Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính sách thuế của Mỹ: Trung Quốc ra tuyên bố cứng rắn

Sáng 3-4 theo giờ Việt Nam, đã có thêm nhiều đối tác thương mại của Mỹ từ khắp các châu lục lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc áp thuế đối ứng của Chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Sau Hàn Quốc, Australia, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Italy, Canada, đã có thêm hàng loạt quốc gia khác từ khắp các châu lục trên thế giới lên tiếng trước quyết định áp thuế đối ứng mới của chính quyền Mỹ.

Tại châu Á, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này đã hối thúc Mỹ hủy bỏ ngay lập tức các mức thuế đơn phương và giải quyết thỏa đáng những bất đồng với các đối tác thương mại thông qua đối thoại bình đẳng. Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh nhiều đối tác thương mại đã bày tỏ bất bình và phản đối một cách rõ ràng. Trung Quốc "kiên quyết phản đối" quyết định áp thuế đối ứng mà Tổng thống Trump vừa công bố chiều 2-4 theo giờ Mỹ, đồng thời sẽ thực hiện các biện pháp ứng phó để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Bộ Thương mại Trung Quốc nói rõ thuế quan của Mỹ "không tuân thủ các quy tắc thương mại quốc tế và gây tổn hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan".

Tại Nhật Bản, Bộ trưởng Thương mại Yoji Muto nhấn mạnh nước này sẽ tiếp tục yêu cầu Mỹ miễn trừ thuế đối với hàng nhập khẩu từ quốc gia Đông Bắc Á này. Bộ trưởng Muto cho biết, trong cuộc họp trực tuyến trước đó cùng ngày, ông đã nói rõ quan điểm của phía Nhật với người đồng cấp Mỹ Howard Lutnick rằng kế hoạch thuế quan mới là "điều đáng tiếc" và "sẽ khiến các công ty khó đầu tư vào thị trường Mỹ", cũng như gây tổn hại cho chính nền kinh tế của Mỹ. Trong thông báo mới nhất của Tổng thống Trump, Nhật Bản bị áp mức thuế đối ứng 24% đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ.

Tại Thái Lan, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra tuyên bố quốc gia Đông Nam Á này đã có "kế hoạch mạnh mẽ" và sẽ thực hiện các bước đi phù hợp để giảm thiểu tác động của mức thuế đối ứng 36% sẽ được Mỹ đưa vào áp dụng từ ngày 9-4 tới. Ngoài ra, nữ Thủ tướng Thái Lan cũng đề cập khả năng đàm phán với Mỹ để giảm thuế.

Từ châu Âu, Thụy Sĩ phản đối quyết định áp thuế đối ứng của Mỹ. Trong bài đăng trên mạng xã hội X, nữ Tổng thống Karin Keller-Sutter viết: “Chúng tôi sẽ nhanh chóng xác định các bước tiếp theo. Lợi ích kinh tế lâu dài của đất nước là tối quan trọng. Lòng trung thành với luật pháp quốc tế và thương mại tự do vẫn là những giá trị cốt lõi".

Tuần trước, một phái đoàn Thụy Sĩ vừa đến Washington sau khi Bern bị Chính phủ Mỹ đưa vào danh sách các quốc gia bị giám sát vì có khả năng thực hiện các hoạt động thương mại không công bằng.

Tại châu Mỹ, Tổng thống Colombia Gustavo Petro nhận định mức thuế đối ứng mà nhà lãnh đạo Mỹ áp đặt đối với hàng loạt quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có thể là "một sai lầm lớn". Theo ông, cách hiểu của chính phủ Mỹ về việc tăng thuế nhập khẩu hàng hóa sẽ giúp tăng sản lượng trong nước, tăng giá trị kinh tế và tạo thêm việc làm tại “xứ cờ hoa” là chưa chính xác.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Colombia Laura Sarabia thông báo chính phủ nước này đang phân tích tác động từ chính sách thuế mới của Mỹ đối với nền kinh tế nhằm "bảo vệ ngành công nghiệp quốc gia" và các nhà xuất khẩu.

Colombia bị Mỹ áp mức thuế đối ứng 10%, tương tự như một số các quốc gia khác trong khu vực như Brazil và Argentina. Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Colombia, chủ yếu nhập hoa, cà phê và dầu khí.

Cùng ngày, Văn phòng truyền thông của Bộ Ngoại thương Costa Rica thông báo nước này sẽ đối thoại với giới chức Mỹ để tìm kiếm các điều kiện tiếp cận tốt nhất có thể cho các sản phẩm của Costa Rica xuất sang thị trường Mỹ. Mỹ cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Costa Rica và đã thông báo mức thuế đối ứng 10% đối với hàng hóa của quốc gia Trung Mỹ này.

Theo kế hoạch, Mỹ sẽ áp thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng hóa của các nước từ ngày 5-4 và áp các mức thuế đối ứng khác nhau với từng đối tác thương mại kể từ ngày 9-4 (đều theo giờ Mỹ).

Tin, ảnh: TTXVN

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...