Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Tư pháp ra mắt phần mềm biên lai điện tử Thi hành án dân sự

Ngày 4/7, Bộ Tư pháp tổ chức ra mắt và nhấn nút khai trương phần mềm biên lai điện tử Thi hành án dân sự (THADS) – giải pháp công nghệ do Bộ Tư pháp chỉ đạo phát triển, phối hợp với Tập đoàn FPT thực hiện.

Lãnh đạo Bộ Tư pháp và FPT thực hiện nghi thức nhấn nút khai trương hệ thống biên lai điện tử. Ảnh: PV

Phần mềm biên lai điện tử được triển khai dựa trên định hướng của Nghị quyết số 57-NQ/TW và Nghị quyết số 71/NQ-CP, xác định chuyển đổi số là giải pháp đột phá trong bối cảnh tổ chức lại hệ thống THADS theo mô hình một cấp tại địa phương bảo đảm không gây phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi thực hiện quyền và nghĩa vụ trong quan hệ với các cơ quan THADS.

Trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, từ 1/7 sáp nhập đơn vị hành chính từ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn 34 tỉnh, thành phố; kết thúc hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện, hệ thống THADS được tổ chức theo mô hình cơ quan THADS một cấp, theo đó ở địa phương có 34 THADS tỉnh, thành phố và 355 Phòng THADS khu vực.

Để khoảng cách địa lý không còn là rào cản cho doanh nghiệp và người dân, ở bất cứ địa điểm, thời gian nào, người dân đều có thể nộp tiền thi hành án và nhận lại chứng từ của cơ quan thu, Biên lai điện tử là giải pháp đột phá thay cho hình thức thu nộp trực tiếp bằng tiền mặt và phát hành Biên lai giấy.

Biên lai điện tử giúp người dân và doanh nghiệp: Nộp tiền thi hành án mọi lúc, mọi nơi; nhận chứng từ điện tử thay cho biên lai giấy; giảm thời gian, chi phí và tăng tính minh bạch, chính xác.

Với hệ thống Biên lai điện tử được chính thức đưa vào sử dụng trên toàn quốc từ tháng 7 này, các giao dịch nộp – thu tiền đều được kiểm soát và đối soát chặt chẽ trên hệ thống, đảm bảo tuân thủ pháp luật, ngăn ngừa thất thoát và nâng cao uy tín ngành. Hệ thống không chỉ là phần mềm quản lý, mà là nền tảng giúp thay đổi cách thức vận hành toàn ngành thi hành án dân sự, hướng đến một mô hình quản trị hiện đại, minh bạch và lấy người dân làm trung tâm.

Trước đó, vào ngày 23/6/2025, Hệ thống Biên lai điện tử đã được vận hành triển khai thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số ngành THADS tại một trong những địa phương có khối lượng công việc lớn nhất cả nước.

Năm 2024, hệ thống thi hành án dân sự trên toàn quốc phải thi hành hơn 1 triệu quyết định thi hành án, với tổng số tiền trên 400.000 tỷ đồng và khoảng 10 triệu biên lai giấy được phát hành – những con số càng cho thấy chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu đối với lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Thắng Lợi - Cục trưởng Cục Quản lý thi hành án dân sự cho biết, việc triển khai Hệ thống Biên lai điện tử là bước đi quan trọng để phục vụ người dân tốt hơn – giúp nộp tiền và nhận chứng từ thi hành án mọi lúc, mọi nơi, thay cho hình thức thu tiền mặt và biên lai giấy trước đây.

Hệ thống được Cục và FPT thiết kế với ba yêu cầu chính: phát hành biên lai điện tử qua email, tin nhắn; lưu trữ tập trung để quản lý, thống kê; và tăng cường minh bạch trong thu – chi.

Ông Lợi cho biết, sau thời gian vận hành từ 23/6, gần 3.000 biên lai điện tử đã được phát hành, gần 2.000 tỷ đồng được nộp qua kênh số – cho thấy hiệu quả rõ rệt và hướng đi đúng đắn trong chuyển đổi số thi hành án.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết, với sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ thông qua “Bộ tứ trụ cột”, Bộ Tư pháp đã tiên phong đưa ra kế hoạch ứng dụng chuyển đổi số theo 2 giai đoạn Cấp bách - Đột phá và cụ thể hệ thống biên lai điện tử được triển khai thần tốc chỉ trong 30 ngày. FPT trân trọng và tự hào được tham gia đồng hành cùng Bộ Tư pháp để tạo nên thay đổi, đóng góp cho đất nước những giá trị quan trọng.

Khát vọng của FPT là bằng công nghệ để đơn giản hoá các thủ tục hành chính công - hệ thống Biên lai điện tử là điển hình đột phá theo hướng không giấy tờ, ứng dụng AI, mang lại công cụ mạnh mẽ để làm việc nhanh hơn, thuận tiện hơn chỉ trong vài phút, vài giây và thực thi trên nền tảng số phi địa giới hành chính.

“Đây là bước đầu, bản lề, nhiều thách thức và nhiệm vụ quan trọng phía trước, chúng ta cần hướng tới khai thác, xử lý dữ liệu một cách hệ thống. Chúng tôi tin tưởng công nghệ số và AI có sức mạnh vượt trội để Bộ Tư pháp trở thành một trong những đơn vị hiện đại hàng đầu trong ngành Tư pháp thế giới”, ông Bình nói.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...