Giải ngân đầu tư công chậm tác động tiêu cực tới tăng trưởng công nghiệp
Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Bộ Công Thương cho rằng, tỷ lệ đầu tư công chậm đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, cũng như tăng trưởng của ngành công nghiệp.
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Bộ Công Thương (VIOIT), trong 10 tháng của năm 2024, tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến bất ngờ, đã tác động trực tiếp đối với các ngành công nghiệp và thương mại Việt Nam.
Đơn cử, tỷ lệ đầu tư công chậm cũng đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, cũng như tăng trưởng của ngành công nghiệp.
Xung đột quân sự giữa Nga, Ukraina và tại Trung Đông vẫn đang có những diễn biến khó lường, tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn về giá cả năng lượng, tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất và hoạt động vận tải toàn cầu.
Ngoài ra, xung đột tại Trung Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp, bất ngờ sẽ tác động trực tiếp đến thị trường dầu mỏ toàn cầu cũng như các tuyến giao thông huyết mạch trên thế giới.
Điều này sẽ đẩy giá các mặt hàng năng lượng tăng cao, làm tăng chi phí sản xuất và chi phí vận tải của các doanh nghiệp trong nước, ngoài ra các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu hoặc giá thành tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến thực phẩm.
Bên cạnh đó, Việt Nam là nền kinh tế mở nên về mặt xuất nhập khẩu, tác động chung xu hướng hạ lãi suất của FED sẽ dẫn đến sự suy yếu nhu cầu nhập khẩu khi nền kinh tế của các nước phát triển có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.
Diễn biến tỷ giá trong nước nóng lên trong thán 10 chịu tác động bởi cả các yếu tố bên trong lẫn bên ngoài. Yếu tố bên ngoài có thể thấy rõ nhất là diễn biến tăng rất mạnh của đồng USD trên thị trường quốc tế, với chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng USD đã tăng một mạch từ mức chỉ hơn 100 điểm hồi cuối tháng 9 lên mức trên 104 điểm hiện nay.
Với yếu tố bên trong, đầu tháng 10, Tổng cục Thống kê công bố tình hình xuất nhập khẩu cho thấy trạng thái cán cân thương mại tuy vẫn xuất siêu, nhưng có tín hiệu về sụt giảm khá mạnh.
Sự bất ổn trong việc tiếp tục tái cấu trúc chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu đã tác động tới triển vọng thương mại. Xuất nhập khẩu có thể tăng hơn 10% trong năm nay và cao hơn một chút vào năm tới, với sự phục hồi dần của nhu cầu bên ngoài.
Trước thực trạng này, VIOIT kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là quá trình thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án đầu tư, bảo đảm vừa thông thoáng, vừa hiệu quả và đúng tiến độ; Rà soát, xem xét điều chuyển kinh phí trong các dự án đầu tư công.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công; kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nghiên cứu, ban hành chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong các thủ tục hải quan theo hướng ứng dụng công nghệ, giảm bớt thủ tục hành chính.
VIOIT cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước linh hoạt sử dụng nhiều công cụ khác nhau trong điều hành chính sách tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại hối, thị trường vàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát trong mục tiêu.
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 10/2024 của cả nước ước đạt 47,43% kế hoạch và đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, chưa đạt kỳ vọng đặt ra.
Bên cạnh các địa phương, bộ, ngành còn lúng túng trong triển khai giải ngân vốn đầu tư công, đã có những địa phương, bộ, ngành triển khai giải ngân tốt.
Đáng chú ý, có 15/44 bộ, cơ quan Trung ương và 41/63 địa phương đã nỗ lực phấn đấu, đạt tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ước 10 tháng năm 2024 đạt trên mức trung bình của cả nước. Tiêu biểu một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân cao gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Đài Truyền hình Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Long An, Hòa Bình, Tiền Giang, Thanh Hóa…