Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đắk Lắk: Triển khai hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

Ngành bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk đưa ra giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022 – 2025.

Tỉnh Đắk Lắk hiện có gần 1,9 triệu người với 49 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 35,7% dân số. Toàn tỉnh có 130 xã, gồm 69 xã khu vực I, 7 xã khu vực II và 54 xã khu vực III.

Việc phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tếbảo hiểm thất nghiệp ở vùng khó khăn của tỉnh Đắk Lắk còn nhiều thách thức do đời sống của người dân còn hạn chế, ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài và một số thay đổi của chính sách khiến nhiều người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa tại tỉnh không còn được hỗ trợ bảo hiểm y tế, việc bỏ một số tiền lớn để chi hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng này là tương đối khó khăn.

Theo Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đắk Lắk, tính đến tháng 11/2022 trên địa bàn tỉnh, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc là 106.656 người, đạt 97,8% kế hoạch; tự nguyện là 17.732 người, đạt gần 60% kế hoạch; bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) 95.268 người, đạt 97,81% kế hoạch; bảo hiểm y tế (BHYT) 1.609.945 người, đạt 95,95% kế hoạch; số thu là 3.001,616 tỷ đồng, đạt 85,29% kế hoạch được giao.

Nhằm tiếp tục phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) vừa có văn bản chỉ đạo giao BHXH tỉnh chủ trì, phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo triển khai hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh, tham mưu Ban cán sự đảng UBND tỉnh trình Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT bằng nhiều hình thức, nội dung truyền thông ngắn gọn, dễ hiểu, thiết thực với người dân; linh hoạt hình thức vận động để người dân lựa chọn phương thức đóng phù hợp khi tham gia; mở rộng mạng lưới Tổ chức dịch vụ thu, nhân viên thu để đáp ứng tốt hơn nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình của người dân trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, BHTN, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm Luật BHXH, Luật BHYT.

Người dân tìm hiểu lợi ích từ việc tham gia BHYT hộ gia đình

Người dân tìm hiểu lợi ích từ việc tham gia BHYT hộ gia đình

Ban Chỉ đạo cũng giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra pháp luật về lao động, việc làm, an toàn vệ sinh lao động, BHXH tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp chậm đóng, trốn đóng và các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực BHXH.

Hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai rà soát các hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh để người dân tham gia BHYT được hỗ trợ mức cao nhất của Nhà nước (bao gồm ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh theo Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 21/12/2021 của HĐND tỉnh); chú trọng rà soát người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) không còn nằm trong danh sách xã, thôn, buôn khó khăn, đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc, nếu đủ điều kiện chuyển sang hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình để tạo điều kiện cho người dân được hỗ trợ một phần kinh phí tham gia BHYT từ ngân sách Nhà nước.

Người dân tìm hiểu lợi ích từ việc tham gia BHXH tự nguyện.

Người dân tìm hiểu lợi ích từ việc tham gia BHXH tự nguyện.

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo giao Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh kiểm soát chặt chẽ chi phí khám chữa bệnh BHYT, đảm bảo an toàn quỹ BHYT trong phạm vi dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tinh thần thái độ phục vụ người dân tham gia BHYT, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính giúp người dân thuận lợi khi tham gia và khám chữa bệnh BHYT; phối hợp thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT...

Đồng thời, giao Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác BHYT học sinh sinh viên (HSSV) năm học 2022 - 2023 và những năm tiếp theo; có kế hoạch giao chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT cho các cơ sở giáo dục ngay từ đầu năm học, đưa tỷ lệ tham gia BHYT đạt 100% là một trong các tiêu chí đánh giá xét thi đua của các trường hàng năm; đồng thời, kiện toàn mạng lưới y tế trường học, thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV.

Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn từ cấp huyện đến cấp xã, do đồng chí Chủ tịch làm Trưởng ban theo yêu cầu tại Quyết định số 546/QĐ-TTg ngày 29/4/2022 của Thủ Tướng Chính phủ. Tham mưu huyện ủy, thị ủy, thành ủy ban hành chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn, nâng cao vai trò trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo từ cấp huyện đến cấp xã đối với việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết