"Cuộc đua lãi suất" toàn cầu ngày một nóng gây áp lực ra sao tới Việt Nam?
Theo BSC, hầu hết các quốc gia đều đang trong lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát và dự báo “cuộc đua lãi suất” vẫn còn tiếp tục trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia của Chứng khoán BSC, hiện nay nỗi lo suy thoái kinh tế đang trở thành chủ đề được giới đầu tư cũng như chính phủ các nước dành sự quan tâm đặc biệt. Do đó, quan điểm điều điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của các Ngân hàng Trung Ương (NHTW) trong thời gian tới sẽ tiếp tục được theo dõi sát sao hơn.
Hiện các NHTW lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, ECB, Anh… đang tiếp tục thắt chặt CSTT và dự kiến sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong các cuộc họp sắp tới khi mục tiêu lạm phát được ưu tiên hàng đầu.
Cụ thể, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong 2 cuộc họp gần nhất, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản sau 11 năm giữ nguyên chính sách của mình. Ngày 04/08 vừa qua Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản – mức tăng cao nhất kể từ năm 1995 và là lần thứ 6 liên tiếp nâng lãi suất của NHTW Anh, đồng thời Anh đối diện với nguy cơ rơi vào cuộc suy thoái kéo dài kể từ cuộc khủng hoảng 2008.
Trung Quốc thì đang thực hiện cả chính sách tài khóa mở rộng và CSTT nới lỏng để tạo đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh cuộc khủng hoảng bất động sản đang có dấu hiệu ảnh hưởng tới lĩnh vực ngân hàng bên cạnh tình hình diễn biến dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp ở quốc gia này.
NHTW Nga (CBR) cũng tiếp tục hạ lãi suất trong tháng 07, đây cũng là lần hạ lãi suất thứ 5 liên tiếp khi lạm phát tại Nga đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Mới đây, CBR cũng đã phát đi thông điệp sẽ nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối đây là hành động cho thấy hoạt động ngân hàng tại quốc gia này đang từng bước ổn định trở lại sau thời gian hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt.
Có thể thấy, hầu hết các quốc gia đều đang trong lộ trình thắt chặt CSTT để kiềm chế lạm phát và dự báo “cuộc đua lãi suất” vẫn còn tiếp tục trong thời gian tới, ngoại trừ Trung Quốc và Nga đang duy trì chính sách nới lỏng nhằm thúc đẩy nền kinh tế.
Trong 6 nước ASEAN được thống kê hầu hết các quốc gia đều bắt đầu lộ trình thắt chặt CSTT thông qua các công cụ điều hành. Trong đó, Singapore, Malaysia, Philippines đã thực hiện việc thắt chắt CSTT của mình và dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Indonesia đang giữ nguyên lãi suất điều hành tuy nhiên thực hiện thắt chặt CSTT thông qua việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc khi nước này đang ghi nhận mức lạm phát cao kỷ lục 4,94% trong tháng 7.
Thái Lan mặc dù giữ nguyên lãi suất điều hành ở mức 0,5% tuy nhiên trong cuộc họp gần nhất đã có 3/7 thành viên ủng hộ việc tăng 0,25%, điều này dự báo trong cuộc họp sắp tới NHTW Thái Lan sẽ nâng lãi suất.
Theo dự báo của các tổ chức tài chính, Hoa Kỳ, châu Âu, Anh và các nước ASEAN sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành. Trung Quốc và Nga sẽ có khả năng hạ lãi suất điều hành. Ngoài ra, mới đây một số NHTW lớn khác trên thế giới cũng đã tăng lãi suất như Canada (tăng 1,0%), Australia (tăng 0,5%), New Zealand (tăng 0,5%), Brazil (tăng 0,5%)… điều này cho thấy “cuộc đua lãi suất” toàn cầu ngày một nóng bỏng hơn bao giờ hết, khi các NHTW đang cho thấy sự lo ngại về lạm phát hơn lo về sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế.
Dưới sức ép thắt chặt CSTT đến từ nhiều NHTW trên thế giới, đến nay, lãi suất điều hành Việt Nam vẫn được giữ nguyên ở ngưỡng 4%, tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã bắt đầu giảm nới lỏng CSTT thông qua việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng, điều hành tỷ giá thông qua việc bán ngoại tệ và phát hành tín phiếu kể từ cuối tháng 06/2022.
Với mức lạm phát vẫn đang ở dưới ngưỡng mục tiêu, BSC cho rằng NHNN nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất như hiện tại kết hợp linh hoạt với các biện pháp giảm nới lỏng đã và đang triển khai.
Mặt khác, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang ghi nhận những tín hiệu tích cực khi GDP Quý 1 và Quý 2 tăng trưởng lần lượt là 5,03% và 7,72%, cao hơn nhiều nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN và trên thế giới, điều này tiếp tục là cơ sở nền tảng để Chính phủ theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế và ổn định giá cả.
Thu Thủy
Lấy link