Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác tội phạm lừa đảo gửi link cài phần mềm làm căn cước

Trong những ngày qua, trên địa bàn Hà Nội tiếp tục xảy ra các vụ việc lừa đảo giả mạo cán bộ công an, cảnh sát khu vực gọi điện yêu cầu người dân cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo hay phần mềm Dịch vụ công để làm căn cước, sau đó chiếm quyền điều khiển điện thoại, chuyển tiền trong tài khoản của bị hại…

“Sập bẫy” lừa đảo cấp căn cước trực tuyến

Ngày 30/9, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đang điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức giả danh cơ quan Công an gọi điện, yêu cầu người dân cài đặt phần mềm Dịch vụ công giả mạo để làm căn cước.

Thủ đoạn của các đối tượng là gọi điện, tự xưng là cán bộ Công an, Cảnh sát khu vực, yêu cầu người dân tải ứng dụng trên điện thoại để làm thủ tục cấp căn cước trực tuyến. Ngay sau khi cài đặt phần mềm này, người dân sẽ bị đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện việc chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán được lưu trên điện thoại.

Cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác với những yêu cầu cài đặt phần mềm dịch vụ công

Cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác với những yêu cầu cài đặt phần mềm dịch vụ công

Nan nhân cụ thể mới bị lừa đảo là anh Phạm Văn P (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội); ít ngày trước anh P có nhận được điện thoại của một đối tượng, tự xưng là cán bộ Công an, yêu cầu anh cài đặt phần mềm để làm căn cước cho con. Sau đó, đối tượng gửi cho anh P đường link cài đặt phần mềm Dịch vụ công “giả mạo”. Khi quét mã QR xác thực khuôn mặt, anh P phát hiện máy bị treo. Tắt máy, khởi động lại thì tài khoản ngân hàng của anh P đã bị mất hơn 500 triệu đồng. Phát hiện mình bị lừa, anh P đã đến Công an phường Trung Hòa trình báo.

Trước đó vào ngày 23/9, Công an huyện Đan Phượng (Hà Nội) cũng tiến hành điều tra vụ chiếm đoạt tài sản dưới hình thức giả danh cơ quan Công an gọi điện, yêu cầu người dân cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo. Nạn nhân là chị V (SN 1982, trú tại Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội).

Theo trình báo của chị V, bản thân nhận được cuộc gọi điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an huyện Đan Phượng, yêu cầu cài đặt phần mềm VNeID. Sau đó, đối tượng gửi cho chị V đường link cài đặt phần mềm VNeID giả mạo rồi nói chị chuyển tiền ngân hàng để đóng phí hồ sơ. Chưa dừng lại đó, đối tượng tiếp tục yêu cầu chị quét mã QR xác thực khuôn mặt và chuyển OTP tài khoản ngân hàng. Thực hiện xong, chị V phát hiện tài khoản ngân hàng bị mất gần 1 tỷ đồng nên đã đến cơ quan Công an trình báo.

Theo Công an TP Hà Nội, đây không phải thủ đoạn mới, tuy nhiên vẫn còn nhiều người mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo công nghệ cao. Do đó, đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên. Tuyệt đối không cung cấp dữ liệu cá nhân, mã OTP tài khoản ngân hàng, cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến.

Để phòng tránh lừa đảo, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến. Nếu cài đặt phần mềm giả mạo, có nguy cơ sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại, sau đó tội phạm truy cập vào tài khoản, chuyển hết tiền của bị hại.

Người dân chủ động tìm hiểu thông tin làm căn cước qua Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an các quận, huyện hoặc Công an xã, phường nơi sinh sống. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.

Không cung cấp thông tin cá nhân cho các số điện thoại lạ

Không chỉ có anh Phạm Văn P hay chị V bị lừa đảo, nếu thiếu cảnh giác sẽ có thêm nạn nhân “sập bẫy” tội phạm lừa đảo công nghệ cao. Trước đó Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đã thông tin về trường hơp anh Đinh Hoàng D (trú ở huyện Gia Lâm, Hà Nội) nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là cán bộ Công an quận Long Biên (Hà Nội) hỗ trợ xử lý căn cước công dân bị lỗi hệ thống, yêu cầu anh đến phường để khắc phục. Do đang ở xa nên anh D hẹn ngày hôm sau sẽ lên phường giải quyết.

Lúc này, đối tượng đưa ra lý do cần hoàn thiện gấp hồ sơ nên yêu cầu anh tải phần mềm theo đường dẫn của đối tượng cung cấp để hỗ trợ xử lý từ xa. Vì thấy phần mềm có giao diện gần giống với giao diện Dịch vụ công trực tuyến nên anh D hoàn toàn tin tưởng và thực hiện các thao tác. Sau khi thực hiện các thao tác, các tài khoản ngân hàng của anh bị đối tượng thực hiện các giao dịch chuyển tiền và bị chiếm đoạt hơn 800 triệu đồng.

Tội phạm công nghệ cao đánh cắp thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng trên các phần mềm ứng dụng của điện thoại

Tội phạm công nghệ cao đánh cắp thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng trên các phần mềm ứng dụng của điện thoại (Ảnh minh hoạ)

Theo Cục An toàn thông tin, đây không phải trường hợp đầu tiên, trước đó, trong tháng 1/2024, anh V (trú tại quận Long Biên, Hà Nội) cũng truy cập vào đường dẫn do đối tượng giả mạo là cán bộ công an phường cung cấp, tải ứng dụng giả mạo dịch vụ công để "bốc số thứ tự trước, không phải chờ khi lên quận làm thủ tục". Anh V bị chiếm đoạt 1,3 tỉ đồng trong 3 giao dịch chuyển tiền.

Cũng giống như anh V, chị A (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được một người đàn ông gọi điện xưng là cán bộ Công an quận Hai Bà Trưng, yêu cầu 10h lên Công an quận cập nhật thông tin bằng lái xe. Do chị A bận nên được cán bộ Công an quận giả mạo hướng dẫn cập nhật qua mạng. Sau khi tải ứng dụng Dịch vụ công giả mạo do đối tượng cung cấp, chị A đã bị đối tượng chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng.

Theo thống kê, đầu tháng 1/2024, Công an Hà Nội đã tiếp nhận đơn trình báo của 6 người dân bị lừa cài đặt dịch vụ công giả mạo và bị chiếm đoạt gần 20,6 tỉ đồng. Trong đó, người bị chiếm đoạt nhiều nhất 15,3 tỉ đồng và người ít nhất là 252 triệu đồng.

Để tránh sập bẫy chiêu lừa đảo giả mạo cán bộ công an, yêu cầu hỗ trợ cài đặt dịch vụ công chứa mã độc chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn lạ, đặc biệt là liên quan tới cán bộ của các cơ quan Nhà nước; không làm việc, không cung cấp thông tin cá nhân và cũng không làm theo các yêu cầu thông qua điện thoại. Khi cần liên hệ với các cơ quan chức năng, có thẩm quyền để xác minh về người gọi điện.

Đặc biệt, người dân cần cảnh giác với những yêu cầu cài đặt phần mềm; tuyệt đối không bấm vào các đường link nhận được qua tin nhắn, không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link hoặc file APK.

Ngoài ra, người dân không nên lưu thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng trên các phần mềm ứng dụng của điện thoại; thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền cho người thân, mọi người xung quanh phòng ngừa.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...