Doanh nghiệp FDI thưởng tết cao nhất 260 triệu đồng/người
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc vừa thông tin về tình hình tiền lương, kế hoạch thưởng cho công nhân dịp Tết Âm lịch của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tính đến ngày 12/12/2022, có 106 doanh nghiệp sử dụng 51.151 lao động trên địa bàn tỉnh có báo cáo về tình hình tiền lương năm 2022 và dự kiến thưởng tết năm 2023. Trong đó có 6 doanh nghiệp có vốn nhà nước, 32 doanh nghiệp ngoài nhà nước, 68 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đối với thưởng tết , có 100/106 doanh nghiệp báo cáo sử dụng 50.361 lao động có kế hoạch thưởng. Trong đó, mức thưởng bình quân hơn 4,6 triệu đồng/người; cao nhất 260 triệu đồng/người thuộc về 1 doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp; thấp nhất 100.000 đồng/người (lao động làm việc dưới 1 tháng).
Công nhân lắp ráp xe tại Nhà máy Piaggio Việt Nam, thuộc KCN Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc
4 doanh nghiệp có vốn nhà nước sử dụng 378 lao động dự kiến thưởng Tết Âm lịch bình quân hơn 1,8 triệu đồng/tháng, mức cao nhất là 5 triệu đồng/tháng, mức thấp nhất là 1 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, trong 100 doanh nghiệp có kế hoạch thưởng tết, có 66 doanh nghiệp dự kiến tặng giỏ quà tết cho người lao động với giá trị từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng/giỏ, tùy từng doanh nghiệp; 61 doanh nghiệp dự kiến tổ chức tiệc tất niên toàn công ty; 42 doanh nghiệp dự kiến tổ chức khen thưởng lao động xuất sắc năm 2022 trước Tết âm lịch; 13 doanh nghiệp dự kiến hỗ trợ người lao động ở xa một phần kinh phí về quê ăn Tết; 10 doanh nghiệp hỗ trợ ô tô đưa lao động ở xa về quê ăn Tết.
Về tình hình biến động lao động, báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh thông tin, từ ngày 1/7/2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.907 lượt doanh nghiệp có biến động về lao động, với số lao động được tuyển dụng cao hơn số lao động nghỉ việc (có 41.201 lao động được tuyển mới/35.397 lao động chấm dứt hợp đồng lao động).
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn cho biết, Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp và người lao động, nhất là thực hiện các chính sách đến lao động, việc làm, bảo đảm đời sống người lao động.
Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động trong doanh nghiệp cũng như người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; chú trọng xây dựng, kiện toàn các thiết chế giải quyết tranh chấp lao động; kịp thời hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động.
Theo Trần Hoàng
Tiền Phong