Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TP.Thái Nguyên: Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh

Xác định Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022 và các năm tiếp theo, thành phố Thái Nguyên đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, của doanh nghiệp và người dân. Với sự quyết tâm, tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và nhân dân, công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Bằng sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, các cấp, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp, chương trình chuyển đổi số trên địa bàn TP.Thái Nguyên đã đạt những kết quả rất đáng ghi nhận.

Với vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh, TP. Thái Nguyên nhận thức sâu sắc và xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là khâu đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Vì vậy, Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Thái Nguyên đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị để triển khai bảo đảm kịp thời, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương.

Hội nghị triển khai hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng hỗ trợ ngươi dân tham gia chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Thái Nguyên.

Xác định hành động đầu tiên trong chuyển đổi số là chuyển đổi nhận thức, UBND thành phố đã chỉ đạo các các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, mọi người dân sẵn sàng thay đổi nhận thức, coi chuyển đổi số thực sự là thời cơ, vận hội, từ đó ứng dụng các thành tựu của chuyển đổi số phục vụ cho chính cơ quan, đơn vị, cho cộng đồng và xã hội. UBND thành phố yêu cầu người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị phải thay đổi hướng đến phương pháp quản lý mới dựa trên các nền tảng số, dữ liệu số, hình thành cơ sở khoa học để dẫn dắt, tổ chức thành công trong chuyển đổi số. Trước mắt, chủ động tự nghiên cứu, học tập, tìm kiếm, tìm hiểu các quan điểm, định hướng, văn bản, tài liệu, thông tin về chuyển đổi số, đồng thời, phổ biến cho cán bộ trong cơ quan, đơn vị để có nhận thức đúng, đồng tâm, đồng lòng thực hiện chuyển đổi số. 

Là cơ quan thường trực, tham mưu cho thành phố về triển khai chuyển đổi số, thời gian qua, phòng Văn hoá và Thông tin TP. Thái Nguyên đã phát huy vai trò đi đầu thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số. Theo lãnh đạo phòng Văn hoá và Thông tin thành phố: Phòng đã tham mưu cho thành phố ban hành các văn bản, tăng cường tuyên truyền về chính quyền số nhằm thông tin đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp hiểu về chuyển đổi số, thông qua sử dụng các ứng dụng nền tảng góp phần cải cách hành chính, thúc đẩy hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số,…

Người dân tải và sử dụng phần mềm Thái Nguyên ID trên điện thoại thông minh

Song song với việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân, UBND thành phố Thái Nguyên cũng xác định xây dựng hạ tầng số là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong chuyển đổi số, UBND TP. Thái Nguyên đã sớm đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, truyền số liệu chuyên dùng, 32/32 phường, xã đã triển khai lắp đặt, kết nối hệ thống camera giám sát theo mô hình camera giám sát, kết nối trực tiếp tại các vị trí với trụ sở UBND các phường, xã để phục vụ công tác quản lý và chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương. 100% cán bộ, công chức của thành phố và xã, phường được trang bị máy tính để làm việc. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tại UBND thành phố và 32 phường, xã phục vụ các cuộc họp từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, xã bảo đảm linh hoạt, thuận tiện, góp phần tiết kiệm thời gian, kinh phí.

Bên cạnh đó, UBND thành phố đã phối hợp với Viettel Thái Nguyên, các đơn vị liên quan khảo sát hiện trạng hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn thành phố. Đồng thời, Tiếp tục chỉ đạo triển khai dự án xây dựng Trung tâm điều hành thông minh thành phố Thái Nguyên (IOC) kết nối với IOC của UBND tỉnh và các hệ thống thông tin dùng chung trên địa bàn tỉnh với nguồn kinh phí đầu tư gần 45 tỷ đồng. Dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 10/2022, Trung tâm sẽ là nơi ứng dụng các giải pháp công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào việc quản lý, điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội.

Dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TP. Thái Nguyên, Chương trình Chuyển đổi số đã được các cơ quan, ban, ngành, địa phương trên địa bàn thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Từ những nỗ lực và quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, TP. Thái Nguyên đã đạt nhiều kết quả quan trọng ở cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết về chuyển đổi số, có thể thấy, sự thay đổi lớn nhất là thành phố đã xây dựng được chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, hệ thống quản lý văn bản đi, đến và điều hành đều vận hành tốt, đem lại hiệu quả. Tính đến quý III năm 2022, thành phố đã cung cấp tổng số 156 thủ tục hành chính mức độ 3 và 115 thủ tục hành chính mức độ 4; 100% công việc được xử lý trên hệ thống chính quyền điện tử; 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết được thực hiện công khai, minh bạch; 100% cán bộ, công chức, viên chức được cấp thư điện tử @thainguyen.gov.vn để trao đổi, giải quyết công việc. Đặc biệt, đến nay thành phố đã triển khai “Phòng họp không giấy tờ” tại các hội nghị, kỳ họp, phiên họp thường kỳ UBND thành phố. Qua đó, tiết kiệm thời gian và chi phí văn phòng phẩm, tránh được những sai sót trong sắp xếp tài liệu, chất lượng thảo luận, giải quyết công việc được nâng cao.

Trên lĩnh vực kinh tế số, TP. Thái Nguyên cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Đến nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt được UBND thành phố triển khai thực hiện đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, người dân đã chủ động thay đổi phương thức thực hiện các giao dịch (thuế, điện nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội) từ thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt chuyển sang thanh toán trên website hoặc App (ứng dụng) của các ngân hàng thương mại và đơn vị viễn thông trên địa bàn. Hiện nay 121/121 đơn vị trường học đã triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong việc thu nộp học phí và các khoản thu khác; các đơn vị bệnh viện trên địa bàn như: Bệnh viện A, Bệnh viện Gang Thép, Bệnh viện Y học cổ truyền đã và đang phối hợp với các ngân hàng xây dựng module kết nối thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt.

Người dân thao tác, thực hiện việc đăng ký, nộp hồ sơ TTHC theo hình thức trực tuyến tại bộ phận một cửa của UBND TP Thái Nguyên.

Cùng bắt nhịp với chuyển đổi số, bên cạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thời gian qua, một số hợp tác xã trên địa bàn TP. Thái Nguyên cũng đã bắt đầu tận dụng mạng xã hội Zalo, facebook, xây dựng website bán hàng, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá, tìm kiếm thị trường, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất. Cụ thể, đến tháng 8 năm 2022, 100% các sản phẩm OCOP của thành phố đã được hỗ trợ và đưa lên cả 02 sàn là Postmart và Vỏ sò phục vụ quảng bá và phát triển thương mại, tiêu biểu là các sản phẩm trà của một số Hợp tác xã như: HTX Tâm Trà Thái, HTX chè Hảo Đạt, HTX chè Sơn Dung,…

Ở trụ cột xã hội số, TP. Thái Nguyên tiếp tục tuyên truyền việc cài đặt và sử dụng ứng dụng C-ThaiNguyen, ThaiNguyen ID. Thực hiện tiếp nhận và giải giải quyết phản ánh hiện trường của người dân trên ứng dụng C-ThaiNguyen. Tính từ ngày 01/01/2022 đến nay, thành phố đã tiếp nhận từ Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh 232 phản ánh, đến nay đã giải quyết xong 230 phản ánh, về cơ bản kết quả giải quyết phản ánh hiện trường của UBND thành phố đều được công dân đánh giá ở mức độ hài lòng. Ngoài ra, các lĩnh vực: y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch cũng đưa chuyển đổi số vào vận hành, quản lý và đều đem lại kết quả tích cực. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, TP. Thái Nguyên đã tăng cường triển khai việc cài đặt và sử dụng các phần mềm, ứng dụng khai báo y tế điện tử phục vụ phòng, chống dịch (như: PC-COVID, khai báo mã QR... trên điện thoại thông minh), tỷ lệ người dân sử dụng các ứng dụng điện tử PC-COVID, khai báo điện tử bằng mã QR-Code... ở mức cao.

Ngoài ra, nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa của công tác chuyển đổi số trong cộng đồng dân cư và toàn xã hội, UBND thành phố đã thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng. Với nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số trên địa bàn, hướng dẫn người dân giao dịch trên sàn thương mại điện tử; thực hiện trực tuyến các thủ tục hành chính; sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh như: C-Thái Nguyên, Thái Nguyên ID. Hiện Tổ công nghệ số cộng đồng đã bước đầu triển khai thông qua các Hội nghị của Tổ dân phố, các ban, ngành, đoàn thể và trên các nhóm zalo khu dân cư, một số đơn vị triển khai thực hiện hiệu quả như: Phường Phan Đình Phùng, phường Đồng Quang, phường Tân Thành, xã Quyết Thắng…

Với những kết quả đã đạt được, thời gian tới, TP. Thái Nguyên tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và tỉnh; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chuyển đổi số. Đồng thời, tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số gắn với đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng; thu hút đầu tư phát triển đô thị thông minh; khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng số trong quản lý xã hội gắn với triển khai các chương trình chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực; đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, dự án phát triển chính quyền điện tử,…

Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng phường Phan Đình Phùng hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng số trên điện thoại thông minh.

Chuyển đổi số là xu hướng phát triển toàn cầu, với sự chuyển dịch từ thế giới thực sang thế giới số, hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền các cấp đã từng bước được số hóa với quá trình phát triển chính quyển điện tử, chính quyền số, các hoạt động kinh tế - xã hội đang chuyển sang môi trường số (kinh tế số, xã hội số và cuộc sống số). Thành phố Thái Nguyên đã đạt được những kết quả quan trọng và sẽ tiếp tục tập trung, nỗ lực, quyết tâm cao, ưu tiên nguồn lực và tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế là tâm trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh để tạo bước đột phá mạnh mẽ trong việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh.

Vũ Đạt


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết