Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghiên cứu sửa Luật Đất đai, có giải pháp về thu hồi đất, giá đất

Thủ tướng nêu rõ, việc đề xuất điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 18 làm cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2024 là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách, để tháo gỡ vướng mắc, có cơ chế phát huy nguồn lực từ đất đai.

Thủ tướng lưu ý, tình trạng lợi dụng đấu giá đất để đầu cơ, thổi giá đất, thao túng giá làm nhiễu loạn thị trường vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Ảnh: N.Bắc

Ngày 10/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 18 năm 2022 của Trung ương về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” và 1 năm thi hành Luật Đất đai năm 2024.

Hội nghị cũng nhằm đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Nghị quyết 18 làm cơ sở sửa đổi Luật Đất đai năm 2024.

Lợi dụng đấu giá đất để đầu cơ, thổi giá vẫn xảy ra ở nhiều nơi

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 18 và 1 năm thi hành Luật Đất đai năm 2024, chính sách pháp luật về đất đai được triển khai đồng bộ, thu được kết quả tích cực.

Song, theo Thủ tướng, vẫn còn những bất cập như thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn kéo dài. Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý, tình trạng lợi dụng đấu giá đất để đầu cơ, thổi giá, thao túng giá làm nhiễu loạn thị trường vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi…

Việc đề xuất điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 18 làm cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2024, Thủ tướng nhấn mạnh, là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách, đòi hỏi phải thực hiện trong một thời gian ngắn nhưng đảm bảo yêu cầu về chất lượng để tháo gỡ vướng mắc, có cơ chế để phát huy nguồn lực từ đất đai.

Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá, nhận thức về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai còn hạn chế. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng cần điều chỉnh phù hợp với mô hình chính quyền 2 cấp.

Trong khi, giá đất chưa thể hiện rõ vai trò điều tiết của Nhà nước; việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nảy sinh một số vướng mắc…

Cơ bản nhất trí với các ý kiến phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đất đai là vấn đề khó, nhạy cảm, phức tạp nên phải kiên trì, kiên định; hết sức lắng nghe các ý kiến nhà quản lý, nhà khoa học, người dân, doanh nghiệp.

Quan điểm được người đứng đầu Chính phủ đưa ra là không cầu toàn, không nóng vội trong quá trình điều chỉnh, bổ sung; cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện hiệu quả, đa số đồng tình thì bổ sung, luật hóa, đảm bảo linh hoạt, hiệu quả, phù hợp tình hình mới.

Nghiên cứu đề xuất điều chỉnh, bổ sung chính sách, pháp luật về đất đai

Thủ tướng yêu cầu cơ quan chủ trì tổng hợp một số nội dung làm cơ sở để các cơ quan bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Chính trị. Trong đó, khẳng định Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII là một văn kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở chính trị để tiếp tục hoàn thiện và thực thi hiệu quả chính sách pháp luật về đất đai trong thời gian tới.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới, phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước mới ban hành, Thủ tướng lưu ý cần đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 18.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 18 năm 2022 của Trung ương và 1 năm thi hành Luật Đất đai năm 2024. Ảnh: N.Bắc

Khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, Thủ tướng nói thêm đây cũng là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là nguồn lực quan trọng phát triển đất nước.

Quyền sử dụng đất là yếu tố đầu vào quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, theo lời Thủ tướng.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số nhiệm vụ, giải pháp về tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý, sử dụng đất.

Theo ông, cần điều chỉnh, bổ sung các giải pháp về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng đất, khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng vùng, khu vực.

Thủ tướng đồng thời lưu ý cần bổ sung các giải pháp về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; về giá đất, tài chính đất đai; một số vấn đề về đất đai có yếu tố nước ngoài.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường được giao phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện các tài liệu dự thảo báo cáo, tờ trình, kết luận trình cấp có thẩm quyền đảm bảo thời gian, chất lượng.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...