Cảm giác “xuyên không” với đoàn tàu độc nhất Trung Quốc: Giữa "kỷ nguyên" tàu cao tốc, hành khách vui vẻ ngồi cùng rau quả, gà vịt, thậm chí cả… lợn
Những đoàn tàu này đã thay đổi bộ mặt của các thị trấn nghèo ở Trung Quốc trong hơn 10 năm qua.
Đoàn tàu chậm độc đáo
Khi kỷ nguyên đường sắt cao tốc đang đến gần và khoảng cách giữa các thành phố ngày càng gần hơn về mặt thời gian, thì ở Hoài Hóa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, vẫn còn 4 chuyến “tàu chậm”, không điều hòa, không ghế mềm hay giường mềm, dừng ở các trạm sâu trong núi, thời gian dừng tại ga đủ lâu để đón những người nông dân trồng rau, trồng trái cây, công nhân đường sắt và sinh viên trên dọc tuyến. Khung cảnh trên tàu mang đầy tính hoài niệm khi hành khách mang đủ loại nông sản, xách đôi quang gánh với đủ loại rau quả, thậm chí đem cả gà, lợn, dê lên tàu để mang đi bán vào những dịp đặc biệt như lễ tết.
Được biết, những chuyến tàu đặc biệt này có số hiệu 7269-7270, 7272-7271, 7266-7265, 7275-7274-7273. Trong đó, tuyến tàu 7272/7271 - chạy giữa Hoài Hóa và Mai Giang mỗi ngày - là tuyến nổi bật nhất. Tuyến này đi qua 13 trạm với tổng quãng đường là 178 km, giá vé cao nhất là 11,5 nhân dân tệ (khoảng 40 nghìn VNĐ) và giá vé thấp nhất là 1 nhân dân tệ (hơn 3 nghìn VNĐ). Tàu có 8 toa, khởi hành từ ga Hoài Hóa lúc 7:30 hàng ngày, đi qua Quý Châu, đến Mai Giang, Trùng Khánh lúc 11:20 và trở về Hoài Hóa lúc 15:58.
15 phút trước khi tàu khởi hành, người soát vé có tên Dương Ba đứng trước cửa toa số 6, chuẩn bị kiểm tra vé hành khách lên tàu.
Tại ga Lan Kiều (Trùng Khánh) cách đó 150 km, nhân viên nhà ga Lý Tái Quân nhận bàn giao từ đồng nghiệp và kiểm tra hoạt động của thiết bị.
Giữa hai nhà ga này, lão nông Xương Nghi đã bỏ những quả sơn trà mới hái vào giỏ tre. Anh phải bắt chuyến tàu 7272 sẽ dừng ở ga Cẩm Hòa trong vòng một giờ nữa và xuống tại Đồng Nhân, Quý Châu.
“Hành trình cuộc đời” song song với chuyến tàu 7272 này đã kéo dài hơn 10 năm đối với cả ba con người này.
Khi tàu đến ga Cẩm Hòa, nhiều nông dân vội bước lên tàu, mang theo vô số trái cây và rau quả. Những giỏ trái cây đều được nông dân địa phương hái vào buổi sáng, vẫn còn tươi, một số trái còn đọng sương.
Người dân thoát cái nghèo
Nữ nhân viên tàu Dương Ba cho biết cô rất tự hào khi là thành viên của đoàn tàu đặc biệt này. Cô cho biết các hành khách đều là khách quen của đoàn tàu từ nhiều năm nay. Bởi vì hầu như ngày nào cũng có những người đến đón tàu, Dương Ba biết ai lên xuống ở đâu, nhà ai trồng hoa quả gì.
Có một lần, một người nông dân bị giỏ cào xước tay chảy máu, Dương Ba đã mang thuốc khử trùng và băng gạc để băng bó cho ông. Dù chỉ là một hành động nhỏ nhưng không ngờ người nông dân này lại khắc sâu trong lòng, mỗi lần lên tàu ông đều mang theo vài nắm rau nhà trồng để tặng nữ nhân viên đoàn tàu.
Một lần khác, khi tàu đi qua ga Cẩm Hòa, một người nông dân trồng trái cây suýt bị lỡ chuyến tàu, nhờ được Dương Ba nhắc nhở và giúp đỡ, ông lão đã lên tàu suôn sẻ. Dương Ba sau đó đi kiểm tra vé, người nông dân già liên tục cảm ơn cô: "Nếu không có chuyến tàu của cô, chúng tôi sẽ nghèo mãi mãi!".
Sau hơn 10 năm làm việc trên đoàn tàu, Dương Ba có thể nói chính xác những người nông dân trên tuyến này trồng những nông sản gì trong mùa nào. Cô thích nhìn những người nông dân vui vẻ gánh các giỏ hàng tới mỗi buổi sáng và trở về với niềm vui bán được hàng vào buổi chiều.
Qua nhiều năm, các tuyến đường tàu không thay đổi, giá vé 1 nhân dân tệ mỗi điểm dừng không thay đổi, nhưng khung cảnh bên ngoài cửa sổ và những người trên tàu đã lặng lẽ thay đổi. Dương Ba nhớ rõ khi tàu mới khai trương, hầu hết các trang trại dọc tuyến đều là nhà gỗ, đường đất, bây giờ hầu như nhà nào cũng có đường xi măng trước cửa, ô tô đậu được.
Khát vọng đổi đời
Ga thứ tư mà đoàn tàu 7272 đi qua là ga Cẩm Hòa.
Ông Xương Nghi đã đến ga sớm, mang theo hai giỏ quất mới hái từ vườn cây ăn quả của mình. Ông mỉm cười vui vẻ nói: “Sau khi đến Đồng Nhân, tôi có thể bán lại với giá tốt".
Ông Xương Nghi năm nay đã ngoài 70 tuổi và trồng cây ăn trái được hơn 50 năm. Trước khi tàu mở cửa, hàng ngày ông chỉ có thể bán trái cây ở chợ địa phương, nếu may mắn, ông có thể kiếm được 20 đến 30 nhân dân tệ một ngày, nhiều khi gần như không bán được.
Mọi người đều biết rằng người dân địa phương ở Đồng Nhân, Quý Châu gần đó rất thích trái cây của họ. Tuy nhiên, nếu muốn đi xa như vậy phải đi một hành trình “dài hơi”, bao gồm bắt xe buýt, sau đó thuê xe công nông và lại chuyển xe khách. Một chuyến đi như vậy mất 4 tiếng đồng hồ cho một lượt đi và giá vé khứ hồi là 50 nhân dân tệ (khoảng 180 nghìn đồng).
Giao thông bất tiện đã bóp nghẹt kinh tế của thị trấn Cẩm Hòa, dù vùng này có núi non trùng điệp, sông suối đan xen, được mệnh danh là "xứ sở của cá và lúa" hay "vương quốc trái cây".
Người nông dân 70 tuổi nhớ rất rõ ngày 18/10/2006, đây là ngày đầu tiên tàu 7272 chính thức hoạt động. Trước bình minh, ông đã gom 50 kg quýt để mang lên tàu.
"Lúc đó tàu chỉ có vài người. Không giống bây giờ, tất cả các toa chất đầy giỏ lớn giỏ nhỏ". Ông cho biết ở Đồng Nhân ngày đó, cam quýt có giá 4 nhân dân tệ/kg, cao gấp 10 lần so với ở khu ông sống, và trong vòng chưa đầy một giờ, hàng đã được bán hết và giá vé tàu đến Đồng Nhân chỉ có 3 nhân dân tệ.
Hơn 10 năm qua, người đàn ông này đã đi tàu để bán trái cây tại Quý Châu, ông không chỉ kiếm đủ tiền cho 5 người con đi học mà gia đình ông còn xây được một tòa nhà ba tầng mới.
Thỉnh thoảng, ông dành vài ngày nghỉ và đi đến các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu bằng đường sắt cao tốc hoặc máy bay. "Tôi cũng muốn ra nước ngoài nhìn ngắm thế giới bên ngoài. Tôi từng xem thế giới bên ngoài trên TV. Bây giờ cuộc sống đã khá hơn nên tôi cũng muốn ra ngoài trải nghiệm", ông nói.
Ý nghĩa đặc biệt
Thời gian tàu 7272 đến Lan Kiều, Trùng Khánh là 11h10.
Vô số chuyến tàu chạy qua Lan Kiều mỗi ngày nhưng chỉ có chuyến 7272 dừng ở đây.
Thị trấn Lan Kiều nằm ở cực nam của huyện tự trị Tú Sơn, thành phố Trùng Khánh. Nó được mệnh danh là "Cổng phía Nam" của thành phố Trùng Khánh. Năm 2006, tuyến Du Hoài được hoàn thành và ga Lan Kiều đi vào hoạt động.
Nhân viên nhà ga Lý Tái Quân đã làm ở đây hơn 10 năm.
Lần đầu tiên nhận nhiệm vụ, anh Lý Tái Quân mới 28 tuổi. Ấn tượng đầu tiên của anh với Lan Kiều là sự nghèo khó. "Mỗi nhà đều là một căn nhà gỗ cũ kỹ, giá thịt và rau chỉ bằng một nửa ở Hoài Hóa. Hầu như tất cả thanh niên đều tới nơi khác làm việc".
Sau khi khai trương chuyến tàu 7272, nơi đây dần trở nên nổi tiếng. Một số thương lái đến từ Hoài Hóa và Quý Châu để mua nông sản rồi trở về bằng tàu hỏa. Rau tươi, heo con, gà, vịt, lươn, cá chạch, măng khô và các đặc sản địa phương khác đều nhận được đơn hàng do nhu cầu tăng cao.
Khi hàng hóa từ thị trấn được bán đi, những thứ khác từ bên ngoài cũng theo vào. Ở thị trấn Lan Kiều, người ta có thể bắt gặp những người từ bên ngoài nói giọng Hồ Nam và Quý Châu. Một số đến để làm ăn, một số đến thăm người thân, bạn bè...
Đêm giao thừa năm ngoái không có pháo hoa hay đoàn tụ gia đình. Tuy nhiên, anh Lý đã có một bữa tối đêm giao thừa đơn giản cùng đồng nghiệp tại nhà ga nhỏ. Anh tin rằng, vào dịp cuối năm, khi những người dân làng vất vả suốt một năm trở về và chứng kiến sự thay đổi của quê hương, chắc hẳn họ rất vui mừng.
Đối với anh và nhiều người khác, những chuyến tàu này tuy chậm nhưng vẫn có thể mang đến những điều tuyệt vời cho tất cả mọi người.
Tham khảo Sohu, Rednet
Tất Đạt