Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một tỉnh sẽ sáp nhập hai huyện khi lên thành phố thuộc trung ương

Khi thành lập, thành phố này dự kiến có 9 đơn vị hành chính cấp huyện.

Một tỉnh sẽ sáp nhập hai huyện khi lên thành phố thuộc trung ương- Ảnh 1.

Chiều 21/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là sự kiện có tính lịch sử để xem xét và quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Bà Trà nhấn mạnh, đây là thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam và sẽ là thành phố di sản văn hóa của thế giới.

"Các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình, thống nhất rất cao với việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Trong các ý kiến phát biểu, chúng tôi cảm nhận thấy có những cảm xúc vui, phấn khởi, tự hào về đất nước chúng ta, về tương lai phát triển của một thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam", Bộ trưởng nói.

Một tỉnh sẽ sáp nhập hai huyện khi lên thành phố thuộc trung ương- Ảnh 2.

Huế được định hình là thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, khi xây dựng đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương phải thực hiện mục tiêu tích hợp, đồng bộ với việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Trong đó, có việc sắp xếp 4 đơn vị hành chính cấp huyện và 21 đơn vị hành chính cấp xã.

Thành phố Huế sẽ được tách thành 2 quận mới là Phú Xuân và Thuận Hoá. Huyện Phong Điền trở thành thị xã Phong Điền. Huyện Nam Đông sẽ được sáp nhập vào huyện Phú Lộc . Thành lập 11 phường, 1 thị trấn và 1 xã trên cơ sở sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp xã (2 phường, 1 thị trấn, 18 xã).

Theo Bộ trưởng, sau sắp xếp, thành lập, thành phố Huế trực thuộc Trung ương có 4.947,11km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.236.393 người; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 2 quận, 3 thị xã, 4 huyện (không thay đổi số lượng đơn vị hành chính cấp huyện nhưng có giảm 1 thành phố, 2 huyện và tăng 2 quận, 1 thị xã).

Có 133 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 78 xã, 48 phường, 7 thị trấn (giảm 8 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó giảm 17 xã và tăng 9 phường).

Tên gọi "TP Huế" hội tụ các yếu tố lịch sử, văn hoá

Liên quan tới kiến nghị về tên gọi, Bộ trưởng Nội vụ cho rằng, đây là hội tụ các yếu tố lịch sử, văn hóa và trên cơ sở nghiên cứu rất kỹ về các mặt để tên gọi vừa chất chứa các tầng lớp văn hóa, vừa thể hiện là một cố đô di sản…

Mặt khác, tên gọi tại dự thảo nghị quyết đã được lấy ý kiến và đạt được sự đồng thuận gần như tuyệt đối của người dân. “Tên gọi thành phố Huế hiện hữu sẽ được tách ra thành 2 quận mới, đó là quận Phú Xuân và quận Thuận Hóa, khi tách ra 2 quận mới thì tên thành phố Huế hiện hữu sẽ không còn nữa”, Bộ trưởng cho biết.

Một tỉnh sẽ sáp nhập hai huyện khi lên thành phố thuộc trung ương- Ảnh 3.

TP Huế (thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế) sẽ được tách thành hai quận khi toàn bộ tỉnh này lên TP trực thuộc trung ương.

Bộ trưởng nhấn mạnh, không chỉ tập trung thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương mà còn phải gắn kết sự đồng bộ, thống nhất trong yêu cầu nhiệm vụ chính trị chung của cả nước hiện nay.

Bộ trưởng cũng tán thành cao các ý kiến góp ý về việc phải có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để Huế phát triển nhanh, bền vững.

Đặc biệt, tại kỳ họp này Chính phủ cũng trình Quốc hội 2 báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trước mắt, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện nghị quyết này và Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Sau khi sơ kết 5 năm, Bộ Chính trị sẽ có kết luận mới và các cơ quan liên quan tham mưu để Quốc hội ban hành nghị quyết mới với những cơ chế, chính sách vượt trội hơn, mạnh hơn và toàn diện hơn để bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa.

Theo Kế hoạch số 40/KH-UBND của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế kèm theo bản tóm tắt “Đề án Thành phố trực thuộc trung ương và sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế”, thành phố Huế (sau khi trực thuộc Trung ương) có diện tích tự nhiên là 4.947,10 km2, quy mô dân số là 1.380.000 người.

Thành phố Huế sẽ có 9 đơn vị hành chính trực thuộc : Quận Phú Xuân (Quận phía bắc sông Hương), Quận Thuận Hóa (Quận phía nam sông Hương), các thị xã Hương Trà, Hương Thủy, Phong Điền và các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới.

Theo Dy Khoa


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...