Là một "đế chế", đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu mặt hàng này nhưng Pakistan vẫn nhập khẩu từ Việt Nam
Đây sẽ là cơ hội tốt cho các sản phẩm có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường tiêu thụ rộng lớn với hơn 240 triệu người tiêu dùng.
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Pakistan, tại chuỗi sự kiện VIETNAM INTERNATIONAL SOURCING 2024 do Bộ Công Thương phối hợp với UBND Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, Tập đoàn siêu thị IMTIAZ của Pakistan nhập khẩu lô nước trái cây đầu tiên từ Việt Nam bao gồm nước xoài, nước dứa, nước vải, nước nho, nước táo, nước ổi.
Pakistan là quốc gia có nhiều loại trái cây phong phú có sản lượng thương mại cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến như: Táo, nho, đào, lựu, ổi... Pakistan là nước xuất khẩu trái cây lớn, đứng thứ 25 trên thế giới.
Quốc gia này cũng là một trong các "đế chế" xoài của thế giới, đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu xoài. Ngành công nghiệp chế biến xoài tại Pakistan đã phát triển từ lâu với sự tham gia đầu tư của các thương hiệu nước trái cây hàng đầu thế giới như Nestle.
Việc Tập đoàn siêu thị IMTIAZ nhập khẩu sản phẩm của Việt Nam sẽ là cơ hội tốt cho các sản phẩm có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường tiêu thụ rộng lớn với hơn 240 triệu người tiêu dùng
Tập đoàn siêu thị IMTIAZ hoạt động ra sao?
Tập đoàn siêu thị IMTIAZ được thành lập từ năm 1955 là doanh nghiệp Pakistan tiên phong trong lĩnh vực siêu thị. IMTIAZ bắt đầu là một cửa hàng nhỏ, nằm khuất trong một con phố tối tăm ở Bahadurabad với ý tưởng đơn giản là bán nhiều hơn với giá thấp hơn.
Bước ngoặt của tập đoàn này diễn ra vào năm 1978, sau chuyến công tác đến Singapore của ông Imtiaz Abbasi (bố ông Imtiaz Abbasi là người bắt đầu mở cửa hàng nhỏ đầu tiên). Sau khi trở về, ông quyết định cho thêm nhiều danh mục sản phẩm hơn vào danh mục hiện có của cửa hàng. Nhờ sự phản hồi tích cực của khách hàng, sau một vài năm, gia đình ông đã mua các cửa hàng liền kề để mở rộng quy mô.
Từ năm 1998, IMTIAZ bắt đầu đưa các thương hiệu quốc tế vào và hợp tác với nhiều tổ chức để cho phép họ tìm nguồn, dự trữ và vận chuyển các mặt hàng một cách hiệu quả.
Thông tin trên website chính thức của tập đoàn này giới thiệu, IMTIAZ là chuỗi bán lẻ lớn nhất đang bùng nổ trong kinh doanh với doanh số bán hàng khổng lồ và lượng khách hàng đông đảo.
Tập đoàn có hơn 14.000 nhân viên, hơn 700.000 khách hàng trung thành tại 12 thành phố ở Pakistan và 27 siêu thị, bao trùm tất cả 12 thành phố lớn nhất Pakistan như: Karachi, Lahore, Islamabad, Peshawar, Quetta... IMTIAZ hiện đang phân phối 52.000 sản phẩm, sở hữu hơn 10.000 thương hiệu.
Là một công ty tư nhân, IMTIAZ không tiết lộ thông tin tài chính. Tuy nhiên, trong một bài phân tích trên Profit, các chuyên gia trong ngành cho biết trên cơ sở mỗi feet vuông kiếm được nhiều tiền hơn bất kỳ siêu thị nào khác trong nước. Tờ này cũng dẫn lời một viên cức cho biết, IMTIAZ mua hàng hóa với biên độ thấp hơn từ 2 - 3% và thậm chí bán với biên độ thấp hơn từ 5 - 7% so với các nhà bán lẻ khác, mang lại cho họ lợi thế tổng hợp lên tới 10%, rất khó để cạnh tranh.
"Phần lớn khách hàng của chúng tôi đến từ phân khúc thu nhập trung bình. Tuy nhiên, vì IMTIAZ duy trì chiến lược giá tiết kiệm nên sản phẩm của chúng tôi có giá cả phải chăng cho mọi người. Khách hàng sành sỏi đánh giá cao sự đa dạng của các thương hiệu chất lượng mà họ có thể lựa chọn, trong khi những người khác thích trải nghiệm mua sắm", ông Imtiaz Abbasi chia sẻ trong 1 bài phỏng vấn trên Aurora.
Thương vụ Việt Nam tại Pakistan thông tin, 7 tháng năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Pakistan đạt 269 triệu USD, tăng 25,2 % so với cùng kỳ năm trước.
Pakistan có nhu cầu nhập khẩu cao với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, từ các mặt hàng nông sản truyền thống (chè, hạt tiêu, hạt điều, phi-lê cá tra …) đến các mặt hàng tiêu dùng (quần áo, giầy dép), các mặt hàng mới có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao (điện thoại di động, máy giặt, máy in …).
Thị trường này cũng là thị trường dễ tính, không đòi hỏi cao về chất lượng, không có các quy định quá phức tạp về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kiểm dịch động thực vật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn về lao động.
Theo Pha Lê