Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mở lối cho các dự án đường cao tốc

Hơn 600 m3 cát biển được đưa đến công trình đường cao tốc Hậu Giang - Cà Mau giúp giải cơn khát vật liệu cho dự án này, đồng thời mở ra hy vọng cho nhiều dự án khác.

Những ngày qua, nhiều sà lan nối tiếp nhau đưa cát về công trình đường cao tốc thành phần Hậu Giang - Cà Mau, đoạn qua địa bàn huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Đây là 1 trong 12 dự án thành phần thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025.

Khẩn trương thi công

Tại công trường, chúng tôi ghi nhận không khí khẩn trương thi công của công nhân dưới sự điều hành của ban quản lý công trình, bất kể thời tiết nắng hay mưa. Tất cả vì mục tiêu hoàn thành tuyến cao tốc để góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút nhà đầu tư và tạo động lực để vùng đất "chín rồng" sớm cất cánh.

Anh Phạm Văn Tý, đội bơm cát phục vụ tuyến cao tốc Hậu Giang - Cà Mau, cho hay nghe tin sà lan chở cát biển đến đoạn kênh xáng Huyện Sử (huyện Thới Bình), anh cùng các bạn nghề vội vã lắp ráp các đường ống hút cát để đưa vào công trình. "Trên tinh thần khẩn trương, chúng tôi chia nhau mỗi người một khâu để công việc đạt hiệu quả cao và nhanh nhất" - anh Tý nói.

Đã nhiều năm gắn bó với nghề chở cát bằng sà lan, ông Kiều Quốc Thanh (ngụ tỉnh Hậu Giang) cho biết sau khi nhận cát tại cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), ông đã lập tức khởi động máy để sớm đưa nguồn cát về đến cao tốc.

Ông Phạm Văn Dự, Giám đốc Ban Điều hành XL02 thuộc Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Thi Sơn (đơn vị thi công), cho biết gói thầu của đơn vị tại dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài 22,4 km, cần khoảng 2 triệu m3 cát nhưng đến nay mới chỉ tiếp nhận được hơn 1 triệu m3. "Việc thiếu cát đắp nền đã ảnh hưởng ít nhiều đến tiến độ thi công tuyến cao tốc trong thời gian qua. Đưa cát biển vào sử dụng sẽ giúp các công trình cao tốc đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng" - ông Dự nhìn nhận.

Cát biển được khẩn trương bơm lên công trình đường cao tốc thành phần Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 Ảnh: VÂN DU

Cát biển được khẩn trương bơm lên công trình đường cao tốc thành phần Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 Ảnh: VÂN DU

Trước đó, tại hội nghị Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết địa phương không có nguồn vật liệu cát tại chỗ nên gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai các dự án. Tỉnh Cà Mau đã nhiều lần gửi văn bản đến các địa phương có mỏ cát ở ĐBSCL đề nghị hỗ trợ.

Theo ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cát sông phục vụ san lấp các dự án giao thông đang rất khan hiếm nhưng nguồn cát biển lại dồi dào. Địa phương này đã hoàn thành các thủ tục và khởi công khai thác cát biển phục vụ dự án đường cao tốc. Tuy nhiên, với những dự án không thuộc cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 106/2023 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù đầu tư xây dựng công trình đường bộ, hiện chưa có quy định đưa cát biển vào phục vụ san lấp. Do đó, tỉnh Sóc Trăng đề nghị Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL kiến nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế, chính sách khai thác cát biển phục vụ các dự án của tỉnh nói riêng và của vùng nói chung. Ngoài ra, báo cáo Chính phủ xem xét chủ trương nghiên cứu cơ chế, chính sách khai thác cát biển phục vụ san lấp các công trình, dự án có độ mặn tương đồng hoặc dự án không nằm trong vùng trồng, vùng nuôi...

Triển khai bài bản, cẩn trọng

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), cho biết Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Xây dựng... cùng các địa phương, viện nghiên cứu, chuyên gia... triển khai một cách bài bản, cẩn trọng, khoa học, khách quan việc thi công thí điểm sử dụng cát biển đắp nền tại dự án đường cao tốc Hậu Giang - Cà Mau.

Việc tổ chức thi công thí điểm được thực hiện từ ngày 11-2-2023; hoàn thành thi công, đưa vào khai thác từ ngày 7-8-2023. Kết quả cho thấy các chỉ tiêu cơ lý đáp ứng tiêu chuẩn đối với vật liệu thi công nền đường. Công tác thi công cát biển được thực hiện tương tự cát sông. Đến nay chưa thấy có biểu hiện tăng độ mặn đối với môi trường xung quanh, đủ điều kiện để mở rộng thi công thí điểm.

Trên cơ sở theo dõi, quan trắc, hội đồng cấp bộ của Bộ GTVT đã đánh giá kết quả thí điểm. Theo đó, cát biển ở khu vực xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh và Khu B1 thuộc tỉnh Sóc Trăng đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật làm nền đường. Hội đồng thống nhất sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cao tốc với điều kiện sử dụng cho nền đắp có độ chặt K≤ 95, tại các khu vực nhiễm mặn tương tự khu vực thử nghiệm. Trước mắt, xem xét sử dụng cho khu vực hạ âm, nền đắp K95, khu vực nền đường nằm dưới khu vực chịu tác động của hoạt tải. Ngoài ra, cần quan trắc môi trường trong thời gian đủ dài để giám sát mức độ tác động.

Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng và thông báo tới các địa phương về kết quả thí điểm sử dụng cát biển; đề nghị các địa phương triển khai thí điểm mở rộng sử dụng cát biển làm nền đường cho dự án có điều kiện môi trường tương tự dự án thí điểm, xem xét áp dụng các tiêu chuẩn về ngưỡng chịu mặn của cây trồng, đất nông nghiệp, nước nuôi trồng thủy sản theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT.

Trên cơ sở nghiên cứu, thi công thí điểm và các hướng dẫn liên quan của các bộ chuyên ngành, xuất phát từ nhu cầu thực tế, tính cấp thiết về nhu cầu cát đắp nền đường của dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Bộ GTVT tiếp tục tổ chức thi công thí điểm mở rộng. Cụ thể, ngày 21-6 vừa qua, UBND tỉnh Sóc Trăng đã cấp bản xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp thiết bị, kế hoạch và xác nhận bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ thi công Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 (khu vực B1.1 và B1.2).

Ngày 28-6, Bộ TN-MT ban hành Quyết định 1746/2024 về việc giao quyền sử dụng khu vực biển thuộc tỉnh Sóc Trăng cho đơn vị thi công để khai thác cát biển, phục vụ thi công dự án Hậu Giang - Cà Mau.

Ngày 29-6, nhà thầu đã tổ chức khai thác để thi công thí điểm đắp nền đường. Cụ thể, phạm vi thi công thí điểm mở rộng được lựa chọn từ Km 81+000 đến hết phạm vi tuyến chính tại Km126+223 (thuộc địa bàn huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu; huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang; huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) và từ Km 6+522 đến Km16+510 đoạn tuyến nối Cà Mau (địa bàn các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời và Cái Nước, tỉnh Cà Mau). 

Bảo đảm an toàn hàng hải

Về việc quản lý khai thác, thi công cát biển, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, nhà thầu thi công tuân thủ các nội dung quy định tại bản xác nhận đã được UBND tỉnh Sóc Trăng cấp; các yêu cầu tại Quyết định 1746/2024 của Bộ TN-MT và các quy định liên quan trong thời gian khai thác, sau khi kết thúc hoạt động khai thác. Trong đó, lưu ý bảo đảm an toàn hàng hải trên các tuyến vận chuyển và bảo vệ môi trường.

Mở rộng đến các dự án trong khu vực

Theo ông Uông Việt Dũng, việc mở rộng thí điểm sử dụng cát biển tại dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là cơ sở quan trọng để Bộ GTVT và các địa phương đánh giá, mở rộng phạm vi sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường đối với các dự án đường cao tốc đang được triển khai trong khu vực.

Để có thể sử dụng đại trà vật liệu cát biển làm vật liệu đắp nền tại các khu vực có điều kiện nhiễm mặn khác nhau, Bộ GTVT đang tiếp tục thực hiện thí điểm để theo dõi, quan trắc và đánh giá một cách toàn diện, khoa học, khách quan làm cơ sở triển khai thực hiện (nếu đủ điều kiện).

Theo VĂN DUẨN - THU TÂM - VÂN DU


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết