Tiền lệ chưa từng có tại siêu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trị giá gần 60 tỷ đô
Lần đầu tiên Việt Nam có một Ban chỉ đạo đề án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với quy chế hoạt động quy mô, chặt chẽ giúp tiến độ triển khai dự án được đẩy nhanh hơn bao giờ hết.
Quy chế chặt chẽ của Ban chỉ đạo đề án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Dự án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các tuyến đường sắt quốc gia có quy mô rất lớn, ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước, có tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ phức tạp, nguồn lực đầu tư đặc biệt lớn.
Đây cũng là dự án chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam nên cần được nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, chặt chẽ, toàn diện để lựa chọn phương án đầu tư, công nghệ, kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, hiệu quả, có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, phát huy được các tiềm năng, lợi thế của đất nước, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.
Để thực hiện thành công đầu tư các dự án đường sắt quan trọng quốc gia nói riêng, phát triển lĩnh vực đường sắt nói chung, Chính phủ và các bộ ban ngành đã và đang vào cuộc quyết liệt.
Ngày 3/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 1143/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà là Trưởng Ban chỉ đạo.
Đến ngày 16/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định ban hành quy chế hoạt động của Ban như sau: Ban họp định kỳ ba tháng một lần nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ và xử lý vướng mắc. Ngoài họp định kỳ, cơ quan này sẽ lấy ý kiến của các thành viên bằng văn bản.
Căn cứ thực tế và yêu cầu từng thời điểm, Thường trực Ban chỉ đạo có thể mời tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhà tài trợ tham gia họp. Các thành viên chủ động báo cáo vấn đề phát sinh khi làm nhiệm vụ hoặc vấn đề đột xuất theo yêu cầu của Trưởng ban.
Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện sẽ được Ban chỉ đạo xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết.
Thành viên Ban chỉ đạo làm việc kiêm nhiệm, theo nguyên tắc dân chủ, thảo luận công khai. Trưởng ban là người quyết định cuối cùng.
Bộ GTVT là đầu mối cung cấp thông tin, số liệu, tài liệu nghiên cứu về đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia phục vụ cho công việc của Ban chỉ đạo và quy định của pháp luật; chuẩn bị tài liệu, báo cáo và dự thảo thông báo kết luận của các cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất của Ban chỉ đạo; tổng hợp, báo cáo các hoạt động chung của Ban chỉ đạo...
Quy mô của Ban chỉ đạo đề án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Sau một thời gian dài tìm hướng đi, thậm chí có thời điểm tưởng chừng như phải bỏ dở thì đến nay, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để được hiện thực hóa khi quyết tâm chính trị xây dựng và hoàn thành dự án này được thể hiện từ các cấp cao nhất.
Đặc biệt, các chuyên gia, nhà khoa học độc lập được mời tham gia Tổ Tư vấn giúp việc Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án.
Bộ GTVT đã gửi thư mời tới 9 chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, kinh tế, tài chính, khai thác vận tải đường sắt, đầu máy toa xe để tham gia Tổ Tư vấn.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Chủng - Nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư, công trình giao thông cho Báo Đầu tư hay: “Tôi rất sẵn sàng tham gia Tổ Tư vấn với tư cách là chuyên gia xây dựng với cho quá trình chuẩn bị triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và các dự án đường sắt quan trọng khác”.
Ngoài Giáo sư, Tiến sỹ Trần Chủng, 8 chuyên gia, nhà khoa học khác được Bộ GTVT mời tham gia Tổ Tư vấn gồm: Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Đông - Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT (chuyên gia giao thông); Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Lã Ngọc Khuê - nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT (chuyên gia giao thông); Tiến sỹ Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội (chuyên gia kinh tế); Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (chuyên gia kinh tế); Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia (chuyên gia tài chính);
Danh sách còn có Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Xuân Phong - Nguyên Chủ tịch Hội kinh tế & vận tải đường sắt Việt Nam (chuyên gia vận tải và kinh tế đường sắt); Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Đức Tuấn - Giảng viên cao cấp, Trường Đại học GTVT (chuyên gia phương tiện giao thông đường sắt); Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Ký - Giảng viên cao cấp, Trường Đại học GTVT (chuyên gia công trình đường sắt); Tiến sỹ Vương Đình Khánh - nguyên Phó Tổng giám đốc Liên hiệp đường sắt Việt Nam (chuyên gia khai thác vận tải đường sắt); Thạc sỹ Nguyễn Đạt Tường - nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam (chuyên gia đầu máy, toa xe); Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Mại - Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (chuyên gia kinh tế).
Theo báo cáo tiền khả thi, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh, đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, chiều dài 1.545 km, tốc độ khai thác tối đa khoảng 320 km/h. Đoàn tàu sử dụng công nghệ động lực phân tán.
Tổng mức đầu tư dự kiến toàn bộ dự án khoảng 58,71 tỷ USD bao gồm: chi phí giải phóng mặt bằng 1,98 tỷ USD, chi phí xây dựng 31,58 tỷ USD, thiết bị 15 tỷ USD, chi phí quản lý dự án, tư vấn 5,82 tỷ USD, chi phí dự phòng 4,07 tỷ USD.
Kết luận của Bộ Chính trị hồi tháng 3 đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và khởi công trước 2030.
Phụ nữ số