Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển vọng nào cho Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện Nga-Iran?

Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện Nga-Iran mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên, đặc biệt trong bối cảnh cả Nga-Iran đang phải chịu nhiều lệnh trừng phạt.

Ngày 17/1, truyền thông Nga đưa tin, sau các cuộc đàm phán tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã ký Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện. Cùng với việc đề ra các lĩnh vực hợp tác trọng tâm trong ngắn hạn, hiệp định cũng thiết lập một khuôn khổ pháp lý để quan hệ hai nước có thể phát triển hơn nữa trong dài hạn.

Hiệp ước có thời hạn 20 năm và có thể được gia hạn. Theo các quan chức Nga và Iran, hiệp ước mở đường cho nhiều lĩnh vực hợp tác, từ quốc phòng, chống khủng bố, năng lượng, tài chính, giao thông, công nghiệp, nông nghiệp đến văn hóa, khoa học và kỹ thuật...

Đại sứ Iran tại Nga, ông Kazem Jalali cho biết, văn kiện này bao trùm “mọi lĩnh vực hợp tác song phương”. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu hai quốc gia có thể tận dụng tối đa lợi ích từ quan hệ đối tác này khi tình hình tại Tehran đang trở nên phức tạp hay không.

Hợp tác quốc phòng

Một trong những lĩnh vực trọng tâm trong quan hệ Nga-Iran là hợp tác quốc phòng. Đối với Iran, điều này càng trở nên cấp bách khi nước này đối mặt với các hành động gia tăng từ Israel. Tel Aviv đã được thúc đẩy mạnh các chiến dịch chống lại Iran, nhất là sau khi các đồng minh của Tehran như Hamas và Hezbollah bị suy yếu đáng kể và Chính quyền Bashar al-Assad ở Syria sụp đổ. Trong bối cảnh đó, Iran mong muốn sở hữu các loại vũ khí hiện đại từ Nga, bao gồm hệ thống phòng không và máy bay chiến đấu Su-35, để sẵn sàng đối phó với các cuộc tấn công tiềm tàng.

Nga-Iran

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian ký thoả thuận về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện tại Moscow, ngày 17/1/2025. Ảnh: RIA

Cuộc tấn công của Israel vào ngày 26/10/2024 đã cho thấy Tehran chưa hoàn toàn sẵn sàng đưa ra phản ứng toàn diện. Trước đây, các lệnh trừng phạt đã hạn chế năng lực phòng không của Iran. Tuy nhiên, với thỏa thuận chiến lược vừa ký kết, một số nhà phân tích nhận định rằng những hạn chế này có thể sẽ được khắc phục, mở đường cho Tehran nâng cao khả năng phòng thủ.

Phía Nga cũng thu được lợi ích từ thỏa thuận này. Có bằng chứng cho thấy Iran có thể trở thành khách hàng lớn thứ 3 về nhập khẩu vũ khí Nga sau Ấn Độ và Trung Quốc vào năm 2024. Điều đáng chú ý là ngay cả trước khi ký thỏa thuận, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi đã khẳng định, văn kiện này không đề cập đến việc thành lập liên minh quân sự.

Kinh tế và năng lượng

Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện cũng đặc biệt nhấn mạnh vào kinh tế, với trọng tâm là năng lượng. Iran kỳ vọng nguồn cung khí đốt từ Nga sẽ không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng mà còn giúp nước này trở thành trung tâm phân phối khí đốt khu vực. Điều này xuất phát từ nhu cầu cấp bách của Tehran trong việc giải quyết tình trạng thiếu hụt nhiên liệu nội địa, mặc dù nước này sở hữu trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới.

Một dự án quan trọng khác trong thỏa thuận là việc xây dựng hành lang giao thông Bắc-Nam, kết nối các nước trong Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) và Nam Á. Dự án này hứa hẹn sẽ tăng cường vai trò của Iran như một trung tâm trung chuyển hàng hóa quan trọng, đồng thời tạo điều kiện để Nga duy trì kết nối với thị trường quốc tế trong bối cảnh bị phương Tây trừng phạt.

Hành lang Bắc-Nam không chỉ thách thức các tuyến thương mại truyền thống mà còn có thể tái định hình dòng chảy hàng hóa toàn cầu, mang lại lợi ích chiến lược cho cả Nga và Iran trong cuộc đối đầu với các biện pháp kiềm chế từ phương Tây.

Theo RIA Novosti, hợp tác giữa Moscow và Tehran phát triển trên nền tảng kinh tế vững chắc. Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đạt 340 tỷ Ruble và 10 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng thêm 15,5%. Tỷ lệ tiền tệ quốc gia trong thanh toán vượt quá 95%. Tổng thống Putin đánh giá cao tốc độ thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước.

Củng cố hợp tác Nga-Iran

Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện Nga-Iran được kỳ vọng sẽ hợp pháp hóa và củng cố mức độ hợp tác mà hai nước đã đạt được trước đó, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các kế hoạch chung trong tương lai. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, việc thực hiện đầy đủ mọi nội dung của thỏa thuận không phải là điều dễ dàng.

Nga-Iran
Hiệp ước không chỉ tăng cường quan hệ chiến lược mà còn là lời khẳng định về việc Nga và Iran sẽ đẩy mạnh hợp tác đối phó với áp lực từ bên ngoài, mở ra chương mới trong cán cân quyền lực khu vực Á-Âu. Ảnh: RIA

Theo Đại sứ Iran tại Nga, ngay cả khi cuộc khủng hoảng hạt nhân của Iran được giải quyết theo kỳ vọng của phương Tây, các đối thủ vẫn không từ bỏ ý định “lật đổ” chế độ cầm quyền ở Tehran. Điều này không chỉ dừng lại ở các biện pháp quân sự mà còn bao gồm cả những chiến lược chính trị và kinh tế.

Nền kinh tế Iran vốn đã gặp nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt, càng lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng hơn trong những tháng gần đây. Lạm phát gia tăng và trong vòng 5 tháng qua, đồng nội tệ của Iran đã mất giá gần một phần ba. Tình trạng này đã khiến sức mua và mức sống của hàng triệu người dân Iran tiếp tục giảm sút đáng kể. Thêm vào đó, tình trạng thiếu hụt điện và khí đốt ngày càng nghiêm trọng, dẫn đến việc cung cấp năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp bị gián đoạn thường xuyên hơn. Hậu quả là các chỉ số kinh tế quốc gia suy giảm, trong khi đời sống của người dân Iran ngày càng khó khăn.

Theo giới chuyên gia, quan hệ hợp tác Nga-Iran nâng tầm lúc này có ý nghĩa tích cực với hai nước và khu vực, nêu bật thực tế, hai quốc gia có nhiều điểm chung về địa lý và lợi ích chiến lược. Hai nước cùng chung Biển Caspi và có mối quan hệ lịch sử kéo dài nhiều thế kỷ. Nga và Iran cũng thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn từ cuối thế kỷ trước. Mối quan hệ của Nga với Iran ngày càng chặt chẽ hơn kể từ khi diễn ra xung đột ở Ukraine. Gần đây, Moscow còn nổi lên như một đối tác thương mại quan trọng và là nhà cung cấp vũ khí và công nghệ cho Iran, trong đó có việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.

Về phần mình, Iran có thể cung cấp nhiều mặt hàng mà Nga trước đây phải nhập khẩu từ châu Âu. Trước những biến động địa chính trị hiện nay, Tehran được cho là sẽ ngày càng cần Moscow hỗ trợ ứng phó với những áp lực kinh tế, đồng thời củng cố phạm vi ảnh hưởng của mình ở Trung Đông. Trong khu vực, Iran cũng cần sự trợ giúp của Nga để ứng phó với các cuộc tấn công có thể xảy ra của Israel.

Việc nâng tầm hợp tác chiến lược lúc này là một bước đi “cùng thắng”, cần thiết cho sự phát triển ổn định và bền vững của Nga và Iran. Bước đi đột phá này cũng thể hiện rõ mong muốn của các bên về sự hợp tác chặt chẽ hơn vì lợi ích của quốc gia, cũng như vì hòa bình và an ninh ở cấp độ khu vực và toàn cầu.

Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện Nga-Iran gồm 47 điều, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực an ninh. Cả hai bên đều nhất trí nỗ lực làm sâu sắc và mở rộng quan hệ trong các lĩnh vực mà hai nước cùng quan tâm, tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh, cũng như phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động ở cấp độ khu vực và toàn cầu. Hai nước cũng sẽ tăng cường quan hệ đối tác giữa các cơ quan đặc biệt và hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra thiên tai và thảm họa.

 

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...