Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thống kê đáng báo động của hàng loạt mẫu xe 'quốc dân' tại Việt Nam

Tháng 4 chứng kiến hàng loạt bất ngờ xảy ra trên thị trường ô tô Việt Nam.

Top 10 bán chạy này 'lạ lắm'

Tháng 4/2025 đánh dấu hàng loạt điểm lạ lẫm trên thị trường ô tô Việt Nam.

Với nhiều người, việc Hyundai chỉ bán được đúng 129 chiếc Santa Fe trong một tháng hay Toyota không có nổi một cái tên trong top 10 xe bán chạy chính là hiện tượng lạ. Với một số khác, việc VinFast áp đảo bảng danh sách xe bán chạy với 3 cái tên đứng đầu bảng gồm VF 5 (3.731 xe), VF 3 (2.378 xe) và VF 6 (1.763) xe cũng nói lên nhiều điều.

Thống kê đáng báo động của hàng loạt mẫu xe 'quốc dân' tại Việt Nam- Ảnh 1.

Số liệu ấy không chỉ xác nhận đà bứt tốc của xe điện nội địa, mà còn vẽ nên bức tranh đối lập: những cái tên từng "phủ sóng" mọi nẻo đường chạy dịch vụ - Toyota Vios, Hyundai Accent, Mitsubishi Xpander - hoặc biến mất khỏi top, hoặc xuất hiện ở lằn ranh tụt hạng.

Nói cách khác, bảng xếp hạng tháng 4 giống như một tấm gương phản chiếu sự dịch chuyển: nhu cầu mua xe chạy dịch vụ – lĩnh vực vốn nuôi sống doanh số của Vios, Accent và Xpander – đang nghiêng hẳn sang xe điện giá rẻ, chi phí vận hành thấp và ưu đãi dày đặc.

Những con số biết nói hay những tín hiệu đầu tiên?

Cú tụt của Vios ­- "vua sedan hạng B" suốt nhiều năm - diễn ra trong im ắng nhưng không bất ngờ. Tháng 4, Vios chỉ giao 773 xe, giảm gần 26 % so với tháng 3 và rơi khỏi top 10 xe toàn thị trường. Cộng dồn 4 tháng đầu 2025, Vios đạt 3.058 xe - cao nhất phân khúc nhưng… vẫn không đủ chen chân vào bảng doanh số chung, vì mức trung bình mỗi tháng chỉ còn 765 xe, thấp hơn cả một mẫu VinFast điện cỡ nhỏ mới ra đời. So với cùng kỳ 2024 (2.680 xe) Vios tăng 14 %, nhưng con số ấy đến từ đà bứt nhẹ đầu năm; thực tế ba tháng gần nhất, đường cong doanh số đã đi xuống.

Thống kê đáng báo động của hàng loạt mẫu xe 'quốc dân' tại Việt Nam- Ảnh 2.

Sự vươn lên của VinFast VF 5, VF 6 đang đẩy Toyota Vios hay Hyundai Accent vào thế khó - mặc dù phân khúc thị trường của những model này hoàn toàn khác nhau.

Hyundai Accent - mẫu sedan từng soán ngôi Vios năm 2023 - cũng trượt dài. Báo cáo của TC Motor cho biết Accent bán 568 xe trong tháng 4; lũy kế 4 tháng đạt 2.602 xe, giảm khoảng 16 % so với cùng kỳ 2024 (3.096 xe). Mất lợi thế "giá mềm + trang bị nhiều" vì giá niêm yết bản cao cấp đã chạm 569 triệu đồng, Accent không còn là lựa chọn tiết kiệm cho tài xế dịch vụ.

Mitsubishi Xpander - biểu tượng MPV của giới chạy dịch vụ 7 chỗ vẫn giữ ngôi đầu phân khúc nhưng đang "ngồi trên đống lửa". Tháng 4, mẫu xe này chỉ 972 xe được giao, rơi 62 % so với tháng 3 (2.530 xe) và suýt văng khỏi top 10. Tổng cộng 5.363 xe trong 4 tháng, Xpander cao hơn cùng kỳ 2024 khoảng 12 % (ước 4.772 xe) nhưng quãng tăng ấy đến từ cú bùng nổ riêng tháng 3.

Với nhiều người, cú hụt hơi này có thể là do nhóm khách chạy xe dịch vụ đang chờ mẫu VinFast Limo Green, dự kiến chính thức bàn giao vào tháng 8 tới đây.

Doanh số của 3 mẫu xe "quốc dân" sụt giảm đến đúng vào thời điểm VinFast VF 5, VF 6 đứng top thị trường càng thể hiện rõ xu hướng chuyển dịch. Không có thống kê cụ thể nhưng có vẻ như, ngày càng nhiều nhóm khách hàng xe dịch vụ đang chuyển sang sử dụng xe điện VinFast khi bài toán tiết kiệm chi phí đang ngày càng hiển hiện trước mặt họ.

Đến đây, tôi chợt nhớ về cuộc trò chuyện với một anh tài xế Xanh SM trong một cuốc xe ngắn hôm 18/5. Anh tài xế này khẳng định ngay cả khi hết giai đoạn miễn phí sạc (dự kiến vào giữa năm 2027), chi phí vận hành ô tô điện chạy dịch vụ vẫn rẻ hơn khoảng 30% so với xe xăng.

Với tôi, đây là con số đáng tin bởi so với người dùng phổ thông, bài toán kinh tế do các tài xế dịch vụ vẽ ra bao giờ cũng là thiết thực nhất.

Sự đáng tin đó còn được thể hiện ở chỗ cách đây ít ngày, Mordor Intelligence công bố thị phần Xanh SM tiếp tục nới rộng so với Grab, đạt gần 40% so với mức 35,57% của đối thủ. Ngoài thị phần cao nhất, Xanh SM cũng dẫn đầu ở 3 chỉ số quan trọng: số chuyến xe mỗi ngày, doanh thu bình quân theo chuyến (GMV) và mức độ hài lòng của khách hàng – hay như anh tài xế nói với tôi: "cả người đi xe và đội xe đều đang tăng mạnh".

Thống kê đáng báo động của hàng loạt mẫu xe 'quốc dân' tại Việt Nam- Ảnh 3.

Xanh SM "đánh úp" Grab trùng với thời điểm các mẫu xe xăng "quốc dân" cho giới chạy xe dịch vụ thụt lùi doanh số so với xe điện.

Sự "đảo chiều" này gửi thông điệp rõ ràng tới các hãng Nhật, Hàn: giá trị cốt lõi cũ không còn đủ mạnh. Nếu Vios tiếp tục trông vào độ bền, Accent bám vào thiết kế, Xpander tự hào khoang rộng, cả ba sẽ dần trôi khỏi radar mua sắm của khách Việt. Đặc biệt trong dịch vụ vận tải, nơi "đồng hồ doanh thu" quay từng ki-lô-mét, bài toán tổng chi phí sở hữu (TCO) chính là phán xét cuối cùng.

Thống kê tháng 4/2025 có thể chỉ là tín hiệu đầu tiên. Nếu trong quý II, tỷ lệ xe điện tiếp tục chiếm hơn 25 % doanh số toàn thị trường – mức VinFast đang dẫn dắt – các mẫu sedan và MPV xăng có thể mất vị trí phòng thủ cuối cùng: khách hàng dịch vụ. Tới lúc ấy, những cái tên từng "đi đâu cũng gặp" có nguy cơ trở thành xe cũ trên thị trường xe lướt, còn bảng xếp hạng bán chạy lạ lẫm của tháng 4 sẽ dần trở thành quen thuộc.

Câu trả lời sẽ có trong vài tháng tới. Còn hiện giờ, bảng xếp hạng tháng 4 giống như tấm biển cảnh báo đỏ: "Đi chậm, coi chừng mất ngôi".

Đức Nam


Nguồn:https://cafef.vn/thong-ke-dang-bao-dong-cua-hang-loat-mau-xe-quoc-dan-tai-viet-nam-188250519151945708.chn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...