Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công nghệ thông tin có là "vua của mọi ngành"?

Trong thời đại kỷ nguyên số, công nghệ tác động đến nhiều ngành nghề trong mọi lĩnh vực.

Công nghệ thông tin có là

Theo đó, ngành công nghệ thông tin (IT) với mức lương hấp dẫn và nhiều cơ hội việc làm rộng mở vẫn luôn là ngành “hot” được nhiều bạn trẻ theo đuổi.

Mức lương đáng mơ ước

Nhiều năm trở lại đây, ngành công nghệ thông tin được mệnh danh là “vua của mọi ngành”. Điều này được minh chứng cụ thể bằng mức lương của ngành này luôn dẫn đầu. Bất chấp làn sóng sa thải, thất nghiệp, ngành IT vẫn luôn có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực cao.

Theo báo cáo Thị trường tuyển dụng 2022 và Xu hướng tuyển dụng 2023 của TopCV - công ty trong lĩnh vực tuyển dụng và quản trị nhân lực thông qua ứng dụng công nghệ - cho biết, trong số 10 ngành nghề được khảo sát, ngành IT phần mềm và công nghệ thông tin có mức lương cao nhất đối với những nhân sự cùng vị trí.

Cụ thể, phân theo cấp bậc, mức lương của nhân viên có thể đạt mức 25 triệu đồng/tháng. Tại những vị trí cao hơn, mức lương hàng tháng có thể chạm mốc 60 triệu đồng, như nhân viên (12 - 25 triệu đồng), trưởng nhóm (23 - 40 triệu đồng), trưởng/phó phòng (23 - 40,7 triệu đồng), quản lý/giám sát (23 - 46 triệu đồng), giám đốc, phó giám đốc (60 triệu đồng).

Anh Ngô Minh Đức (28 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) là lập trình viên tại Công ty Cổ phần RIKKEISOFT - công ty công nghệ thông tin tại Việt Nam, hoạt động ở lĩnh vực kinh doanh chính là cung cấp các dịch vụ và giải pháp công nghệ thông tin. Tốt nghiệp Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Hà Nội, anh Đức đã có 5 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành IT.

Với lợi thế giỏi ngoại ngữ nên ngay từ khi mới ra trường, chàng kỹ sư công nghệ đã có nhiều cơ hội việc làm rộng mở. Trong khi bạn bè đồng trang lứa còn đang chật vật tìm kiếm công việc, thậm chí phải chấp nhận làm trái ngành để duy trì cuộc sống thì Đức đã dễ dàng tìm được một công việc đúng ngành học với mức lương được đánh giá là khá cao so với mặt bằng chung.

Đức chia sẻ thêm, có lẽ do thị trường của ngành nghề này “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao nên những lập trình viên có kinh nghiệm và trình độ tốt thường xuyên nhận được lời mời của các công ty, và khi đáp ứng được nhu cầu thì họ được tuyển dụng ngay.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, anh Đức cho biết, tuy mức lương hấp dẫn và chế độ đãi ngộ dành cho các lập trình viên như anh khá tốt, song anh cũng phải chấp nhận đánh đổi khá nhiều cả về thời gian và sức khỏe. Vì tính chất công việc luôn phải cập nhật và đổi mới, nắm bắt thị trường, ngoài hoàn thành tốt công việc hàng ngày, những người làm lập trình như anh thường xuyên phải học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên ngành.

Đức chia sẻ, công việc của anh không cố định thời gian, thường xuyên phải tăng ca, thậm chí là làm việc thâu đêm. Tính chất công việc bận bịu, anh không có thời gian dành cho việc chăm sóc bản thân. Có những lúc, sức khỏe của Đức đã đến ngưỡng “báo động đỏ” vì lối sinh hoạt thiếu lành mạnh, phải ngồi lỳ một chỗ do lịch làm việc dày đặc. Hiện tại, mong muốn của anh chàng là cân bằng lại công việc, điều chỉnh được quỹ thời gian để có thể dành nhiều sự quan tâm hơn cho chính mình và người thân.

Công nghệ thông tin có là

Ảnh minh họa ITN.

Thời hoàng kim sắp qua?

Có những thời điểm, các nhà tuyển dụng của ngành IT luôn phải cạnh tranh gay gắt để tuyển dụng nhân tài. Tăng trưởng nóng khiến cho mức lương của ngành tăng lên mức mất kiểm soát trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, cơn bão sa thải toàn cầu “quét” qua các công ty công nghệ từ lớn đến nhỏ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành IT. Vào tháng 1/2023, hàng loạt công ty tiếng tăm trên thế giới như Alphabet - công ty mẹ của Google, Meta, Amazon… đã buộc phải cắt giảm khối lượng lớn nhân sự. Một số công ty công nghệ lớn ở châu Á như Kakao, Naver (Hàn Quốc) cũng không ngoại lệ.

Ngoài lý do bối cảnh nền kinh tế chung bị suy thoái sau đại dịch Covid-19, nhiều ý kiến cho rằng, sự phát triển bùng nổ của AI (trí tuệ nhân tạo) cũng là một trong những lý do trực tiếp ảnh hưởng đến ngành công nghệ thông tin, khiến sức hút của ngành giảm so với giai đoạn trước.

Đánh giá về điều này, anh Phạm Anh Phương (30 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) - lập trình viên xây dựng và phát triển phần mềm tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong cho biết: “Dưới góc nhìn của mình, tôi cho rằng ngành công nghệ thông tin đã và vẫn đang là ngành mang lại nhiều giá trị mới và thúc đẩy xã hội phát triển trong tương lai.

Trí tuệ nhân tạo hay còn gọi là AI đúng là vô cùng phát triển, đang dần trở nên phổ biến, được truyền thông nhắc đến rất nhiều. Tuy nhiên trên thực tế, AI là một ngành nhỏ trong ngành công nghệ thông tin và được tạo ra bởi chính con người. Chính vì vậy, sự phát triển của AI cũng đánh dấu sự phát triển chung của ngành IT”.

Theo lập trình viên trẻ tuổi này, thay vì lo lắng về vấn đề trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế cơ hội công việc hiện tại thì các bạn trẻ nên suy nghĩ về việc tối ưu hóa ứng dụng AI để tạo ra những cơ hội mới, ý tưởng mới, từ đó thúc đẩy xã hội và nền kinh tế phát triển.

Xét về cơ hội việc làm cho nhân sự công nghệ thông tin ở Việt Nam, Phương nhìn nhận rằng các công ty lớn vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhưng không quá ồ ạt mà tập trung vào nhóm nhân sự có trình độ cao. Và với định hướng toàn cầu hóa, các lập trình viên nói riêng và nhân sự chung của ngành IT không chỉ cần giỏi về chuyên môn, cập nhật những công nghệ mới nhất, mà còn cần trau dồi vốn ngoại ngữ, có tinh thần ham học hỏi và tính chủ động trong công việc.

“Một nhân sự tốt thì ở bất kỳ thời đại nào vẫn sẽ luôn được các nhà tuyển dụng săn đón và không bao giờ bị đe dọa thay thế bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo. Có thể ở giai đoạn ngắn hạn, lĩnh vực này đang gặp một vài khó khăn, tuy nhiên xét về tương lai và định hướng lâu dài, ngành công nghệ thông tin chắc chắn vẫn sẽ còn phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy nền văn hóa, kinh tế, xã hội”, anh Phương tự tin bày tỏ quan điểm.

Theo Hà Trang


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...