Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bà Rịa - Vũng Tàu: Xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030 sẽ khai Xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối giữa hạ tầng giao thông đường bộ với hệ thống giao thông hàng hải, cảng biển, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng không... trong nội tỉnh và liên kết thông suốt với các địa phương.

Theo đó, đối với quy hoạch đường bộ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai các dự án phát triển mạng lưới đường bộ quốc gia trên địa bàn thực hiện theo Quyết định 1454 ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, gồm: Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, quốc lộ 55, quốc lộ 56, quốc lộ 51, quốc lộ 51C và đường Ven biển.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ

Hệ thống hạ tầng giao thông tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn được quan tâm hàng đầu trong quy hoạch phát triển kinh tế

Đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu có 22 tuyến đường tỉnh, trong đó có 12 tuyến hiện hữu và 10 tuyến bổ sung theo quy hoạch. Trong đó, đối với 12 tuyến đường tỉnh hiện hữu cơ bản giữ nguyên vị trí, hướng tuyến của 12 đường tỉnh; đầu tư nâng cấp, điều chỉnh hướng tuyến một số đoạn và xây dựng nối dài các đoạn tuyến chưa được hình thành để đảm bảo các thông số kỹ thuật, tạo thuận lợi trong đầu tư và hình thành mạng lưới giao thông thông suốt.

Đối với 10 tuyến đường tỉnh bổ sung mới được điều chỉnh từ một số đường hiện hữu, nâng cấp và đầu tư các đoạn mở mới để hình thành mạng lưới giao thông thông suốt, gồm: ĐT.992B (đường Phước Hòa-Cái Mép); ĐT.992C (đường 965); ĐT.994B (đường trục chính Bà Rịa - Vũng Tàu); ĐT.994C (đoạn đường QL.51 chuyển thành đường địa phương); ĐT.994D (Đường 30/4); ĐT.994E (đường Hoàng Sa); ĐT.995C (Nghĩa Thành - Cù Bị); ĐT.996D (Châu Đức-Long Điền); ĐT.999B (Hồ Cốc - Hòa Hiệp); Đường vòng huyện Côn Đảo.

Đến 2030, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quy hoạch các luồng hàng hải: Luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải; luồng từ phao số 0 vào khu bến cảng container Cái Mép; luồng hàng hải đoạn từ thượng lưu CMIT đến thượng lưu bến cảng Tân Cảng Cái Mép (TCIT, TCTT); luồng hàng hải đoạn từ thượng lưu bến cảng Tân Cảng Cái Mép đến cảng Phước An; luồng hàng hải sông Dinh; luồng hàng hải Côn Sơn - Côn Đảo; luồng hàng hải bến Đầm - Côn Đảo; luồng vào cầu cảng Hydrocarbon.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với lợi thế tự nhiên là có cảng biển và cảng sông giúp phát triển mạnh trong lĩnh vực Logistics

Cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu có 7 khu bến và các bến cảng ngoài khơi, thực hiện theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Đối với đường thủy nội địa, phát triển hệ thống cảng thủy nội địa theo Quyết định số 1829/QĐ-TTg ngày 31/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hành lang vận tải thuỷ nội địa kết nối với Bà Rịa - Vũng Tàu, bao gồm: Tuyến Vũng Tàu - Thị Vải - Thành phố Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ; Tuyến Vũng Tàu (khu cảng biển Cái Mép Thị Vải) - TP. Hồ Chí Minh - Tây Ninh; Tuyến vận tải thủy ven bờ phục vụ vận chuyển sang hàng từ các cảng biển của tỉnh đi về khu vực Tây Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh.

Phát triển tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh (khu vực đất liền) được quy hoạch trên 25 con sông - rạch lớn nhỏ với các cấp từ cấp I đến cấp VI, tổng chiều dài các đoạn luồng vận tải thủy là 110,19 km. Duy trì 50 cảng, bến thuỷ nội địa hiện hữu trên đất liền và 29 cảng bến tại Côn Đảo đang hoạt động; quy hoạch 44 cảng, bến thuỷ nội địa, gồm 14 cảng bến đã có trong quy hoạch thời kỳ trước, đang triển khai thủ tục đầu tư và bổ sung quy hoạch 30 cảng, bến thuỷ nội địa mới.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quy hoạch 2 sân bay chuyên dùng sẽ mạng lại lợi thế trong lĩnh vực du lịch của tỉnh

Đối với đường sắt, tỉnh quy hoạch đường sắt quốc gia với việc xây dựng tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu; quy hoạch đường sắt kết nối cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đề xuất 2 nhánh kết nối vào các khu vực cảng biển và trung tâm logistics với nhánh 1 dài 5,3 km kết nối vào khu cảng biển Thị Vải, nhánh 2 dài 9,1 km kết nối vào khu cảng biển Cái Mép và trung tâm logistics Cái Mép Hạ.

Đường sắt đô thị, tỉnh quy hoạch sau năm 2030, xây dựng 3 tuyến đường sắt đô thị, trong đó, tuyến số 1 là tuyến hoạt động chính trên đường ven biển và bao quanh khu nội thành của thành phố Vũng Tàu; Tuyến số 2 là kết nối các đô thị ven biển Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Lộc An, Hồ Tràm, Bình Châu; Tuyến số 3 kết nối Vũng Tàu - Bà Rịa - Phú Mỹ (tuyến này có phương án kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành thuộc tỉnh Đồng Nai).

Đối với Cảng hàng không/sân bay, tỉnh phát triển cảng hàng không Côn Đảo về quy mô, cấp sân bay, công suất thiết kế, diện tích đất dự kiến thực hiện theo Quyết định số 648 ngày 07/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch 02 sân bay chuyên dùng: Sân bay Gò Găng thay thế sân bay Vũng Tàu hiện nay để chuyển sang mục đích phát triển thương mại dịch vụ theo Quyết định 586/QĐ-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Vũng Tàu đến năm 2035; là sân bay cấp 3C, diện tích đất dự kiến khoảng 248,5 ha. và quy hoạch Sân bay Đất Đỏ là sân bay cấp 4C, diện tích đất dự kiến khoảng 244,3ha.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ
Tuyến đường kết nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn Vũng Vằn - đường DT994 được phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng kinh phí gần 5.200 tỉ đồng

Tỉnh phát triển 3 cụm cảng cạn, gồm: Cụm cảng cạn Phú Mỹ - Cái Mép phục vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu tại các khu, cụm công nghiệp như KCN Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2, các KCN lân cận và phân phối hàng tiêu dùng cho các khu vực.

Cụm cảng cạn Mỹ Xuân phục vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu tại các các khu, cụm công nghiệp như KCN Mỹ Xuân 1, Mỹ Xuân 2, Mỹ Xuân B1-Conac, Mỹ Xuân B1-Tiến Hùng, Mỹ Xuân B1-Đại Dương, các KCN lân cận và phân phối hàng tiêu dùng cho các khu vực;

Cụm cảng cạn Phước Hòa phục vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu tại các các khu, cụm công nghiệp như Phú Mỹ 3, KCN Cái Mép, KCN Long Hương, các KCN lân cận và phân phối hàng tiêu dùng cho các khu vực.

Ngoài ra, tỉnh chú trọng đối với các công trình giao thông khác như xây dựng các cầu lớn vượt sông: Sông Thị Vải (cầu Phước An); Sông Mỏ Nhát (cầu Mỏ Nhát 2 trên đường 991B); Rạch Ông (cầu Rạch Ông trên đường 991B); Sông Cửa Lấp (cầu Cửa Lấp trên ĐT.994); Sông Dinh (cầu trên đoạn tuyến tránh TP.Bà Rịa của QL.51, thêm 1 đơn nguyên cầu Gò Găng trên ĐT.994); Sông Rạng (cầu trên ĐT.994); Sông Chà Và (thêm 1 đơn nguyên cầu Chà Và trên ĐT.994); Sông Cỏ Mây (cầu trên ĐT.994B); Rạch Cây Khế (cầu trên ĐT.994B).

Xây dựng 2 hầm đường bộ trên địa bàn huyện Côn Đảo: Hầm xuyên núi Lò Vôi và hầm xuyên núi Nhà Bàn. Xây dựng bến xe, dự kiến đến năm 2030, toàn tỉnh có 20 bến xe, gồm: thành phố Vũng Tàu 2 bến, thành phố Bà Rịa 3 bến, thị xã Phú Mỹ 2 bến, huyện Châu Đức 4 bến, huyện Long Điền và Đất Đỏ 6 bến, huyện Xuyên Mộc 3 bến. Xây dựng mới các trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc và các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá, việc quy hoạch xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, liên hoàn, kết nối hợp lý với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh, tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của tỉnh, hội nhập mạnh hơn với cả vùng, cả nước và quốc tế, phù hợp với yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu trong tương lai.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...