Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thống đốc Ngân hàng nói gì về việc cấp tín dụng cho bất động sản?

Liên quan đến việc nhiều kiến nghị nới “room” tín dụng vào bất động sản, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, dự án bất động sản hoàn toàn do các tổ chức tín dụng quyết định trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng.

Vốn cho bất động sản không chỉ dựa vào tín dụng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, để cải thiện tiếp cận tín dụng, cần triển khai đồng bộ các giải pháp khác từ các bộ, ngành và các địa phương. Chẳng hạn, đối với lĩnh vực bất động sản , khó khăn pháp lý phải được giải quyết thì các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ mới phát huy, doanh nghiệp mới chứng minh được có dòng tiền trả nợ theo kỳ hạn mới.

Thống đốc Ngân hàng nói gì về việc cấp tín dụng cho bất động sản? - Ảnh 1.

Tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn cho vay bất động sản để đảm bảo thanh khoản (ảnh: Như Ý).

Về kiến nghị nới room tín dụng nhằm cho phép các doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, đồng thời người mua nhà cũng có điều kiện vay vốn để mua nhà, Thống đốc NHNN cho rằng thực tế những năm qua, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản thường cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế - ngay cả trong quý I vừa qua khi tín dụng tăng trưởng chậm.

"Việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, dự án bất động sản hoàn toàn do các tổ chức tín dụng quyết định trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng. Những tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng không chạm trần tăng trưởng tín dụng", Thống đốc NHNN nói.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, với đặc thù tín dụng bất động sản thường có kỳ hạn dài, số tiền lớn nên khi cấp tín dụng, các tổ chức tín dụng phải cân đối trên cơ sở thực tế huy động vốn và cân đối sử dụng vốn để đảm bảo cấp tín dụng nhưng vẫn đảm bảo thanh khoản, sẵn sàng chi trả cho người gửi tiền.

Với tính chất dài hạn, nguồn vốn cho doanh nghiệp, dự án kinh doanh bất động sản ngoài vốn tín dụng, cần tăng cường huy động từ các nguồn vốn khác như FDI, trái phiếu doanh nghiệp (đây là những vấn đề Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang tập trung chỉ đạo để phát triển lành mạnh, bền vững).

Theo báo cáo của NHNN, tính đến ngày 31/3, tín dụng đối với các lĩnh vực bất động sản lại tăng 2,19%, trong đó kinh doanh bất động sản tăng 6,45%, phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 0,25%.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết thời gian qua, việc giảm lãi suất là một trong những chính sách rất quan trọng, có ý nghĩa thiết thực giúp các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh của mình.

Ngoài ra, NHNN luôn tạo điều kiện cho thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu qua những chỉ đạo, điều hành hiện nay. Tốc độ tăng của kinh doanh bất động sản hiện nay rất cao (9,78%) trong khi tín dụng chung của nền kinh tế tăng 3,24% tính đến thời điểm hiện nay.

Bên cạnh đó, gói 120 nghìn tỷ cho bất động sản cho 3 đối tượng ưu tiên và rất nhiều gói khác của các ngân hàng thương mại triển khai, đặc biệt là khối ngân hàng thương mại nhà nước.

NHNN chỉ đạo giãn hoãn nợ, kéo dài thời hạn trả nợ cho các doanh nghiệp có khó khăn đến kỳ hạn chưa trả nợ được, kể cả lãi và gốc 1 năm.

Thị trường bất động sản: Còn khó!

Tại báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, thời gian vừa qua, nhiều thông tin xã hội không chính xác, không chính thống gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, đặc biệt là các thông tin về tài chính, tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu, xử lý vi phạm tại một số doanh nghiệp đã gây tâm lý hoang mang cho khách hàng, nhà đầu tư; gây khó khăn cho doanh nghiệp; ảnh hưởng xấu đến thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán.

Điều này ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư dẫn đến e ngại, nghe ngóng, tạm dừng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản mà chuyển sang các kênh đầu tư khác; Ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp và dự án đang kinh doanh không bán được hàng, không có dòng tiền, khó khăn trong thanh khoản.

Theo số liệu của các địa phương có báo cáo, tổng lượng tồn kho bất động sản trong quý I/2023 vào khoảng 18.808 căn, nền (bao gồm chung cư, riêng lẻ, đất nền), trong đó: chung cư (2.572 căn); nhà ở riêng lẻ (9.123 căn); đất nền (7.113 nền). Tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở loại bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.

Tính đến nay, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã nhận được 58 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp và người dân (gồm: 3 văn bản của 2 địa phương - Đồng Nai có 2 văn bản, Sóc Trăng có 1 văn bản; 50 văn bản của 37 doanh nghiệp; 5 văn bản của người dân) liên quan đến 115 dự án bất động sản.

Tổ công tác đã nghiên cứu, rà soát và xử lý theo thẩm quyền 50 kiến nghị, trong đó đã gửi 48 văn bản tới UBND các tỉnh, thành phố và 2 văn bản gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài nguyên và Môi trường để giải quyết theo thẩm quyền.

Theo Ngọc Mai

Tiền Phong


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...