Phần mềm truy xuất nguồn gốc hàng hoá: Thêm "lá chắn" bảo vệ người tiêu dùng
Trước tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ngày càng tinh vi và có chiều hướng gia tăng, Bộ Công an đang phối hợp cùng Bộ Công Thương và Tập đoàn VNPT đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Z Holding bị xác định đã bán gần 7.000 tỷ đồng hàng giả. Ảnh: C.V
Nền tảng này dự kiến được vận hành thử nghiệm vào cuối năm 2025, góp phần kiểm soát chất lượng hàng hóa và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Mỗi ngày xử lý hàng trăm vụ vi phạm
Thời gian gần đây, tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại đang diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp. Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và tổng kết đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi ngày các lực lượng xử lý vài trăm vụ vi phạm, song tình trạng vi phạm các quy định vẫn ngày càng lớn.
Ông Diên nhận định, buôn lậu và gian lận thương mại mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho các đối tượng vi phạm. Đồng thời, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, với tốc độ tăng trưởng khoảng 25%/năm, cũng tạo ra môi trường thuận lợi cho các hành vi gian lận.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, từ tháng 2/2025, lực lượng quản lý thị trường, chủ lực trong công tác đấu tranh chống buôn lậu đã được chuyển giao về cho các địa phương quản lý. Trong khi một số địa phương đã chủ động chỉ đạo triển khai nhiệm vụ kịp thời và hiệu quả, thì vẫn còn nhiều nơi chỉ đạo chưa sát sao, chưa kịp thời, ảnh hưởng đến hiệu quả kiểm tra, xử lý vi phạm.
Ngoài ra, luật pháp và cơ chế, chính sách cũng còn nhiều lỗ hổng, cần tiếp tục rà soát để hoàn thiện. Chưa kể, một số cơ quan chức năng chưa làm tốt nhiệm vụ, thậm chí có những cán bộ tiếp tay, hợp thức hóa cho những sai phạm này.
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long, từ đầu năm 2025, Bộ Công an đã xác định công tác đấu tranh với tội phạm môi trường, an toàn thực phẩm, buôn lậu, hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở đó, ba kế hoạch tổng thể đã được ban hành, mở các đợt cao điểm rà soát, xử lý toàn diện. Trong đợt cao điểm, lực lượng công an tập trung triệt phá các đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm giả quy mô lớn, điển hình là các sản phẩm như sữa, thực phẩm chức năng. Tính đến nay, toàn lực lượng đã khởi tố 124 vụ với 297 bị can. Riêng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố 7 vụ, hơn 100 bị can, thu giữ hàng giả trị giá trên 12.000 tỷ đồng. Công an các địa phương cũng đã xử lý gần 1.000 vụ việc, xử phạt hành chính hơn 15 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hai hệ sinh thái doanh nghiệp là Z Holding và Big Holding đã bị phát hiện bán hàng giả với tổng giá trị gần 11.000 tỷ đồng. Để qua mặt cơ quan chức năng, các đối tượng đã làm giả phiếu kết quả kiểm nghiệm hoặc thông đồng với các đơn vị kiểm nghiệm cung cấp các kết quả khống, câu kết móc nối với các cơ quan nhà nước để tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn GMP cho các nhà máy sản xuất.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng thuộc Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý 1.412 vụ việc. Trong đó, có 293 vụ liên quan đến ma túy, 639 vụ vận chuyển hàng hóa trái phép và 210 vụ vi phạm khác. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Hồng Thái nhận định hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ đến từ hoạt động nhập lậu hay vận chuyển qua biên giới. Thực tế rất nhiều trong số đó được sản xuất ngay trong nước, đặc biệt là các loại thực phẩm, thực phẩm chức năng với hình thức rất trắng trợn, ảnh hưởng đặc biệt đến sức khỏe người dân.
Ở lĩnh vực y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết trong nửa đầu năm, toàn ngành đã kiểm tra trên 170.000 cơ sở liên quan đến an toàn thực phẩm, qua đó phát hiện hơn 9.000 cơ sở vi phạm (chiếm 5,2%), xử phạt số tiền trên 20 tỷ đồng. Đồng thời, ngành y tế đã chỉ đạo lấy hơn 16.000 mẫu thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm để kiểm tra chất lượng. Đáng chú ý, lực lượng chức năng đã phát hiện 2 cơ sở bán thuốc tại Hà Nội chưa rõ xuất xứ, không bảo đảm chất lượng theo quy định.
Người tiêu dùng thêm “lá chắn” chống hàng giả
Trước thực trạng nêu trên, việc sớm triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc hàng hóa đang được xem là một giải pháp quan trọng để siết chặt quản lý, hạn chế gian lận thương mại. Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, trong khuôn khổ Đề án 06, Bộ Công an đang cùng Bộ Công Thương và VNPT triển khai xây dựng nền tảng dữ liệu về xuất xứ hàng hóa.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc hàng hóa được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ đắc lực giúp người tiêu dùng nhận diện hàng giả, hàng kém chất lượng. Phần mềm này sẽ tạo ra một “căn cước số” cho từng sản phẩm, cho phép người dân kiểm tra nguồn gốc chỉ bằng một thao tác trên điện thoại thông minh.
Không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ người tiêu dùng, truy xuất nguồn gốc còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Với doanh nghiệp, hệ thống này giúp xác thực toàn bộ chuỗi cung ứng từ nguyên liệu, sản xuất đến phân phối, phù hợp với yêu cầu khắt khe từ các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể giảm thiểu rủi ro bị trả hàng, tiết kiệm chi phí logistics và kiểm định.
Ở góc độ quản lý, phần mềm truy xuất góp phần giám sát dòng lưu thông hàng hóa, phát hiện vi phạm, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm như thực phẩm, dược phẩm. Hệ thống còn có thể hỗ trợ kết nối dữ liệu liên ngành, giúp tăng hiệu quả phối hợp chính sách và quản lý. Trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập sâu rộng, việc triển khai phần mềm truy xuất không còn là lựa chọn, mà là bước đi tất yếu để xây dựng hệ sinh thái kinh tế minh bạch, bền vững.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Long, hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc hàng hóa dự kiến đưa vào vận hành thử nghiệm cuối năm nay, trước hết áp dụng với một số nhóm hàng hóa. “Khi đi vào hoạt động, nền tảng sẽ giúp người dân truy xuất nguồn gốc sản phẩm, góp phần ngăn chặn gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhập lậu, đồng thời cung cấp dữ liệu phục vụ hoạch định chính sách”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.