Kinh tế Khánh Hòa phục hồi ấn tượng từ du lịch, công nghiệp
6 tháng đầu năm nay, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục đà hồi phục kinh tế, tổng sản phẩm tăng hơn 7,8%, đứng thứ 9 cả nước, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 6%, đặc biệt, doanh thu du lịch tăng gấp 2,3 lần. Kinh tế tăng trưởng tốt, giúp địa phương khắc phục các khó khăn do dịch Covid-19 gây ra trước đây, đảm bảo an sinh xã hội.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Khánh Hòa tổ chức nhiều sự kiện lớn như: “Khánh Hòa- 370 năm xây dựng và phát triển”; Festival Biển 2023 “Khánh Hòa- khát vọng phát triển”; chuỗi sự kiện liên kết du lịch và điện ảnh… Những sự kiện này góp phần kích cầu, thu hút khách du lịch. Ngành du lịch Khánh Hòa cũng chủ động quảng bá, xúc tiến các thị trường quốc tế như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Úc, Ấn Độ…
6 tháng đầu năm nay, lượng khách đến Khánh Hòa đạt gần 2,8 triệu lượt, doanh thu hơn 12.500 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế trên đà tăng trưởng, dự báo tiếp tục tăng trưởng nhanh trong thời gian tới. Du lịch, dịch vụ hồi phục đã phần nào trả lại không khí sôi động cho các trung tâm, tụ điểm vui chơi, giải trí, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Doanh nghiệp du lịch, dịch vụ mạnh dạn mở cửa trở lại sau thời gian phải tạm dừng do ảnh hưởng dịch bệnh. Nhiều dịch vụ du lịch mới cũng được khai trương ngay trong mùa hè để phục vụ du khách.
“Du lịch đã phục hồi rồi, Công ty chúng tôi cũng nỗ lực để hình thành sản phẩm mới. Trước đây, ngắm san hô phải ra ngoài biển cũng rất phức tạp. Bây giờ, Công ty đã đổi mới, đưa ngay vào đất liền để cho mọi người ra chơi rất tiện và có thể chơi được về đêm nữa. Luôn đổi mới để phù hợp nhu cầu, thị hiếu phát triển của du lịch Nha Trang để du khách đến đây có thêm lựa chọn, tiêu được tiền nhiều hơn,” ông Đỗ Xuân Tạo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Du lịch VietAsian vừa đưa vào hoạt động khu vui chơi, giải trí tại phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang cho biết.
Tỉnh hình kinh tế- xã hội tỉnh Khánh Hòa tiếp tục đà tăng trưởng nhưng nhiều lĩnh vực vẫn còn khó khăn. Cụ thể, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng đến 8,3% nhưng việc sản xuất, xuất khẩu thủy sản giảm gần 30%. Nguyên nhân là kinh tế thế giới suy thoái, tiêu thụ tại các thị trường lớn, truyền thống gặp khó. Trong bối cảnh đó, tỉnh Khánh Hòa đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tăng cường tiêu thụ nội địa các sản phẩm có thế mạnh như nước yến, nước giải khát. Đặc biệt, từ cuối tháng 4/2023, tổ máy số 1 Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, tại thị xã Ninh Hòa phát điện giúp chỉ số công nghiệp tăng cao.
Bà Phan Thị Thu Cúc, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa nhìn nhận: “Thủy sản giảm vì cá ngừ năm nay mất mùa, bù lại thì mình được bia, thuốc lá, nước giải khát các loại đều tăng. Sở, Ban, ngành cũng cố gắng thúc đẩy các hoạt động, các lễ hội, kích cầu du lịch, tăng các sản phẩm khác và sử dụng điện tăng. Bù lại sẽ đạt chỉ tiêu của năm nay.”
Đến nay, tỉnh Khánh Hòa vẫn còn 2 quy hoạch quan trọng là: Quy hoạch Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040 và Đồ án Quy hoạch đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045 chưa được Trung ương phê duyệt, ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công mới đạt gần 30% chủ yếu do thủ tục đầu tư chậm, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2023 vẫn chưa được Bộ Tài chính phê duyệt để phát hành, đầu tư các công trình phúc lợi. Kết quả khắc phục các sai phạm, nhất là thu hồi tài sản thất thoát theo Thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Kết luận của Thanh tra Chính phủ còn chậm, mới chỉ thu hồi được hơn 128 tỷ đồng, chưa đạt yêu cầu đề ra.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: Mặc dù tiếp tục đà tăng trưởng nhưng kinh tế Khánh Hòa đang đối mặt nhiều khó khăn, thiếu bền vững. Trong việc thực hiện thí điểm các cơ chế chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa chỉ kéo dài đến năm 2027, tỉnh phải tận dụng thời cơ để tạo đột phá. Sắp đến, tỉnh tiếp tục triển khai các quy hoạch được duyệt, rà soát, điều chỉnh và tiến tới phủ kín quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện đưa vào hoạt động, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Địa phương đang tập trung cụ thể hoá các nội dung ký kết tại Bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh với các nhà đầu tư tại Hội nghị Công bố quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023, thu hút có hiệu quả danh mục các dự án đầu tư trọng điểm theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về “xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn 2045”. Trước mắt, tỉnh Khánh Hòa tập trung phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam và các bộ, ngành Trung ương tổ chức tốt chương trình “Mạnh, giàu từ biển quê hương” vào ngày 19/8/2023 tại thành phố Nha Trang.
“Đặc biệt là chương trình “Mạnh giàu từ biển quê hương”, Khánh Hòa có đến 385 km bờ biển, phải tham gia thật tốt. Công việc hiện rất nhiều, cán bộ, công chức, viên chức đoàn kết một lòng, chủ động với công việc, vực dậy kinh tế. Chúng tôi xác định phải phát huy giải ngân đầu tư công, phục vụ các công trình trọng điểm trên địa bàn, phát triển kinh tế du lịch thì mới kéo lại được xuất khẩu,” ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho hay.
Theo Thái Bình
VOV