Các cơ sở để xây dựng Trung tâm tài chính tại Đà Nẵng
Đà Nẵng xây dựng Trung tâm Tài chính quy mô khu vực dựa trên nhiều cơ sở thực tiễn thuyết phục.
Dự thảo Đề án Xây dựng Trung tâm Tài chính quy mô khu vực của Đà Nẵng cho thấy, ngoài các cơ sở chính trị, pháp lý, các điều kiện thuận lợi về vị trí địa kinh tế, kết nối quốc tế, hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và có sẵn quỹ đất được quy hoạch... thì Đà Nẵng còn căn cứ loạt cơ sở thực tiễn thuyết phục.
Trong đó, bối cảnh khu vực và quốc tế đang có sự thay đổi sâu sắc về cục diện địa - chính trị, cũng như sự cạnh tranh giữa các các nền kinh tế lớn. Sự phát triển của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực đang tác động đến xu hướng đầu tư, sản xuất tiêu dùng. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh trong vòng một thập kỷ gần đây cũng ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư quốc tế.
Trong bối cảnh đó, hệ thống tài chính toàn cầu đang dần định hình lại. Theo phân tích của Đà Nẵng, dù “cạnh tranh giữa các nước trong việc trở thành các trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo ngày càng lớn”, thế giới đang có nhu cầu về một trung tâm tài chính mới, khác biệt với những trung tâm tài chính hiện có để tiếp nhận nguồn lực tài chính dịch chuyển từ các Trung tâm tài chính lớn như London, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore… Khả năng hình thành trung tâm tài chính mới ở châu Á - Thái Bình Dương - nơi được đánh giá là trung tâm kinh tế năng động nhất thế giới hiện nay đang ngày càng bộc lộ rõ nét.
Trong khi đó, Việt Nam đang là điểm sáng về thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế, đồng thời sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên sẵn có và dần hội tụ các yếu tố cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại. Việt Nam nằm ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, là tâm điểm của khu vực Đông Nam Á; nằm trong số những thị trường dẫn đầu về tỷ lệ áp dụng các công nghệ tài chính tương lai, như tài sản mã hoá, tiền mã hoá, các giải pháp fintech… Việt Nam có múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất thế giới. Đây là lợi thế “riêng có và đặc biệt” trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này.
Đà Nẵng là địa phương sở hữu những lợi thế riêng có phù hợp với nhu cầu đầu tư của cộng đồng quốc tế. Về vị trí địa chính trị, kinh tế quan trọng, có tính kết nối cao về giao thông quốc tế. Đà Nẵng không chỉ có cảng hàng không quốc tế được xếp hạng chất lượng tốt trên thế giới nằm ngay trung tâm thành phố mà còn sở hữu môi trường sống, hạ tầng đô thị, các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng thuộc loại tốt nhất của Việt Nam nhận được sự chú ý và đánh giá cao của các nhà đầu tư tài chính quốc tế để phát triển hạ tầng và xây dựng các trung tâm tài chính và giải trí thế giới tương tự như mô hình của Singapore, Dubai…
Quốc hội cũng vừa ban hành Nghị quyết (số 136/2024/QH15 ngày 26.6.2024) về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, đã mở ra triển vọng phát triển Đà Nẵng trở thành một trung tâm giao thương không chỉ hàng hoá mà còn là dịch vụ và công nghệ quốc tế.
Các nhà đầu tư, tổ chức tư vấn quốc tế nhận định Đà Nẵng có tiềm năng phát triển và hợp tác với các Trung tâm tài chính khác để tận dụng lợi thế hiện tại về múi giờ, sự ổn định chính trị, thể chế, điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, đặc biệt khi kết hợp cùng khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ mở ra cơ hội phát triển các liên kết tài chính - thương mại quốc tế, công nghệ cao để đưa Đà Nẵng trở thành cửa ngõ đầu tư - thương mại - tài chính - công nghệ của quốc gia, khu vực.