Chuyện gì xảy ra với Jeep - Thương hiệu Mỹ mang tính biểu tượng: Lượng xe bán ra chỉ bằng 1 nửa Tesla, khách trung thành lần lượt rời bỏ
Jeep, thuộc tập đoàn Stellantis, đã chứng kiến doanh số bán hàng sụt giảm nghiêm trọng.
Jeep là thương hiệu mang tính biểu tượng của Mỹ, song trước những thách thức và cạnh tranh ngày càng cao của một thị trường khốc liệt, đà tăng trưởng của công ty những năm gần đây chợt chững.
Jeep, thuộc tập đoàn Stellantis, đã chứng kiến doanh số bán hàng sụt giảm nghiêm trọng. Lòng trung thành với thương hiệu cũng không khá hơn là bao khi ngày càng nhiều các dòng xe hấp dẫn người dùng mới ra đời.
Trong năm 2018, Jeep bán được hơn 973.200 xe - kỷ lục tốt nhất từng được hãng ghi nhận. Kể từ đó, vận may giảm sút. Jeep chỉ bán được 684.600 chiếc vào năm 2022, tức giảm gần 30%.
Theo BI, doanh số Jeep tiếp tục giảm trong vài quý vừa qua. Quá trình khai thác cơ sở khách hàng hoàn toàn mới trong mảng xe điện thật không dễ dàng gì.
Vào năm 2019, 47% chủ sở hữu xe Jeep khi quyết định đổi xe đều sẽ tiếp tục lựa chọn thương hiệu này. Tuy nhiên, sang đến nửa đầu năm nay, con số này giảm xuống chỉ còn 43%, theo Edmunds.
Trong khi các nhà sản xuất ô tô cạnh tranh hoạt động khá tinh gọn và chủ đích giữ nguồn cung thấp tại các đại lý, số lượng ô tô Jeep tung ra lại cao hơn đáng kể. Điều này không phải lúc nào cũng tiêu cực bởi còn tùy thuộc vào mức độ phổ biến của ô tô hoặc cách nhà sản xuất ô tô đó xử lý tình trạng thiếu cung.
Được biết, Jeep đã ngừng sản xuất dòng xe Cherokee vào đầu năm nay. Quá trình sản xuất Grand Wagoneer và Wagoneer cũng tinh gọn dần vào nửa đầu năm 2022 trong khi các nhà máy hiện đang trong tình trạng khó khăn. Cùng lúc đó, việc sản xuất Wrangler cũng gặp trục trặc trong quá trình chuẩn bị.
“Nội bộ có nhiều điều không ổn. Chúng tôi muốn trở nên tốt hơn. Chúng tôi muốn khắc phục các sự cố theo cách hiệu quả nhất”, Giám đốc điều hành Carlos Tavares cho biết.
Theo BI, hiện Stellantis đã ngừng phân phối các phiên bản chạy xăng của một số dòng Jeep phổ biến tại 14 tiểu bang do các quy định về khí thải ngày càng nghiêm ngặt. Khách hàng tại những khu vực đó chỉ có thể mua phiên bản plug-in hybrid.
“Điều gì xảy ra nếu bạn là khách hàng của Jeep và không muốn một chiếc plug-in hybrid? Bạn dự định mua chiếc Wrangler thuần nhưng họ không còn bán nó trên thị trường?”, Robby DeGraff, nhà phân tích của AutoPacific, nói với Insider. “Bạn sẽ đến Ford để mua xe vì chúng sẵn có”.
Hiện dòng Dodge, Ram và Chrysler đang bị khách hàng trung thành quay lưng. Vào năm 2019, 43% chủ sở hữu Dodge khi đổi xe sẽ tiếp tục lấy một chiếc Dodge khác, song tỷ lệ đó nay giảm chỉ còn 38%. 64% chủ sở hữu Ram khi đổi ô tô sẽ tiếp tục mua một chiếc Ram khác vào năm 2019, song sang năm 2022 chỉ còn 53%.
Được biết hồi năm ngoái, tập đoàn Stellantis thông báo liên doanh GAC-FCA, đơn vị sản xuất và phân phối xe Jeep tại Trung Quốc, đang hoàn tất thủ tục phá sản. Thông tin khiến rất nhiều chuyên gia nghi ngờ về tương lai của các nhà sản xuất ô tô toàn cầu vốn đã ghi nhận sản lượng 5 năm sụt giảm liên tiếp tại thị trường xe hơi lớn nhất thế giới. Trong kỷ nguyên xe điện (EV), câu chuyện trên cũng đánh dấu bước ngoặt lớn của nhóm các nhà sản xuất ô tô nội địa Trung - những người đã vượt qua các thương hiệu quốc tế trong việc đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
“Tôi đoán Stellantis sẽ không phải trường hợp duy nhất. Có lẽ gần như tất cả các nhà sản xuất ô tô phương Tây sẽ phải xem xét lại sự hiện diện của mình tại Trung Quốc”, Marco Santino, đối tác của công ty tư vấn quản lý Oliver Wyman, cho biết.
Dữ liệu từ công ty tư vấn LMC Automotive cho thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của Jeep là do công suất các nhà máy Trung Quốc không được đảm bảo. Một nhà máy sản xuất càng ít ô tô thì càng nhiều khả năng thua lỗ, theo CNA.
Được biết, Stellantis được thành lập từ sau màn hợp tác giữa PSA và Fiat Chrysler. Trong thời gian chuẩn bị thỏa thuận, Giám đốc điều hành Carlos Tavares cho rằng Trung Quốc là điểm đến lý tưởng cho bất kỳ nhà sản xuất ô tô nào, đồng thời kỳ vọng cả hai sẽ cùng nhau nỗ lực ghi nhận đà tăng trưởng.
Tuy nhiên, Stellantis đầu năm nay lại tuyên bố chấm dứt liên doanh với đối tác địa phương là Tập đoàn ô tô Quảng Châu (GAC), chỉ vài tháng sau khi thông báo tăng tỷ lệ sở hữu từ 50% lên 75%. Điều này khiến nhà sản xuất ô tô lớn thứ 3 thế giới về doanh số gặp nhiều hạn chế.
Theo Michael Dunne, Giám đốc điều hành công ty tư vấn ZoZo Go có trụ sở tại California kiêm cựu Giám đốc điều hành GM, khi các nhà sản xuất ô tô nội địa phát triển, nhiều thương hiệu quốc tế sẽ khó xin giấy phép địa phương hoặc không có khả năng tiếp cận các khoản vay từ các ngân hàng nhà nước.
“Họ đang bị bỏ lại rất xa so với những thương hiệu nội địa”, Justin Cox, giám đốc sản xuất toàn cầu của LMC cho biết.
Được biết, tập đoàn Stellantis sở hữu hơn 10 thương hiệu, bao gồm những hãng xe lớn như Abarth, Alfa Romeo, Chrysler, Dodge, Fiat, Jeep, Maserati, Mopar và Ram. Mục tiêu chính của công ty trong thập kỷ này là ra mắt 75 mẫu xe điện, một phần nhờ tự sản xuất một số bộ phận và gây áp lực lên các nhà cung cấp bên ngoài để giảm giá linh kiện.
Giám đốc điều hành Carlos Tavares cho biết mặc dù công ty tuân theo quyết định của Liên minh châu Âu về việc cấm xe động cơ đốt trong vào năm 2035, song ông cảm thấy những người đưa ra quyết định trên dường như không quan tâm đến việc liệu các nhà sản xuất ô tô có đủ nguyên liệu thô để điện khí hoá. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới toàn ngành sản xuất ô tô thế giới.
Theo: BI, CNA
Theo Vũ Anh
Nhịp sống thị trường