Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Du lịch Halal - cơ hội đầy tiềm năng cho Hà Nội

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi (ISAWAAS), Trung tâm Chứng nhận Halal Việt Nam cùng nhiều đối tác tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Triển vọng phát triển du lịch gắn với Halal trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đây là một hoạt động nhằm cụ thể hóa Đề án phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thể hiện vai trò tiên phong của nhà trường trong kết nối đào tạo, thực tiễn và thúc đẩy hợp tác quốc tế về lĩnh vực giáo dục, du lịch và thương mại.

Hội thảo có sự tham dự của gần 150 đại biểu trong nước và quốc tế, gồm các nhà ngoại giao, chuyên gia, học giả, doanh nghiệp lớn như: Hãng Hàng không Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Airlines Inc), Công ty Cổ phần Quản lý G7 Taxi, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội, Tổ chức chứng nhận Halal, đại diện các Đại sứ quán Azerbaijan, Pakistan, Iran, Palestine và Thổ Nhĩ Kỳ...tại Việt Nam.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội Trịnh Thị Thu Hà cho biết, du lịch Halal đang nổi lên như một xu hướng toàn cầu, dự kiến sẽ đóng góp gần 350 tỷ USD cho ngành du lịch thế giới vào năm 2030. Với hơn 1,9 tỷ người theo đạo Hồi trên toàn thế giới, đây là thị trường đầy tiềm năng mà Việt Nam cần chủ động tiếp cận. Là đơn vị trực thuộc UBND thành phố, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội sẽ là cầu nối đào tạo, chuyển giao và triển khai các mô hình dịch vụ Halal thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp, ngành nghề tại địa phương.

Hà Nội có nhiều thế mạnh về cảnh quan, ẩm thực và hạ tầng du lịch, song các sản phẩm và dịch vụ Halal vẫn chưa được phát triển đồng bộ. Hội thảo là cơ hội để nhà trường, doanh nghiệp, cơ quan quản lý và đối tác quốc tế cùng trao đổi, hình thành các định hướng hành động, thúc đẩy Hà Nội trở thành điểm đến thân thiện với cộng đồng Hồi giáo, bà Trịnh Thị Thu Hà chia sẻ.

Tại hội thảo, các đại biểu tại trình bày tham luận làm rõ nội dung liên quan đến xu hướng toàn cầu về ngành công nghiệp Halal, thực trạng và cơ hội phát triển du lịch Halal tại Hà Nội, cũng như đề xuất các giải pháp chính sách, kết nối, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ thị trường du lịch Hồi giáo.

Theo ông RamLan Osman, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia Malaysia, bên cạnh các yếu tố liên quan, Việt Nam cần chú trọng vào đào tạo các hướng dẫn viên du lịch để hiểu đúng về du lịch Halal, nhu cầu của du khách Hồi giáo như nâng cao năng lực dẫn tour, cung cấp thông tin chính xác về du lịch thân thiện với người Hồi giáo. Ông RamLan Osman cũng đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam trong việc trở thành điểm đến hấp dẫn với cộng đồng Hồi giáo nếu có chiến lược đầu tư bài bản vào hạ tầng, nhân lực và nhận thức xã hội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Công Hoàng, Trưởng phòng Nghiên cứu Trung Đông và Tây Á, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi, người Hồi giáo là phân khúc người tiêu dùng phát triển nhanh nhất thế giới. Bất kỳ công ty nào không cân nhắc cách phục vụ họ đều đang bỏ lỡ một cơ hội quan trọng để tác động đến cả tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Hà Nội là trung tâm kinh tế, văn hóa và du lịch, hằng năm thu hút hơn 50.000 lượt du khách Hồi giáo đến du lịch. Hà Nội cũng là 1 trong 3 địa phương (cùng với Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng) được Bộ Ngoại giao lựa chọn thí điểm hỗ trợ xúc tiến sản phẩm Halal.

Hà Nội có tiềm năng lớn, thuận lợi để phát triển du lịch Halal bởi có giá trị văn hóa truyền thống hấp dẫn du khách Hồi giáo, hệ sinh thái ẩm thực phong phú dễ chuyển đổi sang Halal, Thánh đường Hồi giáo và các điểm cầu nguyện, mạng lưới Đại sứ quán các quốc gia Hồi giáo. Song, các dịch vụ Halal tại Hà Nội vẫn chưa đồng bộ, chất lượng đào tạo nhân lực phục vụ thị trường Halal còn chưa được nâng cao, ông Đinh Công Hoàng chia sẻ.

Tại hội thảo, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội đã công bố thành lập Trung tâm Đào tạo Halal - nơi sẽ triển khai các khóa học cơ bản và nâng cao về Halal. Nhà trường đồng thời giới thiệu chương trình đào tạo theo quy chuẩn quốc gia TCVN14230:2024 về du lịch thân thiện với người Hồi giáo - lần đầu tiên được áp dụng tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam.

Nhà trường đã ký kết biên bản hợp tác chiến lược với nhiều đối tác trong và ngoài nước, thể hiện cam kết hợp tác trong đào tạo, cung cấp cơ hội thực hành nghề, phát triển sản phẩm dịch vụ theo chuẩn Halal, đồng hành quảng bá du lịch Việt Nam ra thị trường Hồi giáo quốc tế...

Du lịch Halal là khái niệm còn tương đối mới ở Việt Nam, có thể hiểu là du lịch Hồi giáo hay du lịch thân thiện với người Hồi giáo, đảm bảo các dịch vụ du lịch cung cấp phù hợp với những yêu cầu đặc thù của đạo Hồi. Qua tính toán, với hơn 1,9 tỷ người theo đạo Hồi trên toàn thế giới, du lịch Halal đang phát triển nhanh chóng với phân khúc chi tiêu cao, giá trị thị trường du lịch Halal toàn cầu năm 2023 đạt khoảng 266 tỷ USD, năm 2024 ước đạt 276 tỷ USD và tới năm 2030 có thể đạt tới 350 tỷ USD.

Theo Báo cáo chỉ số du lịch Hồi giáo toàn cầu, lượng khách du lịch Hồi giáo năm 2023 đạt 140 triệu lượt, năm 2024 ước đạt 160 triệu lượt. Khả năng chi trả của khách du lịch Hồi giáo ở mức chi tiêu cao và đang ngày càng tăng, đặc biệt là thị trường khách đến từ các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC)./.

Nguyễn Cúc


Tác giả: Nguyễn Thị Cúc
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...