FPT có tới 4 thành viên trong câu lạc bộ doanh nghiệp CNTT nghìn tỷ
Mới đây, Tập đoàn FPT và 3 công ty thành viên (FPT Telecom, FPT Software, FPT IS) lọt Top10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam ở 8/20 lĩnh vực bình chọn và được công nhận là những thành viên đầu tiên của câu lạc bộ doanh nghiệp nghìn tỷ trong Chương trình Top10 CNTT do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức.
Cụ thể, FPT và các công ty thành viên được xếp hạng vào Top10 trong 8 lĩnh vực gồm Top10 Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số; Top10 Doanh nghiệp cung cấp nền tảng chuyển đổi số; Top10 Doanh nghiệp cung cấp hạ tầng số, dịch vụ điện toán đám mây, dữ liệu lớn; Top10 Doanh nghiệp FinTech; Top10 Doanh nghiệp PropTech; Top 10 Doanh nghiệp bảo mật, an toàn thông tin; Top10 Doanh nghiệp Cung cấp giải pháp thành phố thông minh và Top 10 Doanh nghiệp EdTech.
Đây là giải thưởng được VINASA tổ chức thường niên, bắt đầu từ năm 2014. Việc được vinh danh tại các hạng mục giúp quảng bá hình ảnh tới hơn 5.000 cơ quan, doanh nghiệp lớn ứng dụng CNTT trong nước và các khách hàng, 10.000 đối tác tiềm năng tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Để lọt vào danh sách bình chọn, các doanh nghiệp phải thuyết trình với hội đồng đánh giá gồm những chuyên gia trong các lĩnh vực, đại diện cơ quan quản lý, cơ quan báo chí… Kết quả cuối cùng được đưa ra dựa trên nguyên tắc đa số, 10 doanh nghiệp có điểm số cao nhất từ trên xuống được lựa chọn.
Trở lại với những công ty "nhà FPT", trong mỗi lĩnh vực đạt giải, các đơn vị đều có những sản phẩm vượt trội về công nghệ và chất lượng như nền tảng trí tuệ nhân tạo toàn diện FPT.AI, nền tảng điện toán đám mây thế hệ mới FPT Cloud, nhóm giải pháp lõi và tổng thể cho lĩnh vực Ngân hàng – Tài chính, giải pháp thành phố thông minh với FPT Camera AI và FPT Smart Home…
Như đã nêu trên, không chỉ được vinh danh trong từng lĩnh vực, FPT và 3 công ty thành viên còn được ban tổ chức lựa chọn là những thành viên trong câu lạc bộ doanh nghiệp nghìn tỷ. Đây là năm đầu tiên chương trình lựa chọn, thành lập và công bố câu lạc bộ doanh nghiệp nghìn tỷ.
Đại diện Tập đoàn FPT - Ông Lê Hùng Cường, Phó Tổng giám đốc FPT Digital nhận chứng nhận thành viên Câu lạc bộ doanh nghiệp CNTT nghìn tỷ Việt Nam
Theo đại điện của ban tổ chức, việc lựa chọn nhóm này không chỉ khẳng định vị thế, tầm vóc của các tên tuổi công nghệ Việt Nam mà còn xây dựng đội ngũ đi đầu dẫn dắt ngành, đầu tư vào công nghệ tiên phong. Điều này góp phần hiện thực hóa mục tiêu doanh nghiệp số vào năm 2030 và hình thành ít nhất 10 doanh nghiệp công nghệ có doanh thu trên 1 tỷ USD.
Trên thực tế cho thấy, doanh thu của Tập đoàn mẹ FPT đã vượt ngưỡng doanh thu 1 tỷ USD hơn 10 năm nay. Quy mô vốn hóa trên thị trường chứng khoán của đơn vị này hiện cũng đạt trên 4 tỷ USD. Hay với FPT Telecom, quy mô doanh thu năm 2021 đạt hơn một nửa của mục tiêu trên và quy mô vốn hóa quanh ngưỡng 1 tỷ USD.
Trong số doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam nói chung và nhóm công nghệ nói riêng, FPT là một trong những cái tên hiếm hoi duy trì sự tăng trưởng đều đặn. Doanh thu và lợi nhuận của đơn vị này tăng trưởng với tỷ lệ bình quân 15,4% và 18,3% trong giai đoạn 2018 – 2021.
Kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm nay, khi nhiều lĩnh vực và đơn vị đang loay hoay giữ nhịp ổn định, FPT vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của FPT đạt lần lượt 23.219 tỷ đồng và 2.906 tỷ đồng, tăng 22,2% và 30,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một tín hiệu tích cực cho xu hướng tăng trưởng ổn định của FPT, đồng thời một lần nữa tái khẳng định vị thế tiên phong dẫn dắt của ngành theo tinh thần thiết lập câu lạc bộ nghìn tỷ về CNTT tại Việt Nam.
Tới đây, câu hỏi được nhiều người quan tâm đó là đâu là điểm bật cho sự tăng trưởng đều đặn của Tập đoàn FPT?
Quan sát hoạt động của Tập đoàn này cho thấy rằng ban lãnh đạo công ty luôn hướng đến việc tìm ra những động lực giữ nhịp tăng trưởng. Đơn cử như hệ sinh thái Made by FPT, được xem như động lực tăng trưởng mũi nhọn của FPT trong dài hạn.
"Made by FPT" được phát triển dựa trên các nền tảng công nghệ lõi gồm AI, Blockchain, Cloud, IoT và Lowcode, có khả năng ứng dụng rộng trong nhiều lĩnh vực.
Còn trong ngắn hạn, như giai đoạn 2022 – 2024, các dự án trọng điểm của FPT được tổ chức cân bằng đựa trên ba khía cạnh kinh doanh – công nghệ - quản trị. Ở khía cạnh thứ nhất, FPT đẩy mạnh kinh doanh, bán hàng để mở rộng tập khách hàng gồm cả SME và khách hàng cá nhân với các hệ thống như nền tảng quản trị doanh nghiệp base.vn, hệ thống Chabot, Voicebot, AI…
Với khía cạnh công nghệ, FPT đón đầu những xu hướng công nghệ mới trên thế giới, dẫn dắt sự phát triển của thị trường trong nước. Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, hệ sinh thái công nghệ Made by FPT sẽ tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ dựa trên các công nghệ dẫn đầu xu hướng như AI, Cloud, Big Data, Blockchain, Hyper Automation
Về quản trị, các hoạt động tập trung vào 6 chương trình trọng điểm gồm Đào tạo, Nâng cao năng lực và hiệu quả ngành dọc quản trị, Chương trình khoán, Luân chuyển, Quản trị theo mục tiêu và kết quả then chốt, Chuyển đổi số.
Những định hướng phát triển mới của FPT bước đầu ra "trái ngọt", đóng góp vào sự tăng trưởng chung của Tập đoàn. Trong 7 tháng đầu năm nay, tăng trưởng doanh thu từ mảng chuyển đổi số đạt 50%, trong đó doanh thu từ dịch vụ đám mây (cloud) gấp đôi cùng kỳ, chiếm 55% doanh thu dịch vụ chuyển đổi số. Với kết quả này, kỳ vọng FPT sẽ tiếp tục đi lên, giữ vững vai trò dẫn dắt trong làng công nghệ ở Việt Nam trong suốt hơn 3 thập kỷ qua.
Năm 2022, sau 34 năm thành lập, FPT tiếp tục theo đuổi những khát vọng lớn hơn với thông điệp được Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình đưa ra là "Quyết chiến". FPT sẽ "Quyết chiến" cho các giá trị cơ bản vì mỗi con người, vì mỗi gia đình; đạt vị trí số 1 trong các dự án trọng điểm ở trong nước; tạo bứt phá quyết liệt trên toàn cầu; quyết tâm nâng tầm đẳng cấp chuyển đổi số.
Ánh Dương
Tổ quốc