Hà Nội nâng mức phạt vi phạm về môi trường và đất đai
Sáng 29/4, tại kỳ họp thứ 22, HĐND TP Hà Nội đã thông qua quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn TP (thực hiện khoản 1 Điều 33 Luật Thủ đô) và quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn TP Hà Nội (thực hiện khoản 1 Điều 33 Luật Thủ đô).
![]() |
Đại biểu nhấn nút thông qua Nghị quyết |
Cụ thể: Đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, mức tiền phạt tại Nghị quyết này cao hơn mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP nhưng không vượt quá mức tiền phạt quy định tại điểm k khoản 1 Điều 24 của Luật xử lý vi phạm hành chính, được sửa đổi, bổ sung tại điểm k khoản 10 Điều 1 của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính.
Mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này là mức tiền áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Nguyên tắc áp dụng về thẩm quyền xử phạt: Các chức danh có thẩm quyền phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP có thẩm quyền xử phạt tương ứng với mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điều 5 Nghị quyết này.
Trường hợp Chính phủ có điều chỉnh quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Các hành vi vi phạm hành chính áp dụng mức tiền phạt: Áp dụng mức tiền phạt theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Nghị quyết này đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP.
Trước đó, trình bày Tờ trình về việc đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn TP, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, cùng với sự phát triển nhanh chóng của quá trình đô thị hoá là tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn TP diễn ra phổ biến và có số lượng lớn các vi phạm chưa được xử lý.
Việc nâng mức xử phạt với hành vi vi phạm bảo vệ môi trường là một trong những biện pháp để góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân Thủ đô; là biện pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường; đồng thời thể hiện thái độ của chính quyền TP và của Nhân dân Hà Nội trong việc bảo vệ môi trường Thủ đô.
Thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND TP cũng bày tỏ thống nhất về sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Việc ban hành Nghị quyết quy định về mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường trên địa bàn TP Hà Nội theo hướng nâng mức tiền phạt theo mức quy định chung áp dụng trong toàn quốc của pháp luật chuyên ngành lên mức phạt cao hơn nhưng trong khung được Luật Thủ đô quy định là một biện pháp hữu hiệu đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, hạn chế, phòng ngừa vi phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý môi trường trên địa bàn TP.
Về mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai: Nghị quyết quy định mức phạt bằng hai lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng quy định tại Nghị định số 123/2024/NĐ-CP trên địa bàn TP Hà Nội nhưng không vượt quá mức tiền phạt quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này là mức tiền phạt áp dụng đối với cá nhân (trừ các hành vi vi phạm của tổ chức quy định tại khoản 4, 5, 6 Điều 18, khoản 1 Điều 19, điểm b khoản 1 và khoản 4 Điều 20, Điều 22, khoản 2 và khoản 3 Điều 29 Nghị định số 123/2024/NĐ-CP). Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Nghị quyết quy định 71 hành vi vi phạm hành chính áp dụng mức tiền phạt (từ Điều 8 đến Điều 29) của Nghị định số 123/2024/NĐ-CP của Chính phủ như: Chuyển đất trồng lúa sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp; chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp; lấn đất hoặc chiếm đất nông nghiệp; hành vi làm biến dạng địa hình; hành vi không sử dụng đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản trong thời hạn 12 tháng liên tục...