SGI Capital: Dòng tiền vào chứng khoán khó cải thiện trước biến động mạnh từ thị trường thế giới
Theo SGI Capital, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa từng có giai đoạn nào duy trì đà tăng khi thanh khoản tụt giảm mạnh.
Theo báo cáo tháng 8 mới công bố, SGI Capital cho rằng nhiều chỉ tiêu tăng trưởng cơ bản của Việt Nam như chi tiêu tiêu dùng, xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, vốn FDI, PMI của tháng 8 vẫn tiếp tục duy trì xu hướng tích cực, dù mức độ tăng có giảm bớt.
USD index giảm nhanh đang tạo dư địa tốt cho chính sách tiền tệ duy trì được giai đoạn nới lỏng thay vì chịu áp lực thắt chặt như giai đoạn mùa hè. Giải ngân đầu tư công dù chậm hẳn lại trong 6 tháng qua chỉ là điểm trừ nhỏ trong tổng thể bức tranh phục hồi và tăng trưởng kinh tế tích cực trong 8 tháng qua.
Tuy vậy, thị trường chứng khoán luôn nhìn về phía trước và phản ánh kỳ vọng 6-12 tháng tới của nền kinh tế cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này ngoài những nỗ lực rất lớn từ điều hành trong nước còn phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh quốc tế đang bớt phần lạc quan. Kinh tế toàn cầu nếu rơi vào suy thoái trong 2025 sẽ tác động rất lớn tới tốc độ tăng trưởng của Việt Nam và xu hướng của dòng vốn đầu tư các tháng tới.
Theo SGI Capital, kỳ vọng tăng trưởng đang được đặt vào tín dụng sẽ bung mạnh những tháng cuối năm để bằng mọicách đạt chỉ tiêu 15% năm nay. Tuy nhiên, đây là mục tiêu khó khả thi. Tới cuối tháng 8, toàn hệ thống ngân hàng mới đạt mức tăng trưởng huy động thấp kỷ lục, dưới 3%, trong khi tín dụng tăng trưởng gần 7%.
Bên cạnh đó , SGI Capital cho rằng đây là một mục tiêu mang lại tăng trưởng ngắn hạn nhưng gia tăng áp lực dài hạn cho hệ thống ngân hàng cũng như toàn bộ nền kinh tế.
Các giai đoạn tăng trưởng tín dụng cao hơn huy động trước đây khi chính sách tiền tệ nới lỏng là 2008, 2010-2011, 2021-2022 đã chứng kiến tín dụng BĐS tăng mạnh sau đó để lại những cú sốc thanh khoản và hậu quả lớn về nợ xấu. Khi khối nợ xấu từ BĐS giai đoạn 2022 chưa được xử lý, tiếp tục bơm mạnh tín dụng để tăng trưởng có thể đẩy rủi ro nợ xấu tiềm tàng từ BĐS lên mức cao hơn và khó xử lý hơn.
Đồng thời, tâm điểm nóng hai quý gần đây đang chuyển dịch qua thị trường BĐS cũng khiến một số dòng tiền của NĐT rút khỏi TTCK chuyển qua kênh này. Kết quả là giá trị giao dịch tháng 8 đã giảm 30% so với giai đoạn tháng 3-4 mặc dù VN-Index đang ở cùng một vùng điểm số. TTCK Việt Nam chưa từng có giai đoạn nào duy trì đà tăng khi thanh khoản tụt giảm mạnh.
Năm nay áp lực trái phiếu đáo hạn cuối năm vẫn là một gánh nặng dòng tiền với nhiều doanh nghiệp lớn, trong đó có cả các doanh nghiệp niêm yết. SGI Capital cho rằng dòng tiền và thanh khoản sẽ khó cải thiện trong các tháng tới trong khi rủi ro có thể gia tăng đặc biệt là do những biến động mạnh từ thị trường thế giới.
“ Trong đầu tư, mục tiêu quan trọng là tìm kiếm và lựa chọn các cơ hội có rủi ro thấp và lợi nhuận cao. Môi trường hiện nay đang tiềm ẩn những rủi ro và biến động lớn trong khi tương đối khan hiếm các cơ hội rõ nét. Khi những rủi ro bộc lộ và phản ánh đầy đủ lên thị trường và giá cổ phiếu trong thời gian tới, việc có sẵn sức mua và lượng thanh khoản dồi dào có thể mang lại lợi thế lớn ” , báo cáo của SGI Capital nhấn mạnh.
Trong suy thoái, không mất là đã được rất nhiều
Trong các báo cáo gần đây, chúng tôi đã lưu ý rằng thị trường toàn cầu đang ở trong giai đoạn chuyển giao giữa lạc quan khi kinh tế tăng trưởng và FED sắp hạ lãi suất sang lo ngại suy thoái. Lượng việc làm mới giảm cũng như số lao động bị sa thải tăng tháng 8 đang tiếp tục củng cố xu hướng tăng của thất nghiệp.
Ở giai đoạn cuối mỗi chu kỳ tăng trưởng dài, nền kinh tế thường chuyển dần từ tăng trưởng mạnh sang giai đoạn suy giảm tăng trưởng và kết thúc bằng suy thoái. Các nền kinh tế lớn Mỹ, Trung Quốc và EU đều đang trải qua giai đoạn suy giảm tăng trưởng và rủi ro suy thoái đã tăng dần lên trong vài tháng qua.
Sau nhiều năm tháng dài, dòng tiền đầu tư và đầu cơ tập trung tìm kiếm lợi nhuận trong các kênh đầu tư rủi ro như cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, BĐS, tiền ảo…, suy thoái là rủi ro đủ lớn để kích hoạt sự đảo chiều dòng tiền ồ ạt rútkhỏi các kênh tài sản rủi ro. Nhu cầu bảo toàn vốn và giảm đòn bảy tài chính sẽ được ưu tiên, bởi trong suy thoái, không mất là đã được rất nhiều.
Với các công cụ tài chính đòn bẩy cao ngày càng phổ biến hiện nay, vòng xoáy đi xuống khi xảy ra dễ dẫn tới những đợt bán tháo nhanh và mạnh ngoài biên độ giao động thông thường. Đầu tháng 8, TTCK Nhật giảm 20% chỉ sau 3 phiên bán tháo kích hoạt margin call của NĐT vay Yên mua cổ phiếu.
Quá trình hạ đòn bẩy tài chính diễn ra trong suy thoái có thể tạo nên nhiều biến động mạnh tương tự trên các kênh tài sản. Tiền ảo vốn được cho là tài sản hưởng lợi rõ nhất từ hạ lãi suất bắt đầu bị rút ròng mạnh trong vài tuần trở lại đây. Trong những năm gần đây, Bitcoin luôn là chỉ báo sớm của các kênh tài sản rủi ro.
Hà Linh