Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội quyết liệt đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành

Thành ủy Hà Nội đề nghị các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn nữa; tăng cường kiểm tra, giám sát, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, đề cao trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ mười bốn, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ mười bốn, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII

Chỉ số cải cách hành chính PAR-Index tăng 7 bậc

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã ký ban hành kết luận số 143-KL/TU, kết luận Hội nghị lần thứ mười bốn, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII (nhiệm kỳ 2020-2025).

Kết luận nêu rõ, ngày 23 và 24/11/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII đã họp, nghe báo cáo và cho ý kiến về 8 nội dung: Quyết định thành lập các Tiểu ban chuẩn bị Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố; Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2023 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm giai đoạn 2024-2026;

Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách năm 2023, dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp thành phố năm 2024; Kế hoạch đầu tư công năm 2024 của thành phố; cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố;

Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát năm 2024 của Thành ủy; Chương trình công tác năm 2024 của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy; Dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã biểu quyết, thống nhất kết luận một số nội dung quan trọng.

Thứ nhất, về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhận định, năm 2023, với tinh thần quyết liệt, đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô, kinh tế - xã hội Thủ đô đã đạt được những thành tựu tương đối toàn diện và tích cực.

18/23 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội dự kiến đạt kế hoạch đề ra, trong đó có 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá, ước đạt 6,11%, cao hơn mức bình quân chung cả nước (trên 5%); GRDP bình quân đầu người ước đạt 150 triệu đồng. Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 400,421 nghìn tỷ đồng, đạt 113,5% dự toán. Tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 504,89 nghìn tỷ đồng, tăng 9,0%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên 10%; lượng khách du lịch trong nước và quốc tế dự kiến vượt mục tiêu đề ra; thành lập mới 26.500 doanh nghiệp (tăng 6%).

Đáng chú ý, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng Nông thôn mới (NTM) tiếp tục được đẩy mạnh; đã có 17/18 huyện đạt NTM; trong đó, có 111 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 20 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Chính sách an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo; khoa học và công nghệ được quan tâm, đẩy mạnh.

Việc triển khai công tác chuyển đổi số của thành phố kể từ khi Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy được ban hành đã đạt được những kết quả bước đầu. Chỉ số cải cách hành chính PAR-Index 2022 tăng 7 bậc, Chỉ số SIPAS tiếp tục giữ nguyên thứ hạng. An ninh, quốc phòng được củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được mở rộng và đạt nhiều kết quả tích cực…

Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhận định, năm 2024 là năm thứ tư thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp.

Phát huy những kết quả đạt được và kinh nghiệm đã có, trong năm 2024, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Thành ủy Hà Nội đề nghị các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn nữa; tăng cường kiểm tra, giám sát, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, đề cao trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp; huy động cả hệ thống chính trị để tham gia thực hiện thắng lợi, toàn diện các nhiệm vụ công tác.

Hội nghị lần thứ mười bốn, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII.

Hội nghị lần thứ mười bốn, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII

Trong đó, các đơn vị sẽ bám sát Chương trình hành động của Đảng bộ thành phố về thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, 10 chương trình công tác của Thành ủy, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, đảm bảo quốc phòng an ninh… TP phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng khoảng 6,5-7,0%; GRDP bình quân đầu người khoảng 160-162 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn khoảng 10,5-11,5%.

Thành phố cũng sẽ nghiên cứu, xây dựng quy chế quản lý không gian văn hóa khu vực hồ Hoàn Kiếm và các không gian văn hóa phố đi bộ trên địa bàn thành phố với các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, phù hợp với đặc trưng văn hóa của từng khu vực nhằm giữ gìn và phát huy nét đẹp hào hoa, thanh lịch, linh thiêng của các không gian văn hóa, nhất là không gian văn hóa hồ Hoàn Kiếm.

Thứ hai, về tài chính - ngân sách và đầu tư công, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo, điều hành ngân sách năm 2024, cần phát huy kết quả và ưu điểm của năm 2023; có quan điểm nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu bền vững; tăng cường kiểm tra, thanh tra tài chính, chống thất thu ngân sách; quyết liệt trong việc thu hồi nợ đọng ngân sách để tạo nguồn lực thực hiện nhiệm vụ chung theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ ba, về kế hoạch đầu tư công năm 2024 của thành phố và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố, cần khẩn trương rà soát, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công đảm bảo đạt mức bình quân chung của cả nước. Đồng thời, TP quán triệt quan điểm chỉ đạo là vốn đầu tư công phải được giao ngay từ đầu năm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ đầu tư để tập trung quyết liệt triển khai công tác đầu tư và giải ngân ngay từ ngày đầu, tháng đầu tiên của năm 2024, tránh tình trạng dồn giải ngân vào cuối năm làm chậm tiến độ dự án, giảm hiệu quả vốn đầu tư công, phải thực hiện điều chỉnh kế hoạch nhiều lần trong năm.

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cũng đề nghị rà soát, đưa ra ngoài danh mục các dự án không có khả năng triển khai để cắt giảm và tập trung nguồn lực bố trí vốn cho các dự án khác có tính khả thi cao, dự án trọng điểm, dự án cấp bách, giải quyết dân sinh bức xúc trên địa bàn thành phố; xem xét kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan trong việc chậm giải ngân thực hiện dự án…

Thứ tư, về Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND thành phố tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp xác đáng của các đại biểu dự họp để cập nhật, bổ sung trong quá trình lập Đồ án; nghiên cứu làm rõ nét hơn nữa định hướng phát triển khu vực nông thôn của Thủ đô, gắn với khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc các vùng văn hóa truyền thống: Sơn Nam Thượng, Xứ Đoài, Xứ Đông, Kinh Bắc, Thăng Long…, từng bước nâng cao chất lượng đời sống khu vực nông thôn.

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cũng thống nhất với định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là: Thành phố Bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh), Thành phố phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai) và 5 trục phát triển; kết hợp với đầu tư xây dựng sân bay quốc tế thứ 2. Ngoài ra, cần nghiên cứu đề xuất một số sân bay lưỡng dụng trong thành phố: Sân bay Hòa Lạc, sân bay Gia Lâm. Đây sẽ là tiền đề tạo cực tăng trưởng mới để phát triển kinh tế - xã hội đối với các khu vực phía Bắc, phía Đông và phía Tây của thành phố; đồng thời, tạo dư địa phát triển cho khu vực phía Nam…

Tại Kết luận số 143-KL/TU, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cũng thống nhất với các nội dung Chương trình công tác năm 2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy; Kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát của Thành ủy năm 2024; Quyết định thành lập các Tiểu ban chuẩn bị Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố và Dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh do Ban Thường vụ Thành ủy trình tại hội nghị.

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy, Văn phòng Thành ủy tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo của Thành ủy và Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành và chỉ đạo sớm tổ chức, triển khai thực hiện theo quy định.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...