Giảm thuế với xăng, dầu: Ðề xuất Quốc hội biểu quyết qua phần mềm điện tử
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, bên cạnh thuế bảo vệ môi trường, việc sớm điều chỉnh các loại thuế khác để giảm giá xăng dầu là rất cần thiết.
Để quyết sớm được điều này, Quốc hội có thể họp bất thường, hoặc cũng có thể xin ý kiến đại biểu bằng cách biểu quyết qua phần mềm điện tử, như vậy sẽ nhanh hơn, thuận tiện hơn.
Một mũi tên trúng nhiều đích
Vừa qua, ngay sau khi có tờ trình của Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có phiên họp bất thường để quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu về mức sàn. Hiện, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Quốc hội nên tổ chức phiên họp bất thường trong thời gian sớm nhất có thể, để xem xét điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT để qua đó tiếp tục giảm giá xăng, dầu. Quan điểm của ông về việc này ra sao?
Tôi đồng tình với đề xuất này. Trong bối cảnh giá cả xăng dầu đang ở mức cao như hiện nay, rất cần thiết phải sớm quyết định giảm các loại thuế khác để giảm giá xăng, dầu. Về thẩm quyền, chúng ta đều biết, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Còn với các loại thuế khác, như thuế tiêu thụ đặc biệt, hay thuế VAT là thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định.
Theo tôi, có nhiều cách để Quốc hội quyết định vấn đề này sớm hơn, thay vì phải đợi đến kỳ họp cuối năm, diễn ra vào tháng 10 tới. Để quyết định được sớm vấn đề này này, Quốc hội có thể tiến hành kỳ họp bất thường như đã tổ chức vào đầu năm nay. Nhưng theo tôi, Quốc hội có thể tổ chức họp trực tuyến và lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội bằng cách biểu quyết thông qua hệ thống phần mềm điện tử như tại các kỳ họp vẫn làm.
Nếu quy chế hoạt động của Quốc hội cho phép mà làm được cách đó thì sẽ tốt hơn và sẽ thuận lợi hơn. Sớm giảm các loại thuế để giảm giá xăng dầu sẽ giúp sức được cho người dân và cho nền kinh tế, bởi đây dường như đang là giai đoạn chuyển tiếp, rất khó khăn.
Ông có lo ngại cho nguồn thu ngân sách nhà nước khi việc giảm các loại thuế với xăng dầu sẽ kéo theo giảm nguồn thu ngân sách?
Chuyện đó là đương nhiên. Nhưng ngược lại, việc giảm các loại thuế để giảm giá xăng dầu sẽ hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp. Qua đó tăng trưởng sẽ duy trì được cao hơn, người dân tiết kiệm được chi tiêu từ xăng dầu sẽ có điều kiện để mua các hàng hóa khác và Nhà nước cũng tăng thu từ đó. Xăng dầu giảm giá, lập tức sẽ tác động nhiều mặt, vừa hỗ trợ người dân, vừa giảm áp lực lạm phát, lại giúp tăng trưởng GDP.
Như vậy không phải Nhà nước giảm bao nhiêu tiền thuế thì sẽ mất đi bấy nhiêu. Thực tế, Nhà nước sẽ có được nguồn thu khác nếu như giảm nguồn thu từ thuế đánh lên xăng dầu, tức là giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu và quan trọng nhất là hỗ trợ được người dân. Bởi thu nhập của người dân không theo kịp được trong bối cảnh khó khăn này, nếu xăng dầu tăng cao, giá cả lại leo thang sẽ chồng chất khó khăn.
TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (Ảnh: Như Ý)
Về con số cụ thể, nhiều ý kiến cho rằng, có thể giảm 50% các loại thuế hiện nay với xăng dầu. Ông có ý kiến gì về điều này?
Mức giảm cụ thể ra sao thì phải tính toán cho phù hợp, nhưng theo tôi có thể giảm sâu được. Dù giá trên thế giới đã đảo chiều đi xuống nhưng vẫn cần phải tiếp tục giảm giá xăng dầu trong nước . Vừa qua, sức đề kháng của người dân đã bị bào mòn bởi dịch bệnh kéo dài. Bây giờ giá xăng dầu lên, kéo theo các loại hàng hoá tăng lên theo, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chính vì vậy, cần có biện pháp giảm các loại thuế một cách nhanh nhất, kịp thời nhất để hạ giá xăng dầu. Qua đó hỗ trợ cho người dân, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế, cũng góp phần kiềm chế được lạm phát. Như vậy việc giảm giá xăng dầu sẽ đạt được đa mục tiêu, một mũi tên trúng được nhiều đích.
"Cần có biện pháp giảm các loại thuế một cách nhanh nhất, kịp thời nhất để hạ giá xăng dầu. Qua đó hỗ trợ cho người dân, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế, cũng góp phần kiềm chế được lạm phát. Như vậy việc giảm giá xăng dầu sẽ đạt được đa mục tiêu, một mũi tên trúng được nhiều đích".
TS. Vũ Tiến Lộc
Có thể ủy quyền cho ủy ban Thường vụ Quốc hội
Ngoài việc cắt giảm thuế, tại phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ một số đối tượng bị tác động trực tiếp, ông nghĩ sao về việc này?
Như thế thì đúng quá rồi. Trong bối cảnh hiện nay, theo tôi, có hai nhóm đối tượng cần phải hết sức chú ý. Một là phải hỗ trợ cho những người yếu thế, người nghèo, người gặp khó khăn, ngư dân đánh bắt xa bờ… nhìn chung là những đối tượng chịu ảnh hưởng rất lớn bởi dịch bệnh kéo dài trong thời gian qua. Thứ hai là những đối tượng có năng lực cạnh tranh nhưng đang gặp khó khăn tạm thời thì cũng nên hỗ trợ. Việc hỗ trợ lần này không phải để hỗ trợ thanh khoản, mà là hỗ trợ để giảm chi phí vốn giúp doanh nghiệp phát triển.
An sinh xã hội là trục rất quan trọng. Đời sống của người dân, an sinh cho người dân luôn là điều quan trọng mà Chính phủ nào cũng hướng đến và luôn coi đó là ưu tiên số một. Đối tượng yếu thế và đối tượng có tiềm năng, hai nhóm đối tượng này cần ưu tiên hỗ trợ đầu tiên. Một bên là hỗ trợ để đảm bảo an sinh xã hội, một bên là nhằm đảm bảo cho mở rộng sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh.
Về lâu dài, để quyết định nhanh hơn với những vấn đề cấp bách như việc giảm thuế với xăng dầu, theo ông, Quốc hội có nên giao thẩm quyền này cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội?
Tôi đồng ý với phương án này. Bởi trong bối cảnh hiện nay có nhiều vấn đề khó khăn mà chúng ta không lường trước được, như dịch bệnh COVID-19 quay trở lại với biến thể mới, vấn đề xung đột quân sự, rồi những biến động khó lường khác trên thế giới… Quốc hội đã ủy quyền cho Chính phủ được làm trong khung khổ nào đó mà không phải báo cáo với Quốc hội. Thế thì bây giờ Quốc hội cũng có thể sẽ giao thêm nhiệm vụ cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng với tinh thần như vậy.
Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay, nên có một nghị quyết của Quốc hội, hoặc khi sửa luật về thuế có thể quy định luôn. Chẳng hạn trong trường hợp đặc biệt nào đó thì Quốc hội có thể giao nhiệm vụ cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và sau đó sẽ báo cáo lại với Quốc hội, như vậy sẽ nhanh chóng và thuận tiện hơn rất nhiều.
Cảm ơn ông!
Theo Luân Dũng
Tiền phong