Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ như nào khi được thăng hạng?
Nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trước năm 2025 là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ đang hướng tới. Do đó, năm 2024 kì vọng có những chuyển biến tích cực, bởi đây là năm quan trọng để đảm bảo “tiến độ” nâng hạng của TTCK Việt Nam.
Ngay thời điểm cuối năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 1726/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển thị trường chứng khoán ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập. Trong đó, có mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng TTCK của các tổ chức quốc tế.
Khi được nâng hạng, thị trường chứng khoán (TTCK) có khả năng thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các quỹ đầu tư thụ động (hình thức đầu tư này ngày càng phổ biến hơn trên thế giới), như các quỹ đầu tư theo các chỉ số của các tổ chức uy tín trên thế giới như MSCI, FTSE Russell… Đây cũng là yếu tố quan trọng tác động đến sự phát triển bền vững của thị trường trong dài hạn.
Kịch bản nâng hạng tích cực nhất được kỳ vọng cho năm 2024 là có thể FTSE Russell nâng hạng thị trường Việt Nam lên Secondary Emerging Market (EM) vào tháng 9 và trong khi vào tháng 5 thì có lẽ MSCI vẫn sẽ chưa có sự thay đổi về xếp hạng thị trường đối với Việt Nam.
Ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán SSI chia sẻ, với các quỹ đầu tư thụ động, tính đến cuối năm 2023 quy mô của các quỹ thị trường mới nổi sử dụng chỉ số của FTSE Russell vào khoảng 93 tỷ USD. Nếu giả định tỷ trọng thị trường Việt Nam tạm tính tương đương với thị trường Kuwait (0,9%) thì ước tính dòng tiền vào khoảng 0,8 tỷ USD sẽ đổ vào thị trường Việt Nam qua các quỹ này trong thời điểm lên hạng vào năm 2025.
Kì vọng nâng hạng có thể rõ ràng hơn trong năm 2024, khi mà các năm trước và đặc biệt là 2023, Chính phủ đã cho thấy sự quyết tâm cao độ trong việc nâng hạng thị trường và cũng là cơ sở để các hệ thống, cơ chế giao dịch chứng khoán, đáp ứng các tiêu chí nâng hạng sẽ được đưa vào vận hành trong năm 2024. Theo đó, đây là chất xúc tác đáng chú ý cho thị trường 2024 – mà trong nhiều báo cáo chiến lược 2024 của các CTCK đều nhắc đến.
Nhiều thống kê trước đó đều cho thấy, giai đoạn thị trường tăng điểm mạnh (có thể từ 30 đến 40%) diễn ra ở giai đoạn tham vấn nâng hạng đến khi chính thức và thực thi nâng hạng. Bất cứ sự chuyển động khả quan nào từ kết quả đánh giá thị trường của MSCI và FTSE đều có thể kích thích thị trường tiếp nối đà tăng.
Nhìn lại quá khứ, thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài tích cực khi nền kinh tế tăng trưởng cao và định giá thị trường hấp dẫn, hoặc vào những giai đoạn Việt Nam có các bước tiến lớn trong thương mại hay có chuyển động tích cực trong câu chuyện thoái vốn nhà nước, hay nâng hạng thị trường.
Năm 2023, quy mô thị trường chứng khoán trên HOSE (chiếm hơn 80% vốn hoá thị trường) có 641 mã chứng khoán niêm yết, trong đó gồm: 394 mã cổ phiếu, 04 mã chứng chỉ quỹ đóng, 14 mã chứng chỉ quỹ ETF và 229 mã chứng quyền có bảo đảm. Tổng khối lượng cổ phiếu đang niêm yết đạt trên 151,4 tỷ cổ phiếu. Giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 4,55 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 93,3% tổng giá trị vốn hóa niêm yết toàn thị trường và tương đương 47,9% GDP năm 2022 (GDP theo giá hiện hành).
Thông qua thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp có thể huy động được nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư trong nước và trên toàn cầu, trong đó, tính khả thi của việc huy động vốn đến từ “chất lượng” thị trường là một trong những yếu tố quan trọng nhất.
Được biết, đây là sự kiện uy tín do SSI và Citi Group phối hợp tổ chức thường niên kể từ năm 2018 nhằm kết nối dòng vốn đầu tư ngoại và các doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng là mục tiêu mà CTCP Chứng khoán SSI luôn hướng đến trong nhiều năm hoạt động: tiên phong dẫn đường cho doanh nghiệp Việt tìm kiếm những nguồn vốn mới hiệu quả hơn, thực hiện sứ mệnh “Kết nối vốn và cơ hội đầu tư”.
Theo chuyên gia SSI, việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới sẽ gắn liền với mục tiêu nâng hạng thị trường lên thị trường mới nổi. Và mục tiêu nâng hạng sẽ không chỉ dừng lại vào thời điểm FTSE Russell hay MSCI công bố quyết định, mà Việt Nam cũng cần phải có một tỷ trọng (trọng số - weight) lớn trong rổ chỉ số thị trường mới nổi, tương ứng với vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới.
Một trong các mục tiêu quan trọng khác trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 là phát triển cơ sở nhà đầu tư và nâng hạng thị trường luôn song hành, với ý nghĩa là các mục tiêu mang tính định lượng và chất lượng của thị trường. Chính phủ đã đặt mục tiêu số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030, trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Theo PV