Bản tin quân sự thế giới ngày 23/12/2024: Mỹ và NATO có khả năng chặn được tên lửa Oreshnik?
Bản tin quân sự thế giới ngày 23/12/2024: Mỹ và NATO có khả năng chặn được tên lửa Oreshnik qua đánh giá của cựu lãnh đạo không quân Đức là không thể.
Đức đánh giá cơ hội của Mỹ và NATO ngăn chặn tên lửa Oreshnik; Mỹ ký hợp đồng lịch sử mua máy bay F-35… là một trong những nội dung chính của bản tin quân sự quốc tế hôm nay.
Đức đánh giá cơ hội của Mỹ và NATO ngăn chặn tên lửa Oreshnik
Mỹ và NATO có hệ thống tên lửa phòng không Patriot thế hệ mới, nhưng khó có khả năng chống lại thành công “cơn mưa đầu đạn” trên tên lửa Oreshnik của Nga. Điều này đã được tuyên bố bởi chuyên gia, Trung tá đã nghỉ hưu của đơn vị phòng không quân đội Đức, Jürgen Rose trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin RIA Novosti.
Theo ông Jürgen Rose, vấn đề là trong trường hợp có một cuộc tấn công trong tương lai, không phải một hoặc một số tên lửa có thể được bắn với cảnh báo trước con số này sẽ là một vài hoặc nhiều hơn. Việc Mỹ phát triển vũ khí đánh chặn động năng và chương trình phòng thủ tên lửa không làm thay đổi tình hình.
Tên lửa Oreshnik hiện tại vẫn không có phương tiện nào có thể ngăn chặn, đó là đánh giá chung của NATO. Ảnh: Rian |
Ông Jürgen Rose nhấn mạnh: “Tên lửa Oreshnik di chuyển với tốc độ gấp mười lần tốc độ âm thanh; sẽ vô cùng khó khăn để đánh chặn chúng, vì thời gian để đánh bại thành công là rất ngắn”.
Ngoài ra, mặc dù Mỹ có căn cứ đồn trú ở Ba Lan và Romania có thể đánh chặn tên lửa bay qua Ukraine, nhưng Oreshnik có những đặc điểm khác. Đây là tên lửa tầm trung có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố dây chuyền lắp ráp tên lửa Oreshnik đã đi vào hoạt động. Trước đó, nhà lãnh đạo Nga gọi việc tạo ra tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik là một sự kiện lịch sử trong lĩnh vực tên lửa và không gian. Ông nhấn mạnh rằng, chưa có dòng vũ khí như vậy từng xuất hiện.
Mỹ ký hợp đồng lịch sử mua máy bay F-35
Theo hãng tin quân sự Defense News, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đặt mua 145 máy bay chiến đấu F-35 bao gồm nhiều phiên bản khác nhau với giá 11,7 tỷ USD từ tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin.
Căn cứ vào thông tin được Lầu Năm Góc công bố, Lockheed Martin đã được “trao thưởng một hợp đồng giá cố định vô thời hạn không thể vượt quá”. Báo cáo cho biết: “Theo hợp đồng đã được ký trước đó (N0001923C0003), tổng giá trị lên tới 11.762.911.991 USD”.
Trước đó, Bộ trưởng Không quân Hoa Kỳ Frank Kendall cho biết, nước này không có kế hoạch từ bỏ việc tiếp tục sử dụng máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35, bất chấp những lời chỉ trích về nó, đặc biệt là từ doanh nhân Mỹ Elon Musk.
Không quân Mỹ đặt mua số lượng lớn máy bay F-35. Ảnh: Defense News |
Máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 do Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất gồm 3 phiên bản là F-35A, F-35B, F-35C, được cho là sự kết hợp hoàn hảo giữa hệ thống vũ khí tầm xa, cảm biến hiện đại, kỹ thuật tàng hình và hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh, là dòng máy bay tiêm kích “làm thay đổi cuộc chơi”. Lầu Năm Góc quảng cáo F-35 là “loại máy bay có khả năng sát thương, yểm trợ và sống sót cao nhất từng được sử dụng”. Theo Defense One, F-35 là chương trình vũ khí đắt đỏ nhất thế giới, ước tính lên tới hơn 2.000 tỷ USD.
Tạp chí Air & Space Forces Magazine thông tin, hiện có gần 1.000 chiếc F-35 đang hoạt động trên toàn cầu. Đến nay, các quốc gia đang vận hành hoặc mua F-35 là Mỹ, Anh, Canada, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Bỉ, Hà Lan, Ba Lan, Italy, Thụy Sĩ, Đức, CH Séc, Israel, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và Hy Lạp.
Nga: Hệ thống Pantsir được các quốc gia Đông Nam Á quan tâm tại Hà Nội
Hãng thông tấn TASS của Nga đăng tải, các quốc gia Đông Nam Á (SEA) đang tỏ ra rất quan tâm đến tổ hợp phòng không Pantsir, được thiết kế để bảo vệ các vật thể khỏi các cuộc tấn công quy mô lớn bằng máy bay không người lái.
“Cả thế giới giờ đây đều thấy các thiết bị và vũ khí quân sự của Nga đã chứng tỏ bản thân tốt như thế nào, tức là đây không phải là những lời nói suông hay khẩu hiệu quảng cáo mà đây là công dụng chiến đấu thực sự. Và thế hệ mới của hệ thống Pantsir nổi tiếng mà chúng tôi đang giới thiệu đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các đối tác nước ngoài”, lãnh đạo Công ty Tổ hợp có độ chính xác cao phát biểu bên lề Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra tại Hà Nội.
Nga mang tới Việt Nam, hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-SMD-E, có thể phát hiện và đánh trúng các mục tiêu trên không ở tầm trung và ngắn. Tổ hợp này có khả năng mang tới 48 tên lửa đánh chặn tầm ngắn hoặc 12 tên lửa phòng không dẫn đường tiêu chuẩn.
Hệ thống pháo tên lửa phòng không Pantsir đã minh chứng được hiệu quả trong chiến đấu. Ảnh: Getty |
Pantsir-SMD-E, của hãng thiết kế Tula KBP thuộc Tập đoàn Rostec, đã "tỏa sáng" tại Diễn đàn Kỹ thuật Quân sự Quốc tế Army-2024. Điều làm Pantsir-SMD-E khác biệt với các "đàn anh" trong gia đình Pantsir là phiên bản này không có pháo tự động 30 mm.
Thay vào đó, Pantsir-SMD-E mang theo 48 tên lửa phòng không tầm ngắn hoặc 12 tên lửa phòng không tiêu chuẩn nhằm mục đích đánh chặn những bầy đàn máy bay không người lái (UAV/drone) phiền nhiễu, và thậm chí có thể giải quyết cả các mối đe dọa lớn hơn.
Radar của hệ thống đã được cải thiện với việc bổ sung radar phát hiện băng tần J hoặc Ka sử dụng công nghệ radar mảng pha chủ động có thể phát hiện các drone cỡ nhỏ ở cự ly 5-7km và các mục tiêu lớn hơn ở cự ly đến 10km. Ngoài ra, hệ thống radar có khả năng phát hiện mục tiêu có tiết diện radar (RCS) là 1m2 ở phạm vi tối đa 45 km.
Vào tháng 8, đại diện của Cục thiết kế thiết bị Tula, nơi phát triển Pantsir, cho biết, Pantsir-SMD-E có trọng lượng nhẹ nên phù hợp để lắp đặt trên nóc các tòa nhà.