Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghiên cứu xây dựng và vận hành thị trường lao động vùng đô thị đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh

Trong bối cảnh thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh hợp nhất có nhiều biến động, Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố (HIDS) cho biết, việc xây dựng và vận hành hiệu quả thị trường lao động vùng đô thị đặc biệt thời gian tới cần có các chính sách đồng bộ, liên kết chặt chẽ và tầm nhìn dài hạn.

Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trước mắt, Thành phố cần lập cơ chế thống nhất thông tin thị trường lao động giữa Thành phố Hồ Chí Minh (cũ), Bình Dương (cũ), Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ). Đặc biệt, thông qua sàn giao dịch việc làm vùng, dữ liệu chung về nhu cầu tuyển dụng và tìm việc tạo thuận lợi cho người lao động di chuyển, tiếp cận việc làm phù hợp.

Thành phố cần đẩy mạnh chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tại khu công nghiệp-khu chế xuất vùng như: Tư vấn tuyển dụng, giới thiệu ứng viên, kết nối lao động tại chỗ; ưu tiên ngành nghề có nhu cầu cao như, chế biến-chế tạo, logistics, công nghệ thông tin, thương mại dịch vụ. Cùng với đó là tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn, đào tạo lại gắn yêu cầu doanh nghiệp; trong đó ưu tiên ngành có chuyển dịch nhanh và thiếu hụt kỹ năng như, kỹ thuật cơ khí-điện, công nghệ số, vận hành thiết bị, chăm sóc sức khỏe - dịch vụ cá nhân.

Bà Nguyễn Hoàng Hiếu (Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh) khuyến nghị, Thành phố tăng cường các chính sách việc làm phù hợp, đào tạo nghề miễn phí, kết nối hỗ trợ nhà ở, phương tiện đi lại khi làm việc liên tỉnh; hỗ trợ người lao động lớn tuổi, lao động di cư, lao động khuyết tật và phụ nữ có con nhỏ... Thành phố đẩy mạnh phối hợp giữa trung tâm dịch vụ việc làm và các trường học, cơ sở đào tạo trong vùng để triển khai hoạt động tư vấn nghề nghiệp, cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động theo khu vực.

Để tạo thuận lợi cho học sinh, sinh viên chủ động lựa chọn nghề nghiệp sát nhu cầu thực tế, bà Hiếu đề nghị, đẩy mạnh phối hợp giữa trung tâm dịch vụ việc làm và các trường học, cơ sở đào tạo trong vùng, triển khai hoạt động tư vấn nghề nghiệp, cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động theo khu vực. Thành phố hỗ trợ người lao động lớn tuổi, lao động di cư, lao động khuyết tật và phụ nữ có con nhỏ thông qua chính sách việc làm phù hợp, đào tạo nghề miễn phí, kết nối hỗ trợ nhà ở, phương tiện đi lại khi làm việc xa, liên tỉnh…

Theo dự báo năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh cần khoảng 395.000 - 410.000 lao động. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh (cũ) cần khoảng 310.000 - 330.000 lao động tập trung vào ngành dịch vụ, công nghiệp trọng điểm và lao động qua đào tạo. Tỉnh Bình Dương (cũ) cần từ 70.000 đến 80.000 lao động chủ yếu là lao động phổ thông và lao động có tay nghề ở các ngành nghề như, may mặc, giày da, gỗ, thực phẩm, cơ khí, hóa chất, kim loại. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) cần khoảng 15.000 lao động tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thương mại - dịch vụ, công nghiệp-xây dựng, và nông-lâm-thủy sản.

Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố dự báo nhu cầu nhân lực trong 6 tháng cuối năm 2025 ở khu vực thu hút đông lao động nhất (Thành phố Hồ Chí Minh cũ) sẽ dao động từ 151.200 đến 159.000 chỗ làm việc. Cơ cấu nhu cầu nhân lực tiếp tục tập trung chủ yếu ở các nhóm ngành công nghiệp trọng điểm và nhóm ngành dịch vụ chủ yếu.

Trong đó, lĩnh vực thương mại-dịch vụ dự báo chiếm tỷ trọng lớn nhất với khoảng 102.700-108.000 chỗ làm việc. Ở nhóm ngành công nghiệp trọng điểm dự kiến cần 28.800-30.200 chỗ làm việc, tập trung ở các ngành cơ khí, sản xuất hàng điện tử, chế biến lương thực-thực phẩm-đồ uống và hóa dược-cao su-nhựa. Nhóm ngành dịch vụ chủ yếu cần khoảng 91.100-95.700 chỗ làm việc và tập trung ở các lĩnh vực như: bán buôn - bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và phương tiện có động cơ khác; thông tin truyền thông và hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ...

Về trình độ chuyên môn kỹ thuật, bà Nguyễn Hoàng Hiếu nhận định nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo tiếp tục chiếm tỷ trọng cao, chiếm 72,75% tổng nhu cầu. Trong đó, trình độ đại học trở lên chiếm 23,66%, cao đẳng chiếm 21,57%, trung cấp chiếm 22,19%, sơ cấp chiếm 5,33% và nhu cầu sử dụng lao động phổ thông chiếm khoảng 27,25%.

"Điều này cho thấy thị trường lao động đang từng bước dịch chuyển theo hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời đặt ra yêu cầu đối với các chính sách đào tạo, bồi dưỡng và phát triển kỹ năng phù hợp với xu thế chuyển đổi số và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng", bà Hiếu chia sẻ./.


Thanh Vũ


Tác giả: Phan Thanh Vũ
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...