Bí thư TPHCM nói về 70 ngày ‘chạy nước rút’ giải ngân đầu tư công
Về công tác trọng tâm này của thành phố, Bí thư Thành uỷ TPHCM cho rằng sẽ có nhóm đi trước, về trước và được khen vào cuối năm nay, cũng có một nhóm hay những dự án cụ thể cần phải phê bình, kiểm điểm và quy trách nhiệm nếu do lý do chủ quan không triển khai thực hiện.
Sáng 20/10, Thành uỷ TPHCM tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố, trước bối cảnh công tác này gặp nhiều khó khăn và kết quả đạt được chưa như kỳ vọng.
Khai mạc hội nghị quan trọng này, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên nêu rõ, thành phố tổ chức hội nghị chuyên đề để thúc đẩy, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đề ra những giải pháp quyết liệt để cố gắng thực hiện hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra trong năm nay.
"Chúng ta đã trễ hẹn, trì hoãn và bị chậm rất nhiều kế hoạch đầu tư"
Theo ông, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác đầu tư phát triển thì tất cả đều biết rõ. Trong đó, nghị quyết của Bộ Chính trị, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết và chỉ đạo của Chính phủ cũng như trong điều hành của Chính phủ luôn đặt nó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và có chỉ đạo rất quyết liệt.
Nhận thức đúng tình hình này, nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Đảng bộ TPHCM khoá XI ngay từ đầu cũng đã đặt đầu tư và phát triển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để chỉ đạo.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Nên cũng nhìn nhận các năm 2020 - 2021 thành phố gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19. Năm 2022, thành phố tập trung phục hồi, phát triển kinh tế và những hoạt động có liên quan đến khắc phục khó khăn làm ảnh hưởng đến việc chuẩn bị, triển khai các bước thực hiện cho việc triển khai kế hoạch đầu tư và đầu tư công.
Sang năm nay, ngay từ đầu năm, Thành uỷ, UBND, HĐND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cũng như các cấp thành phố đều quan tâm công tác chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư bởi “chúng ta đã trễ hẹn, trì hoãn và bị chậm rất nhiều kế hoạch đầu tư do ảnh hưởng nêu trên”.
Cũng theo người đứng đầu Đảng bộ TPHCM, nhưng khi vào quý I năm nay, thành phố khởi động và triển khai có độ chậm và tiến độ lúc đó cũng chậm giải ngân. Đến quý II bắt đầu chuyển biến và cho đến tháng 9, ngồi tính lại tốc độ giải ngân của thành phố chậm so với bình quân chung cả nước.
“Đến đây, chúng ta đã trải qua những việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, kiểm tra, uốn nắn, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn”, ông Nên nhấn mạnh và cho biết trước đó, Ban Thường vụ Thành uỷ phải lập từng đoàn đến từng địa bàn, từng dự án, nhất là những địa bàn trọng tâm để tiến tới thực hiện. Dù vậy, tiến độ đến giờ này vẫn chưa đạt như mong muốn, kế hoạch đề ra.
“Ban Thường vụ tổ chức họp chuyên đề chung vì chúng ta đã làm những việc cần làm rồi nhưng chưa ngồi lại để đánh giá chung, sâu sắc và hệ thống nhất, tìm ra đúng nguyên nhân. Cần bấm trúng nút để tạo chuyển biến. Cuộc họp này để nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói sự thật, chỉ ra những điểm yếu, nguyên nhân, dự án nào yếu chỗ nào, thậm chí cụ thể do cái gì, do ai… Đây không phải là cuộc kiểm điểm nhưng ít ra cũng phải nhìn thẳng sự thật, không tránh né và chỉ ra nguyên nhân để có giải pháp khắc phục”, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Từ đó, ông cho rằng có nhóm sẽ đi trước, về trước và được khen vào cuối năm nay, cũng có một nhóm hay những dự án cụ thể cần phải phê bình, kiểm điểm và quy trách nhiệm nếu do lý do chủ quan không triển khai thực hiện.
70 ngày nước rút
Ông Nguyễn Văn Nên cũng nêu rõ, việc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho công tác trọng tâm của thành phố chỉ còn khoảng 70 ngày nữa. Đồng thời, cũng để làm rõ và chuẩn bị cho đầu tư của năm 2024. “Không để trễ nữa, nếu chuẩn bị và khởi động sớm và giao nhiệm vụ sớm thì chắc chắn chúng ta sẽ không bị dồn vào thời gian cuối năm như năm nay nữa”, ông Nên nêu rõ.
Ông Nguyễn Văn Nên ghi nhận việc quan trọng là thành phố đã thực hiện được việc phân chia ra từng nhóm dự án: Nhóm dự án hoàn thành/ hoàn thành sớm và khả năng sẽ hoàn thành ngay trong năm nay còn khoảng 1.000 - 1.500 dự án; nhóm nếu có tác động sẽ hoàn thành ở mức độ cao, có khoảng trên 300 dự án. Và nhóm thứ ba khoảng 322 dự án khó khăn, với phần lớn là dự án lớn, có tính chất quyết định đến tỷ lệ chung của thành phố.
Bí thư Thành uỷ TPHCM cho hay, năm nay số vốn giao cho thành phố lớn hơn năm trước. Theo đó, nếu cả nước khoảng 720.000 tỷ đồng thì TPHCM cũng trên 70.000 tỷ (gần 10% số vốn của cả nước). Số dự án của TPHCM nhiều hơn, trong đó có nhiều dự án kéo dài có những khó khăn vướng mắc do đó công sức bỏ ra là rất lớn.
“Trong đánh giá cần hết sức khách quan và thấu đáo, không né tránh, không đổ lỗi và từng đồng chí, từng lĩnh vực, địa phương, từng dự án phải nhìn nhận rõ để quyết tâm và cam kết với nhau rằng 70 ngày nữa chúng ta sẽ làm gì, làm như thế nào, cần sự chỉ đạo, tác động gì thì đề xuất, kiến nghị luôn”, Bí thư Thành uỷ TPHCM lưu ý và cho rằng thành phố đều làm được, không có tình huống nào, khó khăn gì không làm được, trừ những điều vượt tầm.
Ông đề nghị trong kiểm điểm, đánh giá hôm nay phải bình tĩnh, đánh giá hết sức khách quan, rõ ràng, rành mạch để đề ra giải pháp khả thi để tạo chuyển biến trong thời gian còn lại.
Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM, tổng số vốn đầu tư công năm 2023 thành phố được Thủ tướng Chính phủ giao là hơn 70.500 tỷ đồng. Hiện nay, số vốn UBND thành phố thực hiện điều chỉnh, giao bổ sung là hơn 68.400 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu mức vốn đầu tư công năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao.
Số liệu cung cấp của Kho bạc Nhà nước TPHCM cho hay, tính đến hết ngày 6/10, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 của thành phố đã giải ngân là 22.014 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 32% tổng số vốn đã giao.
Về khả năng giải ngân, có 1.807 dự án đã được các chủ đầu tư xác định sẽ giải ngân đạt 95% kế hoạch vốn đầu tư được giao với tổng kế hoạch vốn được giao là gần 28.000 tỷ đồng.
Theo Ngô Tùng
Tiền phong