Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bức tranh kinh tế của tỉnh đang là “vua giải ngân” trên cả nước

Tỷ lệ giải ngân 9 tháng của tỉnh này dẫn đầu cả nước và đứng thứ 3/114 chủ đầu tư cả nước.

Bức tranh kinh tế của tỉnh đang là “vua giải ngân” trên cả nước - Ảnh 1.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn giải ngân đầu tư công của tỉnh Long An đến nay là 9.845,9 tỷ đồng. Đến ngày 04/10/2023, tỉnh giải ngân 7.098,5 tỷ đồng, đạt 72,1% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ giải ngân 9 tháng của Long An dẫn đầu cả nước và đứng thứ 3/114 chủ đầu tư cả nước.

Ngoài chỉ tiêu đứng nhất này, nhiều chỉ tiêu khác của Long An có mức tăng trưởng cao. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho biết, 9 tháng đầu năm, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh Long An ước tăng 4,93%, có chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Trong đó, khu vực 1 tăng 3,59%; khu vực 2 tăng 6,42% và khu vực 3 tăng 3,99%. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý 3 có sự bứt tốc ngoạn mục ước 7,78%, đáng chú ý khu vực II tăng tới 12,4% so cùng kỳ, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh nhấn mạnh.

Đối với thu ngân sách, 9 tháng 2023 tỉnh vùng ĐBSCL này đã thu 13.754 tỷ đồng, đạt 68,23 dự toán tỉnh giao, giảm 15,98% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa 11.415 tỷ đồng, thu thuế xuất nhập khẩu 2.339 tỷ đồng.

Cũng trong 9 tháng năm 2023, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 59 dự án trong nước, tổng vốn đăng ký mới là 42.495 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.191 dự án trong nước với số vốn đăng ký trên 254.502 tỷ đồng.

Về tình hình vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào tỉnh, Long An đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 82 dự án, vốn đầu tư cấp mới 543,5 triệu USD (tăng 253,7 triệu USD). Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.215 dự án FDI, vốn 10.519 triệu USD; trong đó có 588 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 3.624 triệu USD.

Với số liệu trên, Long An đứng thứ 5/63 tỉnh thành trên cả nước về số dự án và 7/63 tỉnh thành về số vốn đăng ký mới của các dự án FDI. Trong 9 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới là 1.372 doanh nghiệp, tăng 7,6% so với cùng kỳ.

Thị trường khu công nghiệp Long An cũng đã phát triển rất mạnh thời gian qua, nhờ vị trí liền kề với TP HCM. Ngoài ra, các khu công nghiệp ở Long An được hưởng lợi rất lớn khi đóng vai trò cầu nối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các trung tâm phân phối, logistics tại khu vực miền Nam. Long An hiện có 18 khu công nghiệp đang hoạt động.

Theo UBND tỉnh Long An, từ nay đến năm 2030, Long An sẽ có 17 khu công nghiệp thành lập mới với diện tích tăng thêm gần 3.200ha. Theo đó, toàn tỉnh sẽ có 51 khu công nghiệp với diện tích gần 12.500ha.

Với số lượng trên, Long An sẽ là địa phương đứng thứ 2 (sau Bình Dương) cả nước về diện tích các khu công nghiệp , tạo điều kiện và cơ hội lớn để thu hút đầu tư.

Tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh diễn ra mới đây, ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Long An nhấn mạnh, 3 năm vừa qua, Long An thực sự trở thành "đại công trường", hiện 18/19 chỉ tiêu đạt kết quả khá tốt, dự báo đến năm 2025 sẽ đạt và vượt Nghị quyết.

“Đối với chỉ tiêu đã đạt thì phấn đấu đạt ở mức cao nhất, đối với các chỉ tiêu còn khó khăn thì quyết tâm lãnh đạo thực hiện ở mức tốt nhất”, Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh.

Đáng chú ý, tỉnh dự kiến cải thiện 3 chỉ số PC - chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, PAPI - chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh, PAR INDEX - chỉ số cải cách hành chính, là công cụ quan trọng để theo dõi, đánh giá hoạt động cải cách hành chính trong giai đoạn 2023 - 2025, phấn đấu xếp loại trong nhóm từ Tốt đến Rất Tốt.

13 con đường là động lực cho phát triển

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định một trong các đột phá chiến lược của tỉnh trong giai đoạn hiện nay là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả.

Bức tranh kinh tế của tỉnh đang là “vua giải ngân” trên cả nước - Ảnh 2.

Sơ đồ đường Vành đai 3 và Vành đai 4 TP HCM. (Nguồn: Người Lao động).

Theo đó, 8 công trình nằm trong chương trình đột phá về giao thông gồm: Đường Lương Hòa - Bình Chánh; đường Hựu Thạnh - Tân Bửu; Đường tỉnh 826E; đường kết nối đường dẫn vào cầu Rạch Dơi đến ĐT826E; trục động lực Đức Hòa; đường Tân Tập - Long Hậu; nâng cấp, mở rộng ĐT824; nút giao đường Hùng Vương - Quốc lộ 62.

Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Long An được Quốc hội và Chính phủ giao triển khai, thực hiện hai công trình giao thông trọng điểm quốc gia gồm đường Vành đai 3 và Vành đai 4 TP HCM.

Dự án vành đai 3 TP HCM qua tỉnh Long An nằm trên địa bàn huyện Bến Lức, dài 6,84 km, với tổng mức đầu tư dự án 4.208 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương khoảng 75% và ngân sách tỉnh khoảng 25%. Vành đai 4 TP HCM dài gần 200km đi qua 5 địa phương gồm TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu, riêng đoạn tuyến qua Long An dài nhất với 69,1km.

Giai đoạn 2021-2025, ngành GTVT được giao nhiệm vụ triển khai 3 công trình trọng điểm: đường vành đai TP Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây; đường tỉnh 830E (đoạn từ nút giao cao tốc đến đường tỉnh 830); đường tỉnh 827E (Quốc lộ 50B).

Dự án xây dựng ba cầu bắc qua các sông Cần Giuộc, Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây có tổng mức đầu tư dự kiến 4.798 tỷ đồng; trong đó vốn vay ODA 174 triệu USD tương đương hơn 4.000 tỷ đồng, vốn đối ứng 737 tỷ đồng.

Theo Sở GTVT, 3 cây cầu này đều nằm trên đường tỉnh 827E, tức quốc lộ 50B đang thi công, nhằm kết nối trục động lực TP HCM - Long An - Tiền Giang.

Hiện Long An tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm trên nhằm góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ở địa phương.

Nhật Minh

Nhịp sống thị trường


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...