Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khi niềm tin đặt nhầm chỗ

Gần 600 sản phẩm sữa giả được bán ra thị trường, gây chấn động dư luận trong những ngày qua. Điều đáng nói không chỉ nằm ở quy mô của vụ việc hay hậu quả gây ra cho người tiêu dùng, mà còn ở chỗ những sản phẩm này được tiếp thị, giới thiệu và “bảo chứng” bởi nhiều người nổi tiếng – từ người dẫn chương trình, diễn viên, ca sĩ đến những KOLs có hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người theo dõi.

Một lần nữa, câu hỏi lại được đặt ra: Chúng ta nên tin vào ai giữa một “rừng” quảng cáo trên mạng xã hội? Và liệu đã đến lúc người nổi tiếng cần chịu trách nhiệm cho niềm tin mà họ đã thuyết phục công chúng trao gửi?

KOL – người có sức ảnh hưởng hay người dẫn dắt sai đường?

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, gần 600 sản phẩm sữa bột các loại, dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ có thai, những loại sữa này được quảng cáo, công bố có chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... Tuy nhiên qua kiểm tra thực tế, sữa không có những chất này, chất lượng đạt dưới 70% mức công bố, đủ điều kiện xác định là hàng giả.

Điều khiến dư luận phẫn nộ hơn là việc những sản phẩm này đã được tiếp thị rộng rãi trên mạng xã hội thông qua các clip quảng cáo có đầu tư bài bản, lời giới thiệu đầy thuyết phục từ người nổi tiếng. Họ không chỉ “gợi ý” mà còn khẳng định: “Tôi đã dùng, tôi thấy tốt”, “Các mẹ yên tâm nhé, sản phẩm này tôi cho con tôi uống mỗi ngày”… Chính những lời nói ấy đã khiến hàng nghìn người tiêu dùng tin tưởng, mở ví, và… mua nhầm niềm tin.

Ở thời đại truyền thông số, người nổi tiếng không còn chỉ là diễn viên, ca sĩ, người dẫn chương trình hay vận động viên mà còn có thể là beauty blogger, TikToker, hay một “bà mẹ bỉm sữa” có khả năng tạo hiệu ứng lan truyền. Họ được gọi chung là KOL (Key Opinion Leader) – những người có khả năng dẫn dắt ý kiến công chúng, ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng.

Việc các nhãn hàng tận dụng sức ảnh hưởng của KOL để quảng bá sản phẩm không sai. Nhưng ranh giới giữa “quảng cáo có tâm” và “quảng cáo kiếm tiền bất chấp” lại ngày càng mong manh.

Trong vụ việc sữa giả, không ít người nổi tiếng đã lên tiếng xin lỗi, cho rằng mình “không biết”, “bị lừa”, “chỉ PR theo hợp đồng”. Nhưng lời xin lỗi liệu có đủ khi hậu quả đã xảy ra? Khi hàng trăm đứa trẻ uống phải sữa giả, hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng? Khi niềm tin của công chúng bị xói mòn nghiêm trọng?

Câu hỏi đặt ra là: Trước khi nhận lời quảng cáo, những KOL ấy có tìm hiểu kỹ sản phẩm? Có kiểm chứng chất lượng? Có nghĩ đến người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng thế nào nếu thông tin họ đưa ra sai lệch?

Nếu không, thì liệu họ còn xứng đáng với hai chữ “người có ảnh hưởng”?

Người tiêu dùng cần tỉnh táo – nhưng liệu có công bằng?

Không ít người bênh vực người nổi tiếng cho rằng: “Người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm, phải tự tìm hiểu sản phẩm trước khi mua chứ đừng tin tuyệt đối vào quảng cáo”. Điều này đúng – nhưng chưa đủ.

Trong một thế giới ngập tràn thông tin, người tiêu dùng – nhất là những người không chuyên – có thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả? Khi một sản phẩm có bao bì đẹp mắt, website chỉn chu, được giới thiệu bởi người nổi tiếng, xuất hiện cùng “giấy chứng nhận” và mã QR… thì việc họ tin tưởng là điều dễ hiểu.

Niềm tin là tài sản quý giá nhất mà người tiêu dùng trao cho người bán – và đặc biệt, cho người nổi tiếng. Khi niềm tin ấy bị lợi dụng, ai sẽ đứng ra bảo vệ?

Hiện nay, quy định pháp luật về quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo trên mạng xã hội, vẫn còn khá lỏng lẻo. Người nổi tiếng khi tham gia quảng bá sản phẩm thường không bị ràng buộc bởi trách nhiệm pháp lý nếu sản phẩm đó gây hại.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã bắt đầu thay đổi. Tại Mỹ và châu Âu, người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm sai sự thật, gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị kiện, bị xử phạt hành chính, thậm chí hình sự. Điều này giúp tạo ra một môi trường minh bạch hơn, nơi mỗi lời nói, mỗi hình ảnh quảng bá đều phải được cân nhắc kỹ càng.

Tại Việt Nam cũng cần sớm hoàn thiện khung pháp lý để xác định rõ trách nhiệm của KOL, người nổi tiếng trong việc giới thiệu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, trẻ em và người già. Song song đó, các nền tảng mạng xã hội cũng cần siết chặt việc kiểm duyệt quảng cáo, tăng cường cảnh báo người dùng.

Vụ việc sữa giả không chỉ là một scandal tiêu dùng, mà còn là một bài học sâu sắc về niềm tin – thứ tưởng như vô hình nhưng lại có giá trị vô cùng lớn trong đời sống hiện đại. Người nổi tiếng có thể là “người dẫn đường” cho công chúng, nhưng khi họ dẫn sai, cái giá phải trả là rất đắt.

Đã đến lúc mỗi lời giới thiệu, mỗi bài đăng quảng bá không còn chỉ là “nội dung thương mại”, mà phải gắn với hai chữ: TRÁCH NHIỆM.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...