Trưng dụng lầu vua Bảo Đại để bố trí nhà công vụ cho cán bộ đến Khánh Hòa công tác
Biệt thự Cầu Đá, hay còn gọi là lầu Bảo Đại trên núi Cảnh Long Nha Trang (Khánh Hòa) được đề xuất trưng dụng làm nhà công vụ cho 2 cán bộ từ tỉnh Ninh Thuận (cũ) ra tỉnh Khánh Hòa (mới) công tác.
Lầu Bảo Đại trên núi Cảnh Long Nha Trang có vị trí rất đắc địa. Ảnh: VT
Ngày 10/7, một nguồn tin PV cho hay, Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa (thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Khánh Hòa) có Công văn số 465 gửi Công ty CP Đầu tư Khánh Hà (thuộc Tập đoàn Hà Đô, chủ đầu tư dự án Biệt thự Cầu Đá) ở phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang (nay là phường Nha Trang) về việc trưng dụng biệt thự ở khu vực này làm nhà công vụ cho cán bộ.
Theo công văn trên, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa cho rằng, hiện nay Đề án hợp nhất Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Khánh Hòa, có các đồng chí cán bộ lãnh đạo tại Ninh Thuận đến làm việc tại Khánh Hòa. Trong quá trình sắp xếp ổn định nơi ở và nơi làm việc, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Khánh Hòa và Trung tâm Bảo tồn di tích trưng dụng tạm thời 2 phòng tại căn Biệt thự Vọng Nguyệt của Khu di tích Biệt thự Cầu Đá làm chỗ ở cho các ông: Nguyễn Văn Linh, Phó Giám đốc Sở; Lê Xuân Lợi, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa.
Một góc biệt thự cổ trên lầu Bảo Đại Nha Trang. Ảnh: VT
"Để thuận tiện trong quá trình đi lại, sinh hoạt và đảm bảo an ninh của các đồng chí cán bộ, lãnh đạo, Trung tâm Bảo tồn di tích kinh đề nghị Công ty CP đầu tư Khánh Hà phối hợp hỗ trợ công tác bảo vệ, đóng mở cửa ra vào khu di tích và cung cấp hệ thống điện, nước tại Biệt thự Vọng Nguyệt trong thời gian trưng dụng làm nơi ở của các đồng chí nêu trên", công văn nêu.
Lầu Bảo Đại tọa lạc trên đỉnh núi Cảnh Long (người địa phương gọi là núi Chụt), do người Pháp xây dựng từ năm 1923 với kiến trúc ban đầu là 5 căn biệt thự, mục đích làm nơi ở cho các kỹ sư, nhân viên người nước ngoài của Viện Nghiên cứu biển (nay là Viện Hải dương học Nha Trang).
Kiến trúc độc đáo của di tích này là kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc phương Tây với nghệ thuật hoa viên phương Đông. Đây được xem là một di tích - danh thắng nổi tiếng và thực tế rất nhiều du khách đến đây tham quan. Nhìn từ xa, núi Cảnh Long chạy dài theo bờ biển giống như con rồng xanh khổng lồ ôm lấy vịnh Nha Trang, với 3 ngọn đồi trên mỏm núi giống như đầu rồng đang giỡn nước.
Đây là vùng đất “Tứ thủy triều quy, tứ thú tụ”, có nghĩa là 4 mặt đều có nước bao bọc và 4 ngọn núi tượng hình 4 con thú tụ hợp lại giữ gìn sinh khí. Mỗi biệt thự trên lầu Bảo Đại được đặt một cái tên gắn với cây trồng xung quanh, như: Xương Rồng, Hoa Sứ, Hoa Giấy, Phượng Vỹ và Cây Bàng.
Trong đó, biệt thự Nghinh Phong (Xương Rồng) và Vọng Nguyệt (Hoa Sứ) được chọn làm nơi nghỉ mát của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương. Cả 2 ngôi biệt thự được xây dựng theo nghệ thuật kiến trúc cổ điển Pháp có sự kết hợp hài hòa với nghệ thuật hoa viên xây dựng cung điện.
Tháng 10/1995, tỉnh Khánh Hòa công nhận khu biệt thự Cầu Đá - lầu Bảo Đại là "Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh". Tuy nhiên, từ đó đến nay lầu Bảo Đại chỉ mới là di tích cấp tỉnh, chưa được công nhận di tích cấp quốc gia. Đến tháng 9/2011, UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý giao di tích lầu Bảo Đại cho liên doanh Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco - đơn vị quản lý lầu Bảo Đại) và Tập đoàn Hà Đô thành lập Công ty CP Đầu tư Khánh Hà để thực hiện dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại.
Đến tháng 8/2013, tỉnh Khánh Hòa thu hồi di tích lầu Bảo Đại từ Công ty Khatoco giao hẳn cho Tập đoàn Hà Đô, trong đó có cả 5 ngôi biệt thự cổ để làm dự án biệt thự nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao. Trong quá trình thực hiện chủ đầu tư đã có nhiều sai sót nên dự án bị đình chỉ thi công cho đến nay. Tháng 5/2023, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định về việc thu hồi gần 9.300 m2 đất thuộc 5 căn biệt thự này do Công ty CP Đầu tư Khánh Hà thuê, đồng thời yêu cầu chấm dứt việc sử dụng đất. Sau khi thu hồi, 5 biệt thự cổ sẽ được giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích Khánh Hòa quản lý theo quy định.