Thăng trầm ngành chip thế giới 2 năm qua: Từ đỉnh điểm cơn khát đến vực sâu dư thừa
Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, ngành sản xuất chip đã trải qua nhiều biến động bất ngờ, từ đỉnh cao xuống vực sâu theo cách không ai ngờ tới.
Ngành sản xuất chip đang trải qua một trong những giai đoạn kỳ lạ nhất trong lịch sử của mình. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, lĩnh vực này đã đi từ chỗ được hàng loạt hãng công nghệ săn đón đến trở thành gánh nặng khổng lồ về tài chính cho các công ty trong ngành.
Trong năm 2022, thế giới chứng kiến cuộc khủng hoảng thiếu hụt chip – sản phẩm đã trở nên tối quan trọng đối với hầu như mọi thiết bị điện tử hàng ngày của người dùng – khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và hoạt động sản xuất đình trệ do hậu quả của đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, đại dịch lại khiến mọi người đồng loạt làm việc tại nhà, kéo theo nhu cầu tăng cao đột biến đối với hàng loạt sản phẩm điện tử, bao gồm máy tính, smartphone, thiết bị điện tử cầm tay, ngay cả máy giặt, TV cũng lâm vào cảnh thiếu hụt chip. Thậm chí khi thế giới mở cửa trở lại nhịp sống bình thường, việc thiếu hụt chip lại bắt đầu lan sang cả ô tô khiến sản lượng xe sụt giảm.
Lạc quan với nhu cầu tăng cao của người dùng trong đại dịch cộng với các dự báo về khả năng thiếu hụt chip trong dài hạn, hàng loạt nhà sản xuất chip đã tăng cường năng lực sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu. Nhưng hóa ra thị trường lại cân bằng sớm hơn so với nhiều dự báo và các dấu hiệu của sự dư thừa nguồn cung bắt đầu xuất hiện.
Nguồn cung chip nhớ dư thừa trầm trọng
Ngay trong hiện tại có 2 loại chip nhớ đang rơi vào tình trạng dư thừa: chip nhớ NAND và DRAM. Đây đều là các sản phẩm dùng cho laptop và máy chủ trong trung tâm dữ liệu. Tình trạng dư thừa xảy đến khi hàng loạt công ty đã tích trữ quá nhiều hàng tồn kho do lo ngại thiếu hụt và giờ đây gần như không còn mấy nhu cầu đối với các sản phẩm này.
Điều này khiến các nhà sản xuất chip nhớ trở nên hẫng hụt trước nhu cầu sụt giảm đột ngột của thị trường. Tuy nhiên không phải mọi loại chất bán dẫn đều dư thừa, điểm sáng duy nhất đến từ các chip dành cho lĩnh vực ô tô.
Chuyên gia Peter Hanbury đến từ hãng Bain & Company cho biết, một số loại chip dành cho các mục đích đặc biệt thường không dễ hoán đổi sang các loại bán dẫn khác, do vậy cũng khó có khả năng dư thừa hơn. "Thời gian đặt hàng và sản xuất chúng cũng như giá cả đã được cải thiện nhưng vẫn ở mức tương đối cao."
Từ điểm sáng thúc đẩy lợi nhuận trở thành gánh nặng tài chính
Việc thiếu hụt bán dẫn trong thời kỳ đại dịch hóa ra lại thúc đẩy lợi nhuận cho những nhà sản xuất khi giá cả gia tăng đột ngột. Điều này đặc biệt đúng với Samsung, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới.
Ngay cả hãng TSMC, nhà gia công chip hàng đầu thế giới hiện nay, cũng công bố thu nhập ròng giảm 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý đầu tiên công ty ghi nhận thu nhập trong suốt 4 năm qua.
Thế nhưng nếu nhìn vào nhu cầu yếu đối với thị trường PC hiện tại, không có gì đảm bảo các quý tới đây tình hình sẽ thay đổi đối với Samsung, SK Hynix và Micron. Trong khi đó, áp lực vẫn đang gia tăng đối với hãng TSMC, nhà sản xuất chip smartphone hàng đầu thế giới hiện nay.
Điểm cân bằng mới cho thị trường chip?
Trong nỗ lực đẩy giá chip lên trở lại và giảm lượng dư thừa của thị trường, các hãng chip lớn đều thông báo cắt giảm sản xuất. Samsung cho biết, họ kỳ vọng nhu cầu toàn cầu sẽ phục hồi trong nửa sau của năm nay, tương đồng với nhận định của nhiều công ty khác.
Tuy nhiên, TSMC cho biết họ lại cho rằng các khách hàng của mình vẫn đang "tiếp tục điều chỉnh lượng tồn kho" trong thời gian tới.
Cuối cùng, sự phục hồi của thị trường chip vẫn sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của các sản phẩm cuối như các sản phẩm điện tử tiêu dùng được đưa tới tay người dùng. Nhưng điều này lại phụ thuộc vào mức độ phục hồi kinh tế vĩ mô, điều có thể còn xa mới trở thành hiện thực trên toàn cầu.
Tham khảo CNBC
Theo Nguyễn Hải
Phụ nữ số