Bốn ngân hàng tăng mạnh lãi suất tiết kiệm từ hôm nay (11/6): Một nhà băng vươn lên Top đầu thị trường
Từ đầu tháng 6 đến nay có khoảng 15 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động gồm: TPBank, VIB, GPBank, BaoViet Bank, LPBank, Nam A Bank, OceanBank, ABBank, Bac A Bank, MSB, MB, Eximbank, OCB, BVBank, NCB.
Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB) vừa cập nhật biểu lãi suất huy động mới từ ngày hôm nay (11/6), với việc điều chỉnh tăng ở hầu hết các kỳ hạn gửi. Đây là lần thứ hai VIB tăng lãi suất tiết kiệm trong tháng 6 này.
Cụ thể, với sản phẩm tiền gửi trực tuyến, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng được VIB tăng thêm 0,2%/năm lên 3,0%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng cũng tăng thêm 0,2%/năm lên 3,3%/năm. Lãi suất các kỳ hạn 6-8 tháng tăng nhẹ 0,1%/năm lên 4,4%/năm, và kỳ hạn 9-11 tháng tăng 0,2%/năm lên 4,5%/năm.
Lãi suất huy động kỳ hạn 15-18 tháng tăng thêm 0,2%/năm, hiện đạt 5,1%/năm, các kỳ hạn dài 24-36 tháng cũng có mức tăng tương tự, được VIB áp dụng lãi suất cao nhất là 5,3%/năm.
Hôm nay cũng chứng kiến lần tăng lãi suất lần thứ hai trong tháng 6 là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu (GPBank). Cụ thể, lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn từ 1-36 tháng đồng loạt tăng thêm 0,4%/năm từ ngày 11/6.
Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến vừa được GPBank cập nhật, kỳ hạn 1 tháng được niêm yết lãi suất 3%/năm, kỳ hạn 2 tháng là 3,5%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 3,5%/năm, kỳ hạn 4 tháng là 3,54%/năm, và kỳ hạn 5 tháng là 3,55%/năm.
Lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 4,85% và 4,95%/năm dành cho kỳ hạn 7 tháng. Lãi suất kỳ hạn 8 tháng và 9 tháng lần lượt đạt 5,1% và 5,2%/năm, kỳ hạn 12 tháng tại GPBank là 5,75%/năm.
Các kỳ hạn từ 13-36 tháng đang được GPBank áp dụng mức lãi suất cao nhất, ở mức 5,85%/năm.
Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) tiếp tục nâng mạnh lãi suất huy động cho hầu hết kỳ hạn từ ngày 11/6, với mức tăng cao nhất lên tới 0,75%/năm. Trước đó, ngân hàng này đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động các kỳ hạn 1-12 tháng trong tháng 5.
Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến mới được BVBank công bố, lãi suất kỳ hạn 1 tháng được cộng thêm 0,4%/năm lên 3,4%/năm, kỳ hạn 2 tháng tăng 0,35%/năm lên 3,45%/năm,kỳ hạn 3 tháng tăng 0,3%/năm lên 3,5%/năm, kỳ hạn 4 tháng tăng 0,25%/năm lên 3,55%/năm, và kỳ hạn 5 tháng tăng 0,2%/năm lên 3,6%/năm.
Đáng chú ý, lãi suất kỳ hạn 6 tháng được BVBank tăng thêm 0,65%/năm, lên 4,9%/năm. Các kỳ hạn tiền gửi 10 tháng, 11 tháng và 12 tháng lần lượt tăng thêm 0,45%, 0,3% và 0,75%/năm, chính thức vượt ngưỡng 5%/năm, đạt mức 5,1%, 5,15% và 5,6%/năm.
Lãi suất các kỳ hạn khác cũng được BVBank tăng mạnh, với kỳ hạn 15 tháng lên tới 5,7%/năm (tăng 0,65%/năm). Kỳ hạn 18-24 tháng hiện có lãi suất cao nhất là 5,8%/năm, tăng 0,45 - 0,55%/năm so với trước đó.
Cùng tham gia cuộc đua tăng lãi suất huy động còn có Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), khi đồng loạt tăng lãi suất huy động tại tất cả kỳ hạn.
Cụ thể, NCB tăng 0,3%/năm cho các kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng. Chi tiết, kỳ hạn 1 tháng hiện được hưởng lãi suất là 3,5%/năm, kỳ hạn 2 tháng tăng lên 3,7%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 3,8%/năm, kỳ hạn 4 tháng là 3,9%/năm và kỳ hạn 5 tháng đạt mức 4%/năm.
Với mức tăng trên, NCB trở thành một trong những ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng cao hấp dẫn tới mức 4%/năm.
Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng tại NCB nay là 5,05%/năm, sau khi được cộng thêm 0,4%/năm; kỳ hạn 7 tháng cũng tăng thêm 0,4%/năm, đạt mức 5,1%/năm.
Các kỳ hạn gửi từ 8 đến 9 tháng của NCB được điều chỉnh tăng thêm 0,3%/năm, đạt mức lãi suất 5,25%/năm. Kỳ hạn 10-11 tháng tăng 0,4%/năm, lên lần lượt 5,3%/năm và 5,35%/năm tương ứng.
Lãi suất huy động cho các kỳ hạn 12, 13 và 15 tháng được nâng lên mức lần lượt là 5,6%, 5,7% và 5,8%/năm, đưa NCB vào nhóm ngân hàng có lãi suất huy động cạnh tranh hàng đầu thị trường.
Đặc biệt, lãi suất cho các kỳ hạn dài từ 18 đến 60 tháng tại NCB hiện đạt mức 6,1%/năm, vươn lên dẫn đầu thị trường về lãi suất huy động sau khi được tăng thêm 0,4%/năm.
Từ đầu tháng 6 đến nay có khoảng 15 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động gồm: TPBank, VIB, GPBank, BaoViet Bank, LPBank, Nam A Bank, OceanBank, ABBank, Bac A Bank, MSB, MB, Eximbank, OCB, BVBank, NCB.
Xu hướng tăng lãi suất huy động đã xuất hiện từ cuối tháng 3 và diễn ra trên diện rộng vào tháng 4 và tháng 5. Tuy nhiên, xu hướng tăng vẫn chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, trong khi nhóm 4 ngân hàng do nhà nước chi phối là Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank là vẫn áp dụng biểu lãi suất huy động ở mức thấp lịch sử.
Theo giới phân tích, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tăng trưởng thấp trong những tháng đầu năm đi cùng tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn.
Lãi suất huy động được dự báo sẽ chịu áp lực tăng trong nửa cuối năm, song mức tăng sẽ không lớn khi nhu cầu tín dụng trong giai đoạn này không quá đột biến. Bên cạnh đó, việc khối ngân hàng quốc doanh – nhóm chiếm gần một nửa tổng tiền gửi toàn hệ thống – vẫn đang duy trì ở mức thấp kỷ lục cho thấy lãi suất huy động sẽ khó có thể tăng mạnh trong thời gian tới.
Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán MBS cho rằng cho cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm.
Theo đó, MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ có thể nhích thêm 0,7 – 1 điểm %, quay về mức 5,3%-5,6% trong nửa sau năm 2024. Tuy nhiên nhóm phân tích cho rằng lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và NHTM nỗ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
Mạnh Đức