Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường ô tô Việt dự báo gặp khó năm 2023

Từ tháng 10-12/2022, dù tình hình nguồn cung đã được cải thiện, nền kinh tế vĩ mô ghi nhận kết quả tăng trưởng tích cực, sản lượng tiêu thụ xe ô tô tại Việt Nam lại đột ngột suy giảm. Hiện tượng kể trên tiếp tục kéo dài đến tháng 1 năm 2023. Điều này dự báo một năm khó khăn của thị trường xe trong nước.

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), sản lượng tiêu thụ toàn thị trường xe Việt trong Quý IV 2022 (xét riêng với xe du lịch) là 104.735 xe, giảm 14,25% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tháng 12/2022 có sản lượng tiêu thụ thấp nhất, chỉ với 36.348 xe, giảm 34,02% so với cùng kỳ.

Trên thực tế, các hãng xe đều đã nỗ lực đưa ra các chương trình khuyến mại giá trị cao (tùy mẫu và phiên bản) để kích cầu thị trường ngay từ các tháng cuối năm 2022 nhưng sang đến năm 2023, tình hình thị trường vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện và tiếp tục suy giảm nghiêm trọng hơn. Đáng chú ý, tháng 1/2023 ghi nhận sản lượng tiêu thụ xe du lịch tại Việt Nam giảm 64% so với cùng kỳ năm 2022.

Sức mua thị trường sụt giảm nhanh ngoài dự báo khiến hàng tồn kho tại showroom và nhà máy sản xuất ở mức đáng báo động. Trong ngắn hạn, nếu sức mua không được cải thiện và thị trường không tăng trưởng trở lại để giảm áp lực tồn kho, các nhà sản xuất sẽ không thể duy trì nhịp sản xuất ổn định và buộc phải giảm công suất và nhân công. Điều này tác động trực tiếp tới tình hình lao động – việc làm, ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội của người dân.

Thị trường ô tô Việt dự báo gặp khó năm 2023 - Ảnh 1.

Các showroom gặp cảnh hàng tồn kho gia tăng.

Để giải thích về lí do doanh số sụt giảm, PGS.TS ngành kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh phát biểu: "Theo chu kỳ tiêu dùng ở Việt Nam, lượng tiêu thụ ô tô thời điểm trước Tết Nguyên Đán khoảng 1-2 tháng thường tăng mạnh và bắt đầu giảm sau nghỉ lễ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, thu nhập của người dân đã bắt đầu chững lại bởi sự trì trệ của hoạt động sản xuất vào quý IV năm 2022 trên hầu hết lĩnh vực. Đồng thời, tình hình xuất, nhập khẩu các mặt hàng cũng không khả quan hơn. Điều đó khiến nhu cầu sử dụng ô tô của người dân từ cuối năm 2022 đến nay sa sút đáng kể".

Những tín hiệu trên cho thấy nền công nghiệp ô tô sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2023. Căn cứ theo thực tế, doanh số toàn thị trường xe ô tô cả năm nay (bao gồm cả xe du lịch và thương mại) bị cảnh báo sụt giảm xấp xỉ 17.5% so với 2022, tương đương với hơn 85.500 xe.

Trong trung hạn, việc sụt giảm trong năm 2023 sẽ kéo theo tốc độ “ô tô hóa” tại Việt Nam chậm lại so với dự kiến (trong điều kiện thị trường tăng trưởng ổn định và không bị tác động bởi các yếu tố như kinh tế, dịch bệnh,... ). Thị trường xe ô tô (bao gồm cả xe du lịch và thương mại) có nguy cơ mất 37% sản lượng bán ra trong 5 năm tới (tương đương 1.807.000 xe).

Trong dài hạn, sự phát triển của Ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, mục tiêu xuất khẩu 90.000 xe và 10 tỷ USD giá trị xuất khẩu linh kiện phụ tùng vào năm 2035 (như nêu tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển Ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam năm 2025, tầm nhìn đến 2035) sẽ không thể đạt được nếu không có những chính sách thúc đẩy kịp thời.

Sự quan trọng của chính sách giảm phí, thuế trong ngành ô tô Việt

Trong năm 2020, nhờ có chính sách giảm 50% Lệ phí trước bạ (LPTB) cho xe sản xuất lắp ráp trong nước (CKD) kịp thời từ tháng 7 đến tháng 12, thị trường xe du lịch dưới 9 chỗ đã duy trì được doanh số bán ra tương đương năm 2019. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến tháng 10 năm 2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại với những diễn biến phức tạp hơn năm 2020 nhưng phải đến tháng 12 năm 2021 Chính phủ mới ban hành chính sách giảm 50% LPTB cho xe CKD lần 2, dẫn tới doanh số toàn thị trường 2021 sụt giảm 3,1% so với năm 2020.

Đáng chú ý, trong thời điểm tháng 12 năm 2021, nếu chính sách giảm 50% LPTB cho CKD không được áp dụng kịp thời, thị trường ô tô xe du lịch dưới 9 chỗ có thể đã giảm xấp xỉ 30% lượng xe bán ra, tương đương 20.000 xe.

Thị trường ô tô Việt dự báo gặp khó năm 2023 - Ảnh 2.

Chính sách giảm LPTB 'cứu vãn' doanh số bán ô tô tại Việt Nam năm 2021.

Đến năm 2022, nhờ chính sách giảm 50% LPTB cho xe CKD, thị trường ô tô xe du lịch dưới 9 chỗ đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ từ tháng 1 đến tháng 5, tổng doanh số bán xe toàn thị trường trong 5 tháng đầu năm 2022 tăng gần 49% so với cùng kì năm 2021. Điều này cho thấy tác động rất đáng kể của chính sách giảm 50% LPTB tới nhu cầu của thị trường xe du lịch dưới 9 chỗ.

Ngoài ra, chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cho doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước (Nghị định 109/2020/NĐ-CP) đã đóng góp vai trò rất lớn đối với doanh nghiệp cung ứng. Khi được gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB, doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước có thêm nguồn lực tài chính để xoay vòng vốn đầu tư, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp nhiều người lao động duy trì công ăn việc làm.

Thị trường ô tô Việt dự báo gặp khó năm 2023 - Ảnh 3.

Chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế Tiêu thụ đặc biệt giúp các doanh nghiệp yên tâm duy trì hoạt động sản xuất xe hơi trong nước.

Đáng chú ý, các chính sách hỗ trợ kể trên vẫn đảm bảo nguồn thu đầu vào của ngân sách nhà nước do doanh nghiệp đã thực hiện nộp đủ thuế đúng thời hạn.

Có thể thấy, những chính sách kịp thời của Chính phủ nhằm thúc đẩy sản lượng sản xuất và tiêu thụ ô tô tại Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng tới sự phát triển của nền công nghiệp xe hơi nước ta.

Theo Trần Đình

Tiền Phong


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...