70% dân số dùng sản phẩm của Masayoshi Son: Ngư ông đắc lợi trong cuộc chiến ngành chip bán dẫn AI, khiến Apple, Samsung, Google và Nvidia cũng phải phụ thuộc
Nvidia từng đề nghị chi 40 tỷ USD cho Masayoshi Son để mua lại Arm, hãng thiết kế chip AI độc quyền trên thế giới kiếm 1 USD trên mỗi con chip bán ra, được dùng trong 300 tỷ thiết bị, nhưng không thành công.
Cuộc chiến AI và mảng chip bán dẫn đang ngày một nóng với những cái tên như Nvidia và Intel, thế nhưng tờ Financial Times (FT) cho rằng chính Masayoshi Son và tập đoàn thiết kế chip Arm của ông mới là ngư ông đắc lợi trong cuộc đua này.
Sai lầm 20 năm
Cách đây 20 năm, Intel đã đưa ra một quyết định sai lầm mang tính lịch sử. Theo đó sau khi Apple đưa chip Intel vào máy tính Mac của mình năm 2005, nhà sáng lập Steve Jobs đã bàn với CEO Intel khi đó là Paul Otellini về kế hoạch tuyệt mật của mình nhằm đột phá vào lĩnh vực kinh doanh điện thoại di động.
Thế nhưng Otellini đã từ chối, để rồi iPhone ra đời với dòng chip do Arm thiết kế.
Hiện nay, Arm đang độc quyền trong mảng thiết kế chip và được sử dụng trong hầu hết mọi smartphone. Xin được nhắc rằng thị trường này được định giá đến 500 tỷ USD. lớn gấp đôi quy mô mảng máy tính cá nhân mà Intel thống trị.
Thậm chí nhờ công nghệ tiết kiệm năng lượng độc đáo của mình, Arm còn đang tiếp tục vượt mặt Intel một lần nữa trong mảng trí thông minh nhân tạo (AI) khi các tập đoàn lớn chi hàng tỷ USD xây các trung tâm dữ liệu tốn điện năng.
Trong khi Nvidia có vốn hóa tăng vượt 3 nghìn tỷ USD thì cổ phiếu của Arm cũng tăng gấp 3 lần kể từ khi được SoftBank hậu thuẫn phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) năm 2023. Hiện Arm có tổng vốn hóa 157 tỷ USD với doanh thu năm vừa qua tăng 21% lên 3,2 tỷ USD.
Như vậy Arm đã vượt mặt Intel (98,99 tỷ USD) về tổng mức vốn hóa.
Hiện Arm đang đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cơn sốt AI cùng với Nvidia. Các bộ xử lý trung tâm (CPU) dựa trên thiết kế của Arm được lắp đặt cùng với dòng bộ xử lý AI Blackwell mới của Nvidia trong các trung tâm dữ liệu khổng lồ mà Microsoft và OpenAI đang xây dựng để đào tạo thế hệ ChatGPT tiếp theo.
Tuy nhiên Masayoshi Son, giám đốc điều hành SoftBank đứng sau Arm lại không muốn dừng lại đó. Tham vọng của nhà đầu tư huyền thoại Nhật Bản này là đưa Arm đối đầu trực tiếp Nvidia bằng cách tự xây dựng chip AI thay vì chỉ thiết kế.
Sau đợt IPO, SoftBank hiện vẫn sở hữu khoảng 90% cổ phần của Arm và chắc chắn Masayoshi Son muốn mở rộng giá trị kinh tế của công ty.
Đây được cho là nguyên nhân chính khiến SoftBank chấp nhận chi 500 triệu USD mua cổ phần tại OpenAI đầu tháng 11/2024 nhằm đưa Arm trở thành trung tâm của chuỗi cung ứng bán dẫn AI, qua đó thách thức trực tiếp với Nvidia.
Tuy nhiên con đường này của Masayoshi Son được cho là không dễ đi.
Chưa đến 1 USD
Kể từ khi khởi nghiệp trong một nhà kho ở Cambridgeshire vào đầu những năm 1990, các thiết kế của công ty đã được xuất xưởng trong gần 300 tỷ thiết bị. Hầu hết mỗi con chip giúp Arm thu về chưa đến 1 USD nhưng bù lại Arm không tốn chi phí sản xuất bộ xử lý như Nvidia.
Thay vào đó, Arm cấp phép thiết kế cho bất kỳ ai muốn tự sản xuất chip, mang lại cho công ty vị thế độc nhất trong ngành công nghệ. Arm cung cấp bản thiết kế mà các nhà sản xuất chip có thể sử dụng để chế tạo bộ xử lý của họ.
Thế rồi khi mảng smartphone dần bùng nổ thì Arm bắt đầu âm thầm xây dựng một nền tảng mạnh mẽ để tấn công chính Intel trong địa hạt máy tính cá nhân của mình.
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2020 khi Apple ra mắt máy tính Macbook có bộ xử lý dòng M dựa trên thiết kế của Arm mà không dùng Intel. Việc chuyển đổi này cải thiện đáng kể thời lượng pin cho Macbook.
Đầu năm 2024, đến lượt Microsoft dựa trên chip thiết kế của Arm để thay đổi hàng loạt sản phẩm máy tính cá nhân tích hợp AI.
Thế nhưng sức mạnh của Arm không dừng lại ở đó.
Việc sở hữu bản quyền trí tuệ khiến Arm có tiếng nói gần như độc quyền trong nhiều khía cạnh.
Ví dụ Qualcomm vào năm 2021 đã mua lại startup Nuvia, vốn phát triển chip dựa trên thiết kế của Arm và ngay lập tức đã bị kiện vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Mới đây, Arm tuyên bố sẽ thu hồi toàn bộ giấy phép bản quyền thiết kế với Qualcomm khiến toàn Phố Wall rúng động.
Động thái của Arm như một lời cảnh cáo đến các khách hàng sử dụng thiết kế của hãng, đồng thời khẳng định vị thế của Masayoshi Son trong làng chip bán dẫn sau vài năm kinh doanh bết bát vì đầu tư mạo hiểm cho các startup.
40 tỷ USD
Theo FT, việc công nghệ AI tốn quá nhiều điện năng khiến thiết kế tiết kiệm năng lượng của Arm trở nên hấp dẫn và có lợi thế hơn so với các đối thủ khác.
Cụ thể các trung tâm dữ liệu sẽ sử dụng 8% điện năng của Mỹ vào năm 2030, tăng từ 3% vào năm 2022. Trong khi đó ở châu Âu, các trung tâm này sẽ cần nhiều năng lượng bằng tổng lượng điện của Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Hà Lan cộng lại vào cuối thập kỷ này.
Mặc dù thiết kế chip trung tâm dữ liệu hiện chỉ chiếm hơn 10% doanh thu bản quyền của Arm nhưng với sự bùng nổ của AI thì tỷ lệ này đang tăng lên nhanh chóng.
Xin được nhắc rằng Arm đã nghiên cứu thiết kế chip bán dẫn cho các trung tâm dữ liệu điện toán đám mây từ cách đây 1 thập kỷ nên hãng vượt xa nhiều đối thủ về kỹ thuật.
Thậm chí vào năm 2020, chính Nvidia đã đề nghị mua lại Arm từ tay Masayoshi Son với giá 40 tỷ USD nhưng thất bại vì lệnh chống độc quyền của chính phủ. Thế nhưng sự liên kết giữa 2 công ty vẫn ngày càng chặt chẽ hơn khi hàng loạt chip của Nvidia sử dụng thiết kế của Arm.
Bất chấp mối quan hệ này, Masayoshi Son vẫn muốn nâng tầm Arm lên cao hơn nữa trong chuỗi cung ứng chip bán dẫn cho dù có phải đối đầu với Nvidia.
Việc SoftBank mua lại nhà sản xuất chip AI Graphcore của Anh vào tháng 7/2024 được cho là một dấu hiệu rõ ràng nhất.
Ngoài ra, SoftBank cũng đang tích cực tiếp cận các khách hàng tiềm năng như Google và Meta để đề xuất các sản phẩm của mình nhằm tạo ra đối trọng với Nvidia.
Sau khi không đàm phán thành công với Intel, phía SoftBank đã nói chuyện với TSMC nhằm đảm bảo năng lực sản xuất chip của Arm nếu hãng quyết định tham gia thị trường này thay vì chỉ thiết kế như hiện nay.
Hiện Arm đang chịu áp lực rất lớn từ SoftBank khi được Masayoshi Son mua lại vào năm 2016 với giá 31 tỷ USD. Bởi vậy để mở rộng doanh thu, việc tham gia sản xuất thay vì chỉ thiết kế là bước đi tất yếu.
Ở phía ngược lại, nhiều chuyên gia hoài nghi khả năng cạnh tranh của Arm với Nvidia kể cả khi có hậu thuẫn từ SoftBank.
Việc thiết kế và thực sự sản xuất phần cứng là 2 phạm trù khác nhau khi mỗi bên đều có chuyên môn lâu năm không dễ dàng sao chép. Cũng tương tự như Nvidia khó lòng vượt mặt Arm ở mảng thiết kế chip bán dẫn thì ngược lại, việc Masayoshi Son muốn thách thức ông lớn ngành chip AI cũng chẳng hề dễ dàng.
"Tôi không thấy Arm có lợi thế cụ thể nào để cạnh tranh với Nvidia", chuyên gia phân tích Edward Wilford tại hãng tư vấn Omdia cho biết.
Đồng quan điểm chuyên gia Ben Bajarin của Creative Strategies cho rằng đối thủ có thể thách thức Nvidia sẽ là các công ty công nghệ lớn như Microsoft, Google và Amazon, vốn có kinh nghiệm và nguồn lực sản xuất chip bán dẫn chứ không phải Arm.
Trước công chúng, CEO Rene Haas của Arm tuyên bố hãng không cần phải cạnh tranh với Nvidia để hưởng lợi từ sự bùng nổ AI.
"70% dân số thế giới tiếp xúc các sản phẩm thiết kế của Arm theo một cách nào đó. Bởi vậy AI sẽ chạy trên thiết kế của Arm và chấm hết", CEO Haas khẳng định.
*Nguồn: FT
Theo Băng Băng