Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Luật Thủ đô góp phần tháo gỡ điểm nghẽn về nhà ở xã hội

Việc triển khai các nội dung có liên quan tại Luật Thủ đô năm 2024 kỳ vọng sẽ thêm những giải pháp đột phá, tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội.

Nhiều khó khăn vướng mắc

Trong Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2023 (tại Quyết định 338/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), Hà Nội cùng với Thành phố Hồ Chí Minh là một trong hai địa bàn được giao nhiệm vụ triển khai trọng điểm.

Cụ thể, trong giai đoạn này Hà Nội phải hoàn thành 56.200 căn (18.700 căn giai đoạn 2021 - 2025 và 37.500 căn giai đoạn 2026 - 2030).

Trong báo cáo về phát triển, quản lý nhà ở xã hội mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thành phố có 69 dự án đã và đang triển khai. Trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, có 8 dự án đã hoàn thành toàn bộ với 10.270 căn và 3 dự án hoàn thành một phần.

Sở cho biết từ nay đến hết năm sau, 11 dự án dự kiến hoàn thành với gần 6.000 căn, tương đương 345.000m2 sàn. Với tổng 19 căn dự kiến hoàn thành trong giai đoạn năm 2021 - 2025, thành phố sẽ đạt hơn 78% chỉ tiêu tại kế hoạch phát triển nhà xã hội với khoảng 15.440 căn, tương ứng 952.000m2 sàn.

Luật Thủ đô góp phần tháo gỡ điểm nghẽn về nhà ở xã hội

Việc triển khai các nội dung có liên quan tại Luật Thủ đô năm 2024 kỳ vọng sẽ thêm những giải pháp đột phá, tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội (Ảnh minh hoạ)

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án, giai đoạn 2026 - 2030, trên địa bàn thành phố Hà Nội dự kiến sẽ có 50 dự án đang triển khai với khoảng 3,21 triệu mét vuông sàn, khoảng 57.170 căn. Trong đó, thành phố đang tổ chức thẩm định chủ trương đầu tư phục vụ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với 4/5 khu nhà ở xã hội tập trung trên địa bàn huyện Đông Anh, Gia Lâm với tổng quy mô sử dụng đất trên 200ha, tổng diện tích sàn nhà ở gần 1 triệu mét vuông sàn nhà ở, hơn 12.000 căn hộ.

Tuy nhiên, Sở Xây dựng cũng nhìn nhận, công tác phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô còn nhiều hạn chế. Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, chưa có dự án nhà ở xã hội nào được đầu tư bằng vốn ngân sách. Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai đều chậm so với tiến độ được duyệt.

Công tác phát triển nhà ở xã hội thời gian qua gặp nhiều khó khăn vướng mắc, có thể kể đến như: trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua, bán nhà ở xã hội còn kéo dài, thậm chí phức tạp hơn các dự án nhà ở thương mại; việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp.

Đồng thời, cơ chế, chính sách ưu đãi đối với dự án nhà ở xã hội chưa thực sự hấp dẫn, chưa thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư. Việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư “ách tắc”; nhà nước thiếu nguồn “vốn mồi” để thực hiện chính sách ưu đãi nhà ở xã hội.

Tạo cơ chế, thu hút đầu tư

Trước những khó khăn đã được nhận diện rõ, UBND thành phố Hà Nội đã lồng ghép việc tổ chức triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối lượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" với việc chỉ đạo và tổ chức triển khai Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; thành lập Tổ công tác đặc biệt của UBND thành phố về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Đáng chú ý, Luật Thủ đô năm 2024, tại Khoản 2 Điều 29 đã cho phép HĐND thành phố quyết định sử dụng ngân sách thành phố để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập. Việc phân quyền này sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư giảm chi phí đầu tư xây dựng, tăng lợi nhuận để giảm giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội.

Luật Thủ đô góp phần tháo gỡ điểm nghẽn về nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã lập kế hoạch xây dựngNghị quyết về cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập trên địa bàn Hà Nội

Để hiện thực hóa Điều 29 Luật Thủ đô, TP. Hà Nội đã ban hành các quyết định, kế hoạch giao các sở, ngành triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa các quy định một số chính sách về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã lập kế hoạch xây dựng Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập trên địa bàn Hà Nội. Sở Xây dựng đang phối hợp với các sở, ngành tổ chức triển khai thực hiện để dự kiến trình HĐND thành phố vào kỳ họp tháng 12/2025.

Tham luận tại Diễn đàn "Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển" ngày 16/11 vừa qua, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thêm, thành phố đã phân chia 3 nhóm dự án để phân công cụ thể tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ.

Trên địa bàn Hà Nội đang triển khai 4 dự án khu nhà ở xã hội tập trung với tổng quy mô sử dụng đất trên 200ha, khoảng gần 1 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội và tại các ô đất thuộc các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị phải bàn giao quỹ đất (20% và 25%) theo quy định.

Thành phố cũng đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội rà soát, bổ sung khoảng 15 quỹ đất để tạo lập các khu nhà ở xã hội độc lập với quy mô lớn, đồng bộ hạ tầng; trong đó đề xuất lựa chọn 2-3 khu có vị trí gần các khu vực công nghiệp để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê bằng nguồn vốn đầu tư công....

Với những giải pháp đồng bộ từ cơ chế chính sách đến những tháo gỡ sát với thực tiễn, Tp. Hà Nội kỳ vọng sẽ có những bước phát triển mới về nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu lớn của người có thu nhâp thấp, công nhân các khu công nghiệp - chế xuất trên địa bàn...

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...