Thời của kinh doanh online: Bỏ phố lên sàn, đóng cửa hàng mở app
Về phía người tiêu dùng, đây cũng là thời của họ ngồi nhà hay văn phòng, lướt Shopee, TikTok Shop hoặc Lazada, facebook, zalo... để tìm sản phẩm với giá tốt hơn, giao hàng tận nơi và nhiều ưu đãi hấp dẫn, không còn phải mất cả buổi để lang thang hết cửa hàng nay qua cửa hàng bán dọc các con phố để tìm kiếm sản phẩm ưng ý.
Không khó để nhận ra rằng, những con phố từng sầm uất với các cửa hàng quần áo, đồ gia dụng, mỹ phẩm hay đồ điện tử ở Hà Nội như: Cầu Giấy, Phố Huế, Bà Triệu, Phạm Ngọc Thạch... nhất là kinh doanh thời trang, nay đã thưa thớt khách hơn trước, các nhà mặt phố cho thuê trở nên khó khăn hơn khi người bán chuyển hẳn sang kinh doanh online từ nhiều năm nay.
Mua hàng online, khách chỉ cần lướt điện thoại để sắm rất nhiều thứ, thanh toán trực tuyến, giao hàng giao tận nhà, đổi trả dễ dàng (Ảnh minh họa).
Thời của người mua lướt “chợ” online
Thương mại điện tử (TMĐT) trên đà phát triển, doanh thu từ kinh doanh trực tuyến tăng mạnh, không chỉ các sàn TMĐT, mà kinh doanh online được các chủ trang mạng xã hội facebook, zalo… tận dụng bán hàng, bất kể ai cũng có thể bán, mà không phải lo mất chi phí thuê mặt bằng, lợi nhuận dễ dàng hơn rất nhiều.
Về phía người tiêu dùng, đây cũng là thời của họ ngồi nhà hay văn phòng, lướt Shopee, TikTok Shop hoặc Lazada, facebook, zalo... để tìm sản phẩm với giá tốt hơn, giao hàng tận nơi và nhiều ưu đãi hấp dẫn, không còn phải mất cả buổi để lang thang hết cửa hàng nay qua cửa hàng bán dọc các con phố để tìm kiếm sản phẩm ưng ý.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương trong năm 2024, tổng doanh thu từ TMĐT đạt hơn 227 nghìn tỷ đồng, tăng gần 38% so với cùng kỳ năm trước. Quy mô thị trường TMĐT Việt Nam dự kiến sẽ đạt 63 tỷ USD vào năm 2030, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2024.
Thời kỳ TMĐT, mua sắm online bùng nổ, nhiều cửa hàng kinh doanh truyền thống cũng phải đối mặt với giá cả cạnh tranh gay gắt. Giá thuê mặt bằng cả chục triệu mỗi tháng, trong khi lượng khách vãng lai giảm sút... đang trở thành bài toán khó cho các tiểu thương. Trước tình trạng kinh doanh ế ẩm, các chủ cửa hàng buộc phải trả mặt bằng, chấm dứt mô hình kinh doanh truyền thống để chuyển sang bán hàng trực tuyến.
Chị Hằng Nga, chủ một cửa hàng quần áo tại Hàng Gà (Hà Nội), con phố vốn sầm uất với các cửa hàng thời trang, trang sức, phụ kiện làm đẹp trước đây cho biết: “Mỗi tháng, tôi phải chi hơn 40 triệu đồng cho tiền thuê mặt bằng, chưa kể điện, nước, nhân viên, nhưng lượng khách ngày càng thưa thớt. Tôi phải trả mặt bằng và nghiên cứu đẩy mạnh bán hàng trực tuyến”.
Không thể phủ nhận, mua sắm online giúp người tiêu dùng mua sắm với giá tốt hơn, cập nhật các xu hướng mới, và muốn có thêm nhiều ưu đãi, khuyến mãi, giao hàng tận nơi... Do đó, bán lẻ trực tuyến ngày càng chiếm lĩnh thị trường, còn hệ thống các cửa hàng bán lẻ trực tiếp đang ngày càng thu hẹp hơn. Tuy nhiên, bên cạnh việc đem lại nhiều tiện ích, mua sắm online cũng có nhiều rủi ro.
Chị Hương, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội chia sẻ: “Tôi thích mua online vì có nhiều khuyến mãi. Nhưng cũng có lúc mua phải hàng không giống mô tả, phải mất thời gian đổi trả. Khác ở cửa hàng, có thể kiểm tra trực tiếp”.
Mua sắm online giúp người tiêu dùng mua sắm với giá tốt hơn, cập nhật các xu hướng mới, và muốn có thêm nhiều ưu đãi, khuyến mãi, giao hàng tận nơi... (Ảnh minh họa).
Nhà ngay sát chợ vẫn thích mua online, ship tận cửa
Có nhà ngay vị trí gần chợ Hôm, chị Đinh Thu Linh cho hay, khoảng 5 năm nay chị Linh không vào chợ để mua đồ. "Các mặt hàng chợ Hôm bán đa phần tôi đều có thể mua trên mạng và các cửa hàng bên đường. Một phần vì tiện nên tôi không còn giữ thói quen vào chợ mua đồ như trước đây nữa", bà Linh nói, khi TMĐT phát triển và các phương tiện vận chuyển hàng hóa ship đến tận cửa nhà, bản thân chị tuy ở rất gần chợ cũng mua sắm online mà “lười” vào chợ chọn mua trực tiếp.
Chị Thủy, một hộ kinh doanh quần áo ở chợ Đồng Xuân than vãn: “Giờ buôn bán chán lắm, khách bây giờ họ ngồi một chỗ mua hàng online nhiều chả mấy người còn đi chợ nữa. Thêm một điều khó cho tiểu thương ở các khu chợ truyền thống là mất nhiều chi phí vào mặt bằng, vận chuyển, bến bãi nên giá thành khó cạnh tranh được với các hộ kinh doanh online”.
Tuy nhiên, ngoài phục vụ khách hàng có nhu cầu mua nhanh, ship tận nhà, nhiều tiểu thương vừa giữ cửa hàng truyền thống để phục vụ khách đến tận cửa hàng để mua, vừa mở rộng bán online. Mô hình kinh doanh này đang được các tiểu thương có uy tín áp dụng, vì nhiều người tiêu dùng bị mất niềm tin khi mua online, họ đến trực tiếp cửa hàng để tận tay mua sản phẩm, giúp yên tâm về chất lượng.
Chị Hương, chủ một cửa hàng phụ kiện thời trang tại Chùa Bộc, Hà Nội chia sẻ: “Việc kết hợp bán online trên mạng xã hội, và có cửa hàng truyền thống, đơn bắt đầu về đều hơn, khách sau khi đặt hàng qua online có thể đến lựa chọn sản phẩm, từ đó họ tin tưởng cho những lần mua tiếp theo mà không cần phải đến cửa hàng.
Hiện tại, bán online chiếm gần 70% doanh thu mỗi tháng, nhưng tôi vẫn thuê cửa hàng để đáp ứng các nhu cầu mua sắm đa dạng, và đảm bảo lòng tin của khách hàng”.
Cho biết người tiêu dùng chuyển sang mua sắm online nhờ 3 yếu tố chính là giá cả, tiện lợi và yêu thích người bán hàng, ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc Marketing tại thương hiệu Haravan thông tin, những thương hiệu lớn, uy tín tham gia bán hàng trên sàn TMĐT ngày càng nhiều, một tháng họ chạy ít nhất 2 chương trình khuyến mãi vào ngày đầu tháng, ngày cuối tháng.
Sàn TMĐT còn hỗ trợ thêm một phần ưu đãi về giá, giúp giá rẻ hơn những sản phẩm khác bán bên ngoài. Trong bối cảnh người tiêu dùng chi tiêu dè sẻn thì đây trở thành yếu tố chính thu hút họ.
Bên cạnh đó, khi mua hàng online, khách chỉ cần ngồi nhà lướt điện thoại đã có để sắm rất nhiều thứ, thanh toán trực tuyến, được giao tận nhà miễn phí, đổi trả dễ dàng, không phải khó khăn như trước. Ngoài ra, sự kết hợp giữa nhà bán hàng cùng người nổi tiếng livestream bán hàng đã tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Hay như sàn TMĐT Shopee cho hay, người dùng Shopee có xu hướng tìm kiếm, lựa chọn các sản phẩm chất lượng và chính hãng đăng ký bán sản phẩm trên sàn ngày một nhiều, cho thấy việc xây dựng được thương hiệu sẽ giúp giữ chân khách hàng mua sắm lâu dài với sản phẩm qua kênh bán hàng online.
Phát triển quá nóng
Đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đánh giá do sự phát triển nhanh và nóng nên TMĐT đang đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng sản phẩm, bảo mật thông tin, quản lý về nghĩa vụ thuế với Nhà nước…
Do đó, theo Cục TMĐT và Kinh tế số, việc đề xuất xây dựng Luật TMĐT, trong đó hoàn thiện một số chính sách trọng tâm như: Quy định quyền và trách nhiệm của các bên tham gia mô hình hoạt động TMĐT; trách nhiệm với người tiêu dùng, trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về báo cáo tình hình kinh doanh;
Hay gỡ bỏ thông tin hàng hóa, dịch vụ trong công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về TMĐT; quy định trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ TMĐT; chính sách phát triển TMĐT bền vững, thân thiện với môi trường… sẽ giúp cho việc mua sắm online được phát triển bền vững hơn.