Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam sẽ có 13 TP trực thuộc Trung ương cùng 2 đô thị đặc biệt ngay trong sáu năm nữa?

Việt Nam sẽ có 2 đô thị được xếp loại đặc biệt trong số 13 TP trực thuộc Trung ương tương lai.

Đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 13 đô thị trực thuộc Trung ương

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 891/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch, có 5 đô thị hiện trực thuộc Trung ương gồm: Thủ đô Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại I).

Đến năm 2030, 8 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Bình Dương (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại I). Như vậy, Việt Nam sẽ có 13 TP trực thuộc Trung ương.

Quy hoạch ban hành danh mục 42 đô thị loại I, trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng có 11 đô thị, vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 5 đô thị, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 7 đô thị, vùng Tây Nguyên có 3 đô thị, vùng Đông Nam Bộ có 5 đô thị, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 11 đô thị.

Việt Nam sẽ có 13 TP trực thuộc Trung ương cùng 2 đô thị đặc biệt ngay trong sáu năm nữa?- Ảnh 1.

Hà Nội. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản

Đến năm 2050, hệ thống đô thị của Việt Nam liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh; có vai trò, vị thế xứng đáng trong mạng lưới đô thị châu Á - Thái Bình Dương, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế. 

Xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn.

Tỷ lệ đô thị hoá năm 2030 đạt trên 50%; năm 2050 đạt 70%; số lượng đô thị toàn quốc khoảng 1.000 - 1.200 đô thị; hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN; kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 85%; xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 03 - 05 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030.

Quy hoạch cũng đề ra mục tiêu, nông thôn có môi trường sống kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị, văn minh, xanh, sạch, đẹp giàu bản sắc văn hóa dân tộc với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận với đô thị.

Cả nước có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; phấn đấu cả nước có khoảng 70% số huyện, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; trong đó 35% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu 100% huyện có đô thị.

Thủ đô Hà Nội, TP.HCM là đô thị loại đặc biệt 

Quy hoạch nêu rõ, phát triển Thành phố Hà Nội, TP.HCM và các thành phố khác trực thuộc trung ương trở thành các đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á và châu Á. Quy hoạch đô thị lớn gắn với giao thông công cộng (TOD), chú trọng khai thác không gian ngầm, phát triển các đô thị vệ tinh giảm tải cho đô thị trung tâm.

Việt Nam sẽ có 13 TP trực thuộc Trung ương cùng 2 đô thị đặc biệt ngay trong sáu năm nữa?- Ảnh 2.

TP.HCM. Ảnh: Thời báo Tài chính

Đáng chú ý, theo quy hoạch, Thủ đô Hà Nội, TP.HCM dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại đặc biệt.

Đô thị loại đặt biệt là Thủ đô hoặc trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, quốc tế về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và đáp ứng được các điều kiện về dân số, tỷ lệ lao động, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị.

Đô thị loại đặc biệt có quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 5.000.000 người trở lên; khu vực nội thành đạt từ 3.000.000 người trở lên. Mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 3.000 người/km2 trở lên; khu vực nội thành tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 12.000 người/km2 trở lên. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đặc biệt đạt từ 70% trở lên; khu vực nội thành đạt từ 90% trở lên.

Theo Thái Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...