Lại lo lãi suất cho vay tăng
Sức ép lạm phát khiến lãi suất cho vay nhích nhẹ ở một số ngân hàng.
Các doanh nghiệp (DN) cho biết chưa kịp mừng vì hoạt động sản xuất - kinh doanh bắt đầu khôi phục sau giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19 nay lại phải đối mặt bài toán về chi phí đầu vào tăng, bao gồm cả chi phí lãi vay do lãi suất tăng.
Tăng vay mượn để bù chi phí
Theo số liệu từ Ngân hàng (NH) Nhà nước, tính đến ngày 10-3, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 3,11% - cao hơn khoảng 2 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái. Sự phục hồi mạnh mẽ của tín dụng trong những tháng đầu năm 2022 phản ánh nhu cầu vốn của DN gia tăng.
Kết quả điều tra xu hướng tín dụng của NH Nhà nước cho thấy tín dụng quý I/2022 có thể tăng 5,3% và cả năm là 14,1%. Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng hồi phục mạnh so với cùng kỳ năm ngoái khi các DN phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh. Dù vậy, DN lo ngại lãi vay có thể tăng khi lãi suất đầu vào đang nhích lên, lạm phát và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chính thức tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm %, đồng thời hứa hẹn sẽ có thêm những đợt tăng khác trong năm nay.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP HCM, cho biết năm ngoái, nhiều DN không dám đẩy mạnh vay vốn NH vì lo ngại dịch Covid-19 nhưng thời điểm này, kinh tế phục hồi giúp nhu cầu tín dụng tăng cao hơn. Có điều, chưa kịp trở lại "đường đua" thì DN lại vấp phải khó khăn khi giá nguyên vật liệu tăng mạnh. Riêng ngành cao su - nhựa, giá nguyên vật liệu đầu vào đã tăng thêm 10%-30%, thậm chí một số loại tăng tới 50% khi Trung Quốc áp dụng biện pháp kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, ảnh hưởng chuỗi cung ứng. Điều này buộc DN phải vay vốn nhiều hơn nhằm bù đắp phần chi phí tăng thêm để giữ sản lượng như cũ.
"Trong khi đó, một số DN trong hội cho biết phía NH đã thông báo áp dụng lãi suất cho vay tăng thêm từ 0,5 - 1 điểm % so với năm ngoái. Với mức lãi vay hiện tại, DN vẫn chấp nhận được nhưng nếu tiếp tục tăng trong thời gian tới sẽ rất khó khăn cho DN" - ông Quốc Anh bày tỏ.
Ông Trương Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), kiến nghị cơ quan quản lý tiếp tục có chính sách duy trì mặt bằng lãi suất ổn định. Nếu có thể thì giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.
Trước đó, ông Nguyễn Vũ Hoàng, Giám đốc truyền thông Hãng Hàng không Vietravel Airlines, cho hay hãng vừa gửi văn bản đề xuất triển khai đẩy nhanh gói hỗ trợ tín dụng cho DN hàng không (không phân biệt nhà nước hay tư nhân). Đồng thời, kiến nghị Chính phủ có gói hỗ trợ tín dụng cho hãng hàng không vay với lãi suất 0% hoặc lãi suất ưu đãi với thời gian trả nợ dài hạn 3-5 năm để sớm phục hồi sau giai đoạn khó khăn.
Sản xuất - kinh doanh hồi phục nhưng giá nguyên liệu tăng, buộc doanh nghiệp phải tăng cường vay vốn để bù đắp chi phí thiếu hụt. Ảnh: TẤN THẠNH
Vẫn trong tầm kiểm soát
Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy lãi suất huy động dành cho DN đã nhích lên tại một số NH lớn như MB, Techcombank với mức tăng 0,2 điểm % ở các kỳ hạn trên 6 tháng. Từ đầu tháng 2-2022, nhiều NH thương mại khác đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng tăng ở các kỳ hạn thêm khoảng 0,1 - 0,2 điểm %. Việc này có thể gây áp lực lên lãi suất cho vay.
Tuy vậy, một lãnh đạo NH TMCP Bản Việt khẳng định thanh khoản của hệ thống thời điểm này cơ bản là tốt, các biện pháp của NH Nhà nước cũng khá rõ ràng, dứt khoát nên nguồn vốn của NH thương mại chưa bị áp lực phải tăng lãi suất huy động lên cao hơn.
"Tôi cho rằng NH Nhà nước vẫn sẽ thận trọng quản lý tốc độ tăng tín dụng của NH thương mại dưới rủi ro lạm phát. Trong khi đó, nhu cầu tín dụng tăng nhưng chưa nóng và bản thân các NH cũng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chi phí quản lý, hoạt động để duy trì mặt bằng lãi suất ổn định. Do đó, lãi suất cho vay chưa bị áp lực đẩy tăng lên" - vị lãnh đạo NH Bản Việt nhận xét.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển, lãi suất cho vay hiện được các NH thương mại áp dụng theo cung - cầu thị trường và có sự cạnh tranh rất lớn giữa NH thương mại trong nước và NH nước ngoài đang hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam. Vì vậy, đang có sự phân hóa rất lớn về lãi suất cho vay giữa các NH thương mại đối với DN. Đơn vị nào có dự án tốt, tài chính tốt sẽ có mức lãi suất vay thấp và ngược lại. Do đó, với các DN, lúc này bên cạnh việc ổn định lãi suất thì cần tái cấu trúc, có phương thức đầu tư, kinh doanh và quản lý tài chính phù hợp trong giai đoạn phục hồi sau dịch.
"Lãi suất cho vay có thể đã chạm đáy thời gian qua và khó giảm thêm trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng, lãi suất đầu vào đi lên và bài toán về nợ xấu tiềm ẩn của hệ thống NH… Vì vậy, vấn đề quan trọng lúc này là NH Nhà nước phải kiểm soát để dòng vốn tín dụng đổ đúng vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất - kinh doanh thay vì chảy vào những lĩnh vực rủi ro như bất động sản. Nếu giảm lãi suất cho vay mà DN sản xuất - kinh doanh không tiếp cận được, không được hưởng lợi mà chảy sang bất động sản sẽ không có nhiều ý nghĩa" - TS Đinh Thế Hiển đánh giá.
Ở góc độ vĩ mô, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực kiến nghị cần tiếp tục tăng cường phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và điều hành giá cả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Cụ thể, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; phối hợp, kết hợp tốt với chính sách tài khóa, bảo đảm ổn định mặt bằng lãi suất và tỉ giá để góp phần kiềm chế lạm phát theo mục tiêu.
"NH Nhà nước cần theo sát, phân tích và dự báo diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế; xây dựng kịch bản nếu FED tăng nhanh lãi suất dẫn tới những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu; xây dựng lộ trình và phối hợp thực thi kế hoạch tăng giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, đặc biệt là xăng dầu, điện, dịch vụ y tế - giáo dục…, một cách phù hợp, tránh giật cục, không phù hợp thời điểm nhằm giảm thiểu tâm lý lạm phát" - TS Cấn Văn Lực góp ý.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho hay ngành NH trên địa bàn TP sẽ tổ chức thực hiện tốt cơ chế, chính sách về tiền tệ - tín dụng và lãi suất nhằm bảo đảm ổn định lãi suất và thị trường tiền tệ. Đây là yếu tố quan trọng, không chỉ tạo điều kiện hỗ trợ DN mà còn thực hiện tốt chương trình phục hồi kinh tế.
Bản thân các NH thương mại cũng cần tăng cường biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động, giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ DN. Đây là giải pháp chủ động, các NH có thể triển khai mà không phụ thuộc nhiều vào yếu tố thị trường.