Áp lực giảm giá của VND đã được giảm bớt?
Theo Mirae Asset, trong bối cảnh USD tăng mạnh (với chỉ số USD tăng 16,6% so với đầu năm), Việt Nam Đồng (VND) vẫn là đồng tiền có mức độ mất giá ít hơn so với sự mất giá của các đồng tiền châu Á khác.
Trong báo cáo chiến lược mới đây, Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định, áp lực giảm giá của Việt Nam Đồng thời gian gần đây đã được giảm bớt, đặc biệt là sau hai lần tăng lãi suất gần đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào ngày 23/9 và 25/10 (mỗi lần 100 điểm cơ bản).
Nhóm phân tích kỳ vọng việc tăng lãi suất sẽ giúp: 1) ổn định tỷ giá hối đoái; 2) tốc độ tăng trưởng tiền gửi ngân hàng sẽ tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng; và 3) lạm phát được kiểm soát ở mức 4,5%. Cả 3 điều này đóng góp đáng kể cho việc ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững hơn trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu gia tăng.
Tính đến cuối tháng 10, tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 4,1% so với tháng trước và 8,8% so với đầu năm. Đáng chú ý, từ ngày 17/10, Ngân hàng Nhà nước đã nới biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ ± 3% lên ± 5%.
Tỷ giá USD/VND đã tăng vọt gần đây có 2 nguyên nhân. Thứ nhất, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất và đồng đô la Mỹ mạnh. Thứ hai, xuất khẩu gần đây chậm lại, đặc biệt là khi một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đối mặt với suy thoái.
Tuy nhiên, trong bối cảnh USD tăng mạnh (với chỉ số USD tăng 16,6% kể từ đầu năm đến nay), Việt Nam Đồng (VND) vẫn là đồng tiền có mức độ mất giá ít hơn so với sự mất giá của các đồng tiền châu Á khác, do Việt Nam đã bán USD từ dự trữ ngoại hối. Mặc dù vậy, tình hình vẫn có thể xấu đi khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm xuống còn khoảng 3 tháng xuất nhập khẩu (tính đến cuối tháng 8, dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn 92 tỷ USD).
Minh Vy
Nhịp sống thị trường