Fed gặp vấn đề lớn khi người Mỹ quá căm ghét lạm phát: Hồng tâm 2% được đặt lên bàn cân
Trong nhiều năm, Fed đã nhắm đến mục tiêu lạm phát 2%. Nhưng một số nhà kinh tế cho rằng mức 4% sẽ giúp Fed có thêm cơ hội để thoát khỏi suy thoái.
Sau cuộc họp chính sách tháng 6, các nhà hoạch định chính sách của Fed đang sẵn sàng cho việc giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ. Và lạm phát chính là nguyên nhân lớn nhất. Thước đo giá tiêu dùng ưa thích của Fed trong tháng 4 tuy có dấu hiệu giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng của các nhà đầu tư đặt ra hồi đầu năm.
Trước đại dịch, lạm phát cao có lẽ đã được nhiều nhà kinh tế coi là một vấn đề cấp cao.
Lạm phát thấp, lãi suất cực thấp và sự phục hồi kinh tế ảm đạm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã khiến một số nhà kinh tế nổi tiếng thúc đẩy tỷ lệ lạm phát mục tiêu cao hơn nhiều so với mức 2%.
Vấn đề là lãi suất tự nhiên thực (lãi suất được điều chỉnh theo lạm phát vừa đủ để giữ cho nền kinh tế vận hành trơn tru) đã giảm. Nó đặt nền kinh tế vào tình thế ngặt nghèo: Nếu suy thoái kinh tế xảy ra, Fed không có nhiều cơ hội để cắt giảm lãi suất trước khi nó chạm mức 0. Họ sẽ cần chuyển sang những phương án kém hiệu quả hơn như mua bán tài sản. Kết quả là quá trình phục hồi kinh tế sẽ bị đình trệ, hàng triệu công nhân lại rơi vào tình trạng thất nghiệp kéo dài.
Nhưng tỷ lệ lạm phát cao hơn theo thời gian sẽ cho phép Fed ấn định lãi suất cao hơn. Sau đó, khi nền kinh tế gặp khó khăn, ngân hàng trung ương sẽ có nhiều cơ hội hơn để cắt giảm lãi suất trước khi chạm mức 0. Các nhà kinh tế cho rằng mục tiêu lạm phát 4% sẽ là con số phù hợp.
Trước đại dịch, nhà kinh tế học Jón Steinsson tại Đại học California, Berkeley, đồng tình với ý tưởng đặt mục tiêu lạm phát cao hơn. Nhưng bây giờ thì không, và lý do rất đơn giản: Ông nhận ra rằng người Mỹ ghét những gì mà các nhà kinh tế coi là mức lạm phát “tương đối khiêm tốn”.
Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp thấp và tiền lương tiếp tục tăng, tâm lý người tiêu dùng vẫn cực kỳ thấp. Trải nghiệm lạm phát của họ trong vài năm qua dường như là nguyên nhân chính. Ngay cả khi thước do lạm phát ưa thích của Fed giảm so với mức 7,1% hồi tháng 6/2022, giá vẫn cao hơn so với trước đại dịch.
Cuộc khảo sát gần đây được thực hiện bởi nhà kinh tế học Stefanie Stantcheva của Đại học Harvard và các nhà nghiên cứu đã cho thấy người Mỹ ghét lạm phát đến mức nào. Mọi người cho rằng lạm phát tăng 1 điểm phần trăm còn tệ hại gấp đôi so với tỷ lệ thất nghiệp tăng 1 điểm phần trăm.
Lý do họ ghét lạm phát đến vậy là vì lo lắng giá cả tăng cao sẽ ảnh hưởng đến sức mua. Lạm phát chính là đang đánh thuế tinh thần của người dân. Việc đối phó với tình trạng ngân sách eo hẹp sẽ gây tổn thất về mặt tâm lý cũng như tài chính.
Nhà kinh tế trưởng Olivier Blanchard tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trước đây, hiện đang làm việc tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho rằng Fed nên nâng mục tiêu lạm phát để phòng chống các vấn đề trong tương lai. Nhưng vì uy tín của Fed, ông cho rằng lạm phát cần phải đạt mức 2% trước khi điều đó diễn ra.
Về phần mình, các quan chức Fed, bao gồm cả Chủ tịch Jerome Powell, vẫn kiên quyết rằng ngân hàng trung ương không thể xem xét thay đổi mục tiêu khi lạm phát hiện tại. “Đây không phải là lúc chúng ta có thể bắt đầu nói về việc thay đổi”, Chủ tịch Fed nói với các nhà lập pháp vào năm ngoái.
Theo quan điểm của ông, Fed không cần lạm phát đạt 2% để rồi lại nâng mục tiêu lên 4%. Các nhà hoạch định chính sách có thể chính thức giữ nguyên mục tiêu 2%, nhưng có thể sẽ không bao giờ đạt được con số này. Sau đó vài năm, họ có thể sẽ phải áp dụng một mục tiêu cao hơn.
Theo WSJ
Anh Dũng