Đà Nẵng: Doanh nghiệp du lịch kiệt quệ vì tiền thuê đất tăng chóng mặt
Nhiều chủ đầu tư phản ánh, đơn giá thuê đất tại TP. Đà Nẵng tăng đột biến, có vị trí tăng 600-700% so với chu kỳ trước đó. Không kham nổi tiền thuê đất, doanh nghiệp kiệt quệ tài chính, bị cơ quan thuế cưỡng chế phong tỏa tài khoản.
Hàng loạt doanh nghiệp bị cưỡng chế tài khoản
"Thời điểm 2020-2021 hầu hết doanh nghiệp phải đóng cửa phòng, chống dịch, nhưng Thành phố lại tăng tiền thuê đất, có vị trí tăng 600-700%. Chính sách giảm 30% tiền thuê đất của Chính phủ như muối bỏ biển so với tốc độ tăng tiền thuê đất chóng mặt của Đà Nẵng", một chủ đầu tư trao đổi.
Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Công ty cổ phần Quê Việt cho biết, lãnh đạo TP. Đà Nẵng trước đây kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư phát triển dịch vụ du lịch vệt ven biển, với ưu đãi miễn tiền thuê đất 5 năm đầu.
Với chính sách ưu đãi của Thành phố, Công ty Quê Việt đã đầu tư khu giải trí, thể thao biển Dana Beach tại quận Ngũ Hành Sơn với diện tích trên 7.200 m2. Tiền thuê đất lúc đầu là 200 triệu đồng/năm, đến chu kỳ 2015-2019 tăng lên 900 triệu đồng/năm và từ năm 2020 tăng vọt lên 6,9 tỷ đồng/năm - tăng trên 750% so với chu kỳ 2015-2019.
"Tôi bất ngờ, choáng váng khi cơ quan thuế thông báo công ty còn thiếu mấy tỷ đồng tiền thuê đất. Công ty phải vay 20 tỷ đồng với lãi suất cao để trả cho Thành phố, lại còn bị phạt 500 triệu đồng vì trễ hạn nộp thuế", ông Minh bức xúc.
Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Trung, Giám đốc Công ty TNHH Sao Việt Non Nước, chủ đầu tư dự án Melia Danang Beach Resort cho biết, ông đầu tư vào Đà Nẵng từ năm 2007 với đơn giá đất 11.000 đồng/m2/năm. Sau đó tiền thuê đất tăng sau mỗi chu kỳ 5 năm, kỳ 2012-2016 tăng gấp đôi, kỳ 2017-2021 tăng 4 lần, kỳ 2022-2026 tiếp tục tăng hơn 4,5 lần.
"Chu kỳ 2017-2021 công ty trả tiền thuê đất 7 tỷ đồng/năm, đến năm 2022 lên 28 tỷ đồng/năm, tăng trên 400%. Trong khi doanh thu năm 2022 của chúng tôi khoảng 37 tỷ đồng, ngoài trả tiền thuê đất còn rất nhiều chi phí khác để duy trì hoạt động", ông Trung cho biết.
Cũng theo ông Trung, tiền thuê đất ven biển Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà hiện nay đã tăng từ 30 đến 50 lần so với kỳ thời điểm 2007-2011. Đơn cử đơn giá đất áp dụng đối với Melia Danang Beach Resort là hơn 369.000 đồng/m2/năm, tăng hơn 33 lần so với thời điểm đầu.
Ngoài các đơn vị trên, tại Đà Nẵng còn nhiều doanh nghiệp khác đang trong tình trạng "dở sống, dở chết" vì không kham nổi tiền thuê đất, như khu du lịch Aryana của Công ty cổ phần Khách sạn và du lịch Thiên Thai phải trả 120 tỷ tiền thuê đất/năm, tăng hơn 3,4 lần so với năm 2021.
Nhiều doanh nghiệp đầu tư khu du lịch, khu nghỉ dưỡng ven biển Đà Nẵng vừa bị Cục Thuế Đà Nẵng cưỡng chế tài khoản do nợ thuế, như Công ty cổ phần Phát triển đô thị du lịch Quảng An Đà Nẵng, chủ đầu tư khu du lịch biển The Song nợ 65,3 tỷ đồng; Công ty cổ phần Mỹ Phát, chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng Olalani Resort and Condotel nợ 26,9 tỷ đồng; Công ty cổ phần Biển Tiên Sa nợ 12,9 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Hà Nội Non Nước nợ 10 tỷ đồng…
Du lịch biển vẫn ế ẩm, thu không đủ bù chi
Hiện nay, các doanh nghiệp du lịch ven biển Đà Nẵng cố xoay sở nguồn tài chính để trả tiền thuê đất, duy trì kinh doanh, còn một số doanh nghiệp "thoi thóp" vì dự án chưa hoàn thành nên việc vay vốn ngân hàng rất khó, nguy cơ bị tịch thu tài sản, mất trắng.
Ông Nguyễn Anh Minh, chủ đầu tư khu giải trí, thể thao biển Dana Beach cho biết, tình hình khách du lịch hiện nay còn rất khó khăn, thu không đủ chi: "Hè năm nay chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng, vay ngân hàng để đầu tư thêm các dịch vụ đón khách. Nhưng thực tế, từ tháng 7 đến nay, quán xá ven biển vắng khách và khách cũng chi tiêu dè dặt. Cả tháng này đơn vị liên tục đưa các chương trình giảm giá, ưu đãi để thu hút khách, nhưng cũng rất ế ẩm".
Theo ông Minh, với tiền thuê đất tăng cao như hiện nay không có một doanh nghiệp nào trụ nổi. Doanh nghiệp không thể tăng giá 1 ly nước hay 1 phòng khách sạn lên 6 đến 7 lần để lấy khoản thu đó trả tiền thuê đất. Nếu doanh nghiệp đồng loạt nâng giá dịch vụ thì sẽ giảm sức cạnh tranh của ngành du lịch Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn TP. Đà Nẵng cho rằng, tiền thuê đất tăng cao là một gánh nặng đối với chủ đầu tư các khách sạn, resort. Nếu doanh nghiệp tăng giá dịch vụ tương ứng với mức tăng tiền thuê đất thì ngành du lịch giảm sức cạnh tranh, du khách sẽ đi sang các địa phương khác.
Theo doanh nghiệp, đến thời điểm này vẫn còn công ty dịch vụ, du lịch chưa thể gượng dậy sau đại dịch. Năm nay Chính phủ có chính sách giảm, tạm hoãn tiền thuê đất, sau thời điểm này nếu Đà Nẵng không có giải pháp cụ thể nào để giải quyết thì nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản.
"Chúng tôi mong có một cuộc gặp gỡ trao đổi công khai giữa lãnh đạo Thành phố với doanh nghiệp để cùng nhìn thẳng vào sự thật và tìm cách giải quyết vấn đề giá đất, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay", một chủ đầu tư đề nghị.
Theo Nhật Anh
Chinhphu.vn