng đã đầu tư M&A một công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Vừa bán xe, vừa bán bảo hiểm và đầu tư cả các dự án BOT tạo nên một hệ sinh thái khép kín cho khách hàng của công ty.
Quy mô tài sản tăng nhanh sau M&A
Trước khi thực hiện thương vụ thâu tóm SVC Holdings, Tasco đã chi hơn 402 tỷ đồng mua 100% vốn Groupama Việt Nam và đổi tên thành Bảo hiểm Tasco. Theo kế hoạch, Tasco dự kiến rót thêm vào công ty này 612 tỷ đồng.
Như vậy có thể thấy, Tasco sẽ là một tập đoàn đa ngành trải rộng trên nhiều lĩnh vực như hạ tầng giao thông, bất động sản – du lịch, kinh doanh ô tô…
Theo báo cáo từ Tasco, sau khi hợp nhất SVC Holdings, tổng tài sản của công ty sẽ tăng từ mức 11.632 tỷ đồng hồi đầu năm lên mức 25.424 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng từ 3.783 tỷ đồng lên mức 11.726 tỷ đồng. Công ty sẽ có thêm 7.900 nhân sự làm việc, 83 showroom ô tô và đặc biệt là sẽ có khoảng gần 3 triệu khách hàng.
Như vậy có thể thấy thông qua một loạt các thương vụ M&A, Tasco sở hữu được một loạt các doanh nghiệp tên tuổi trong nhiều lĩnh vực khác nhau với tổng tài sản lên đến vài chục nghìn tỷ đồng.
Thực tế trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp đã rất thành công với chiến lược M&A này, điển hình có thể kể đến như Gelex, Masan Group hay Bamboo Capital.
Sau khi hoàn tất hợp nhất Viglacera trong năm 2021, quy mô của Gelex đã tăng vọt lên với doanh thu gần 30.000 tỷ đồng cùng tổng tài sản hơn 61.000 tỷ đồng.
Một công ty khác cũng dùng M&A là chủ đạo phát triển và đang tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian gần đây là CTCP Bamboo Capital (BCG). BCG đang hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, bất động sản, hạ tầng, sản xuất và tài chính.
Tuy nhiên, mức tăng quy mô tổng tài sản của Bamboo Capital hay Gelex là lớn hơn nhiều so với Tasco hiện này. Trong khi đó, vốn hóa của Tasco lại vượt cả Bamboo Capital lẫn Gelex.
Quý 2/2023, Tasco ghi nhận doanh thu thuần 315 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng 70,8% lên 193 tỷ đồng khiên biên lãi gộp giảm từ 48,4% về còn 38,7%.
Kết quả, Tasco thu về hơn 12 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do không được hoàn khoản thuế nào trong quý này, lợi nhuận ròng của công ty đạt 9,6 tỷ đồng, giảm 31,5% so với thực hiện quý 2/2022.
Lũy kế 6 tháng, Tasco ghi nhận doanh thu 610 tỷ đồng, giảm 33% so với thực hiện năm trước. Sau khi trừ chi phí, công ty đem về 10,5 tỷ đồng lợi nhuận ròng, giảm gần 90% so với nửa đầu năm ngoái. So với kế hoạch năm, doanh nghiệp mới thực hiện được chưa tới 2% mục tiêu lợi nhuận năm.
Nhịp sống thị trường