Hải Phòng: Điều chỉnh vốn các dự án trong kế hoạch đầu tư công năm 2024
Để bảo đảm tiến độ giải ngân vốn theo kế hoạch, TP. Hải Phòng thực hiện điều chỉnh vốn các dự án trong kế hoạch đầu tư công năm 2024.
Mới đây, kết luận phiên giải trình về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Thường trực HĐND TP. Hải Phòng đề nghị UBND TP. Hải Phòng chỉ đạo sở, ngành, địa phương rà soát, xây dựng và trình HĐND thành phố thông qua bảng giá đất 5 năm 2024-2029 theo quy định của Luật Đất đai 2024, bảo đảm đúng nguyên tắc, sát với thực tế, công khai minh bạch, tạo sự đồng thuận cao của người dân có đất thu hồi nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thi công các dự án. Đối với các dự án đã bố trí vốn nhưng không có khả năng giải ngân, sớm điều chỉnh cho các dự án khác để bảo đảm giải ngân trong năm 2024. Đối với các nhà thầu thi công xây dựng, đơn vị tư vấn đã được lựa chọn nhưng không đủ năng lực để thực hiện dự án cần sớm có phương án thay thế, bảo đảm tiến độ và chất lượng thi công các công trình.
Xã Mỹ Đức, huyện An Lão, TP. Hải Phòng đang đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: Thu Anh |
Tính đến trung tuần tháng 10/2024, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của TP. Hải Phòng đạt 9.447,348 tỷ đồng, bằng 56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và 47,3% kế hoạch thành phố giao. So với trước đó một tháng, việc giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến hơn khi số vốn giải ngân tăng thêm hơn 1000 tỷ đồng. Song kết quả này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, kế hoạch đề ra.
Trước thực tế này, để bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, chủ đầu tư dự án và Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP. Hải Phòng quyết định đề xuất, trình HĐND thành phố xem xét điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công (lần 4) năm 2024.
Theo đó, điều chỉnh giảm 93,852 tỷ đồng đối với 4 dự án gồm đầu tư xây dựng vườn hoa tại khu đất Công ty CP lương thực Đông Bắc (6,388 tỷ đồng); chỉnh trang sông Tam Bạc từ cầu Lạc Long đến cầu Hoàng Văn Thụ (66,122 tỷ đồng); dự án đầu tư xây dựng chỉnh trang đô thị tại khu vực bến xe Lạc Long cũ (11,342 tỷ đồng); hỗ trợ kinh phí dự án xây dựng trạm kiểm tra giám sát trên sông, vịnh thuộc Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Hải Phòng 10 tỷ đồng. Số vốn giảm của các dự án này sẽ được bổ sung cho dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố, hệ thống giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại khu đô thị Bắc sông Cấm (50 tỷ đồng) và dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm hội nghị - biểu diễn thành phố và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại khu đô thị Bắc sông Cấm (43,222 tỷ đồng); 630 triệu đồng vốn chuẩn bị đầu tư dự án mở rộng tuyến đường Lý Thái Tổ tại khu 1 Đồ Sơn và phát triển vùng phụ cận.
TP. Hải Phòng vừa điều chỉnh bổ sung vốn dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm hội nghị - biểu diễn thành phố và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại khu đô thị Bắc sông Cấm (43,222 tỷ đồng). Ảnh: Thu Anh |
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng - Nguyễn Ngọc Tú, việc điều chỉnh, bổ sung vốn cho các dự án đợt này bám sát chỉ đạo của Chính phủ, thành phố trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Đó là chủ động rà soát, điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn và còn thiếu vốn theo quy định. Mặt khác, việc điều chỉnh vốn cũng căn cứ từ đề xuất của các địa phương, đơn vị trên cơ sở khả năng giải ngân thực tế.
Năm 2024, kế hoạch vốn đầu tư công của TP. Hải Phòng (sau khi điều chỉnh, bổ sung lần 3) là 21.081,4 tỷ đồng. Hải Phòng đặt mục tiêu giải ngân tối thiểu đạt 95% kế hoạch vốn. Như vậy, từ nay đến tháng 1/2025, để bảo đảm kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, trung bình mỗi tháng cần giải ngân hơn 3.000 tỷ đồng. Do đó, hai tháng cuối năm 2024, cùng với rà soát, đánh giá kỹ tiến độ thực hiện, khả năng giải ngân của từng dự án, thành phố yêu cầu sở, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình được giao kế hoạch vốn. Nhất là rà soát kỹ, nắm bắt, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh.
Hiện, nhiều địa phương, sở, ngành đưa ra những giải pháp cụ thể như đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, đôn đốc đơn vị thi công, chủ động hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư cũng như quyết toán... Tiêu biểu, quận Kiến An, TP. Hải Phòng, chủ động, quyết liệt, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Tùng Lâm - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch, quận Kiến An thông tin: Tính đến ngày 20/11, quận tiến hành giải ngân 6/6 dự án thành phố giao, với tổng số vốn là 127,979 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch. Quận phấn đấu đến hết năm sẽ giải ngân đạt 100% kế hoạch thành phố giao.
Tương tự, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng - Lưu Văn Thụy cho biết, với 4 xã triển khai công trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2023 đến nay cơ bản hoàn thiện và huyện đang khẩn trương quyết toán, giải ngân. Đối với 7 xã được thành phố có kế hoạch, phân bổ vốn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu từ tháng 7-2024, huyện đang gấp rút hoàn thiện thủ tục đầu tư, trong tháng 11, 12 sẽ giải ngân hết theo kế hoạch vốn thành phố giao là 251 tỷ đồng.
Được phân bổ nguồn vốn đầu tư công 4.756 tỷ đồng, với 23 dự án, Ban Quản lý dự án các công trình giao thông Hải Phòng cũng giải ngân được khoảng 40%. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng - Đỗ Tuấn Anh cho biết: Để bảo đảm tiến độ giải ngân theo kế hoạch được giao, các tháng cuối năm, cùng với đẩy nhanh tiến độ các dự án khác, đơn vị tập trung cao thực hiện 2 dự án được giao kế hoạch vốn lớn gồm đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và đường vành đai 2; phấn đấu đến cuối tháng 11 sẽ đấu thầu thành công 2 dự án, có thể bảo đảm giải ngân hết số vốn được phân bổ.
Thực tế thời gian qua cho thấy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo TP. Hải Phòng sâu sát, quyết liệt, nhiều vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng các dự án, công trình được tháo gỡ. Nhờ đó, kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 10 có chuyển biến hơn so với tháng trước. Tuy nhiên, cũng từ phản ánh của các địa phương, chủ đầu tư các công trình, dự án, còn một số khó khăn, vướng mắc cần thành phố tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ, nhất là công tác giải phóng mặt bằng các dự án.